(Baonghean.vn) - Rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo; Sửa đổi, bổ sung một số điều thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau; Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tiền điện tử, tiền ảo;... là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.
1. Rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2018.
Kiến nghị tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ chính sách theo hướng: Xác định rõ vai trò chủ trì và các bên tham gia, có cơ chế phối kết hợp cụ thể ngay từ khâu lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đối với các chính sách được tích hợp và lồng ghép nguồn lực; giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo...
2. Sửa đổi, bổ sung một số điều thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, Nghị định 97/2017/NĐ-CP đã bổ sung quy định về các tiêu chí xác định đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức. Theo quy định mới, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện:
1- Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;
2- Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020.
Mục đích nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Tổ chức Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tùy theo từng nhóm đối tượng, các bộ, ban, ngành, các địa phương đề ra nội dung thi đua phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ giảm nghèo.
4. Thủ tướng yêu cầu báo cáo vụ VN Pharma nhập thuốc ung thư giả
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc Công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có văn bản báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, trình Thủ tướng trước ngày 31/8/2017.
Trước đó, cáo buộc về “tội trạng” của các cá nhân liên quan trong vụ việc được VKSND tối cao đưa ra, theo cơ quan công tố, năm 2013, VN Pharma mua thuốc tân dược của Công ty Helix Canada để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam, trong đó có thuốc H-Capita 500 mg Caplet.
Tháng 4/2014, VN Pharma mở tờ khai hải quan nhập khẩu hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500 mg về Việt Nam. Quá trình điều tra cho thấy, các giấy chứng nhận chất lượng thuốc đều là giả.
5. Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tiền điện tử, tiền ảo
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan, trong đó, khảo sát, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế tại một số nước (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...) về pháp luật và thực tiễn liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 8/2018 hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Nhiệm vụ này phải hoàn thành vào tháng 6/2019.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9/2019.
6. Nâng cao tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án "Hỗ trợ Bộ Y tế nâng cao tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình và tăng cường đáp ứng y tế cho các vấn đề mới nổi thông qua việc xây dựng và giám sát thực hiện các luật và chính sách dựa trên bằng chứng và quyền con người" do Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) tài trợ.
Dự án trên được thực hiện từ năm 2017 - 2021 tại Hà Nội với nguồn vốn ODA không hoàn lại 5.528.648 USD.
Mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ Bộ Y tế tăng cường tiếp cận phổ cập và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục và KHHGĐ; tăng cường đáp ứng y tế với các vấn đề mới nổi thông qua việc xây dựng và giám sát thực hiện các luật và chính sách dựa trên bằng chứng và đảm bảo quyền con người.
Cụ thể, Dự án sẽ hỗ trợ Bộ Y tế dự thảo, xây dựng và giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Dân số, Luật Dân số và các luật liên quan tới y tế dựa trên bằng chứng và đảm bảo quyền con người.
7. Điều chỉnh vốn điều lệ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2017-2019 từ 2.268 tỷ đồng lên 3.250 tỷ đồng.
Nguồn bổ sung vốn điều lệ tăng thêm là: Chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu so với vốn điều lệ đến 31/12/2016 là 452,4 tỷ đồng; Quỹ đầu tư phát triển đến 31/12/2016 là 89,7 tỷ đồng và trích từ lợi nhuận sau thuế từ năm 2017 trở đi (khoảng 193 tỷ đồng); Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Công ty mẹ - Tổng công ty đến 31/12/2016 là 71,9 tỷ đồng; tăng vốn và tài sản gói EP thuộc Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1693/QĐ-BGTVT ngày 14/6/2017 của Bộ Giao thông vận tải là 155,58 tỷ đồng; chênh lệch giá ray chuyên dùng là 19,26 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan hướng dẫn, giám sát Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng và bảo toàn vốn điều lệ được duyệt trên đây theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
8. Đơn giản hóa TTHC liên quan đến quản lý dân cư của Bộ Giao thông vận tải
Chính phủ vừa thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải (Phương án đơn giản hóa).
Theo đó, nội dung phương án đơn giản hóa liên quan đến 6 lĩnh vực: Đường bộ (15 thủ tục); đăng kiểm (6 thủ tục); hàng không (23 thủ tục); đường sắt (2 thủ tục); hàng hải (23 thủ tục); đường thủy nội địa (6 thủ tục) và các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.
Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải căn cứ nội dung Phương án đơn giản hóa được Chính phủ thông qua, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp vướng mắc của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành có liên quan để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ trong quá trình thực thi Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết này.
9. Đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường
Cụ thể, Nhóm thủ tục: Cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng chỉ định giá đất tại phụ lục số 1,2,3,4 kèm theo Thông tư số 61/2015/TT-BTNMT ngày 15/12/2015 bãi bỏ các mục: Ngày, tháng, năm sinh; quê quán; quốc tịch; đồng thời, thay thế cụm từ "Số CMND/CCCD" và "số chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu)" bằng cụm từ "số định danh cá nhân".
Các nhóm thủ tục: Đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu; Đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu; Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đã đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu; Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với tài sản gắn liền với đất mà sở hữu không đồng thời là người sử dụng đất; Đăng ký đất đai lần đầu đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý... tại mẫu số 4a/ĐK ban hành kèm theo Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 và tại mẫu số 4b/ĐK Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT thay thế cụm từ "số giấy CMND" và "số giấy chứng minh nhân dân" bằng cụm từ "số định danh cá nhân".
Một số mẫu đơn, mẫu tờ khai liên quan đến các nhóm thủ tục khác có cụm từ "số giấy CMND" và "số giấy chứng minh nhân dân" cũng được thay thế bằng cụm từ "số định danh cá nhân".
10. Triển khai thi hành Luật Quản lý ngoại thương
Nhằm triển khai thi hành Luật Quản lý ngoại thương kịp thời, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật này.
Theo đó, năm 2017 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan tổ chức quán triệt việc thi hành luật; tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật thông qua các chuyên mục, chương trình, tập huấn, biên soạn tài liệu và các hình thức khác theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và từng đối tượng, địa bàn (thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật).
Thái Bình
(Tổng hợp)