Theo các chuyên gia, hai yếu tố quan trọng để đạt được việc đại đoàn kết dân tộc là vấn đề dân chủ và hài hòa lợi ích.
“Phát huy đại đoàn kết và dân chủ xã hội chủ nghĩa phải bắt nguồn từ đường lối sáng suốt của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước kịp thời phản ánh được ý nguyện của nhân dân”- ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định tại Hội thảo về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới đất nước vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.
Đoàn kết, dân chủ: 2 trọng tâm trong công tác Mặt trận
Theo ông Vũ Trọng Kim, trong thời gian qua Mặt trận đã đi đúng hướng và làm có hiệu quả, vai trò của Mặt trận được khẳng định trong thực tế là đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Mặt trận phải đề cao hoạt động giám sát và phản biện xã hội. “Đoàn kết và dân chủ phải là hai trọng tâm nổi bật mà Mặt trận phải tập trung trong đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trong thời gian tới đây. Nếu làm tốt hai vấn đề cốt lõi này sẽ làm bật vai trò của MTTQ Việt Nam”.
Dẫn lời căn dặn của Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh “muốn đoàn kết thực sự phải có dân chủ thực sự", ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa-Xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, một trong những động lực thúc đẩy nhân dân tăng cường đoàn kết trong giai đoạn hiện nay là quyền làm chủ đất nước của nhân dân. Quyền đó phải được Nhà nước tôn trọng. Pháp luật và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải đảm bảo các điều kiện để nhân dân thực sự là người chủ, thực sự làm chủ như Hiến pháp 2013 đã quy định.
Theo ông Nguyễn Túc, bối cảnh hiện nay có nhiều vấn đề nhân dân đang lo lắng, đó là tình hình kinh tế của nước ta tụt hậu ngày càng xa hơn so với các nước trong khu vực, tiềm năng trong nhân dân chưa được khai thác và phát huy đầy đủ. Đời sống của các tầng lớp nhân dân trong những năm gần đây chậm được cải thiện. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã và đang tiếp tục khai thác những thiếu sót, yếu kém của ta hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây ổn định chính trị - xã hội…
“Trong bối cảnh đó, cần nắm vững những quan điểm cơ bản và cũng là những định hướng chủ yếu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Đó là lợi ích cơ bản của nhân dân, của dân tộc ta ngày nay là độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong chủ nghĩa xã hội. Lợi ích đó thể hiện cụ thể hàng ngày trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng. Củng cố và tăng cường đoàn kết ngày nay không thể chỉ chung chung mà phải gắn chặt với việc đảm bảo các lợi ích đó của nhân dân”- ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng khẳng định, 30 năm đổi mới đề lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Một trong những bài học đó là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật với tinh thần khoa học và cách mạng về tình hình thế giới và đất nước những năm qua, hiện nay và trong những năm tới. Đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, đặc biệt trên biền Đông còn nhiều diễn biến rất phức tạp.
Đoàn kết, dân chủ: Cách nào thực hiện?
Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay là trở lại với tư tưởng, đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết.
PGS.TS Bùi Đình Phong khẳng định, muốn làm được việc này phải trở về với tư tưởng nhân nghĩa, khoan dung vốn là một giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc và là nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Một điểm nhấn hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay và cả lâu dài về sau, đó là đề cao và thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ. Mặt khác phải tôn trọng những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của quốc gia-dân tộc. Điều này đã được quy định trong Đảng, bây giờ phải được quy định và triển khai trong xã hội.
Ông Nguyễn Túc cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề dân chủ và đại đoàn kết là hết sức quan trọng. Nội dung phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được đưa vào tiêu đề dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần này là một nhận thức rất lớn của Đảng ta về vấn đề dân chủ, đại đoàn kết. Đây cũng là sự cụ thể hóa Hiến pháp 2013. “Trong bối cảnh chúng ta đang cần một sự đoàn kết vững chắc thì lại càng không thể không có dân chủ. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của xã hội”- ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Túc, hai yếu tố quan trọng để đạt được việc đại đoàn kết dân tộc là vấn đề dân chủ và hài hòa lợi ích. Bây giờ phát triển kinh tế nhiều thành phần, mà trong bối cảnh hòa bình, “cái tôi” và “cái ta” phải hài hòa, đan xen nhau, nếu không giải quyết hài hòa lợi ích, không giải quyết dân chủ thì không có đại đoàn kết bền vững.
Ông Nguyễn Túc cho rằng, trong công tác Mặt trận, hiện nay chủ trương của Đảng có, chính sách cũng đã có. Vì thế, để thực thi các chủ trương đường lối chính sách của Đảng như thế nào phải từ cả lãnh đạo các địa phương. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội để các chủ trương, chính sách, nhất là chủ trương, chính sách có liên quan đến dân chủ và hài hòa lợi ích sát với cuộc sống, đáp ứng lợi ích thiết thân của nhân dân./.
Theo VOV