(Baonghean.vn) - Tăng chế độ đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; Tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi;Quyết liệt đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Bố trí phương tiện kiểm tra nhanh thực phẩm tại chợ;...là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.
1. Tăng chế độ đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Đó là nội dung tại Quyết định số 35/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 75/2013/QĐ-TTg ngày 6/12/2013 quy định về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Quyết định nêu rõ, đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng thuộc biên chế của các đội chuyên trách trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (sau đây gọi là đội tìm kiếm, quy tập) ở trong nước và ngoài nước, trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ theo quy định, còn được hưởng các chế độ, chính sách như phụ cấp, bồi dưỡng trực tiếp, bồi dưỡng sức khỏe, ăn thêm…
Trong đó, mức bồi dưỡng sức khỏe khi làm nhiệm vụ ở trong và ngoài nước được tăng từ 280.000 đồng/người lên 500.000 đồng/người (không quá 02 lần/năm)...
2. Tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, sỏi và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hiện hành và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 357/TB-VPCP ngày 6/11/2015 và Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017.
3.Quyết liệt đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giao Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban ATGT giao thông quốc gia theo các chuyên đề và kiểm tra các địa phương có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao; tập hợp những bất cập về mặt quy định pháp luật, chính sách trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiến nghị với các Bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch sửa đổi, hoàn thiện.
Ủy ban ATGT phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông theo Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2017; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng quy định xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do lỗi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT để áp dụng xử lý trong thời gian tới.
4. Bố trí phương tiện kiểm tra nhanh thực phẩm tại chợ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin hỏi - đáp về an toàn thực phẩm; đồng thời, có văn bản chỉ đạo thực hiện việc bố trí phương tiện kiểm tra nhanh thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị, trong tháng 7/2017 trình Chính phủ ban hành văn bản phân công nhiệm vụ cho các bộ ngành thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ trong tháng 7/2017 trình Chính phủ có văn bản chỉ đạo việc bố trí cán bộ xã theo dõi công tác an toàn thực phẩm.
5. Phối hợp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận Hội nghị thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Theo đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội đối với các chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, tạo nhiều việc làm cho xã hội.
Xây dựng đội ngũ công nhân, người lao động có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập quốc tế.
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, đặc biệt về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; kịp thời kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, xử lý vi phạm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp....
6. Thêm 313.707 hộ gia đình có công được hỗ trợ nhà ở
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính phân bổ toàn bộ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương (100%) để hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình có công với cách mạng giai đoạn 2 theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ (theo số liệu đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra); căn cứ Đề án và kế hoạch hỗ trợ đã được phê duyệt của các địa phương, đề xuất ứng vốn nhằm hoàn thành dứt điểm việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công trong 02 năm (2017 - 2018).
Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào quy định về thứ tự ưu tiên theo hướng dẫn tại Thông tư số 09/TT-BXD ngày 1/7/2013 của Bộ Xây dựng để chủ động xác định đối tượng ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ cho phù hợp với thực tế của địa phương; đối với các địa phương có khả năng ứng trước kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ dứt điểm giai đoạn 2 của Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2017 thì chủ động cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ.
7. Quy chế tiếp nhận, trả lời kiến nghị của cử tri
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến.
Theo quy định, người đứng đầu các bộ, cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đúng quy định của pháp luật và quy định của Quy chế; báo cáo tổng hợp đầy đủ về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan.
Các bộ, cơ quan được giao chủ trì giải quyết, trả lời kiến nghị phải chủ động, thường xuyên phối hợp, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị đã được giao cho cơ quan mình và các cơ quan phối hợp, không để kiến nghị tồn đọng, kéo dài.
Đối với kiến nghị liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của nhiều bộ, cơ quan, địa phương được giao cho một bộ, cơ quan chủ trì nghiên cứu giải quyết, trả lời. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được kiến nghị, bộ, cơ quan được giao chủ trì giải quyết, trả lời phải có văn bản gửi đến bộ, cơ quan, địa phương có liên quan đề nghị phối hợp giải quyết, trả lời kiến nghị.
8. Rà soát các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về việc xem xét bổ sung huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.
Giai đoạn 2017-2020, trên cơ sở quy định tại Quyết định số 2115/QĐ-TTg ngày 7/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí huyện nghèo áp dụng cho giai đoạn 2017-2020, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ và các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá lại toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 30a và các văn bản liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở đề xuất cho giai đoạn 2017-2020.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ và các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, huyện hưởng một số cơ chế, chính sách theo huyện nghèo giai đoạn 2017-2020...
9. Kiểm tra phản ánh doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định bảo vệ môi trường
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên khẩn trương kiểm tra phản ánh việc Công ty TNHH Toko Việt Nam chưa thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Vừa qua, ông Đỗ Thế Thông (trú tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đại diện một số công dân gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ phản ánh Công ty TNHH Toko Việt Nam chưa thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người dân trong khu vực.
Về việc này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo UBND tỉnh Hưng Yên khẩn trương kiểm tra phản ánh của ông Đỗ Thế Thông và một số công dân, có biện pháp xử lý kịp thời, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2017.
10. Thủ tướng trả lời chất vấn về Grab và Uber
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc liên quan đến việc thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của Grab và Uber.
Văn bản nêu rõ, ngay khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được đề cập từ năm 2011, việc ứng dụng công nghệ đã và được các nước trên thế giới cũng như Việt Nam chú trọng phát triển trong các lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước. Việc cải cách hành chính, công khai minh bạch, tăng cường công tác quản lý ngày càng được nâng cao khi ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, trong các lĩnh vực cung ứng dịch vụ thì ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin và điều hành trên cơ sở công nghệ số, giao dịch điện tử mang lại hiệu quả rất rõ rệt.
Vì vậy, trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|