Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước có gần 1.000 cơ sở sản xuất phân bón với khoảng 5.000 sản phẩm các loại; trong đó, chỉ có 90 cơ sở có giấy phép. Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng từ công nghệ “cuốc xẻng” tiếp tục diễn ra và ngày càng tinh vi, gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD/năm.

images1422926_images598157_g3a.jpgPhân bón giả do Quản lý thị trường TPHCM phát hiện.

"Bê tông hóa” đồng ruộng

Tuần qua, tại buổi trao đổi kinh nghiệm phòng chống việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng khu vực phía Nam do Bộ Công thương cùng với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí tổ chức, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, vài năm nay phân bón là 1/7 mặt hàng trọng tâm trong kiểm tra, kiểm soát về chất lượng. Lực lượng QLTT cả nước xử lý gần 100.000 vụ vi phạm liên quan, phạt gần 400 tỷ đồng, thu giữ khoảng 1.000 tấn phân bón các loại. Nhưng việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng và những vi phạm khác vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, có sự cấu kết từ trong và ngoài nước.

Ông Phạm Văn Cường (Chi cục QLTT Lâm Đồng) cho biết, lợi dụng vùng hẻo lánh, vùng sâu, người dân ít thông tin, các đối tượng sản xuất, kinh doanh đã đưa phân bón giả, kém chất lượng vào tiêu thụ dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi có tính chuyên nghiệp; trà trộn hàng giả với hàng thật; hàng không đảm bảo chất lượng với hàng chất lượng, bán gối đầu (trả tiền sau) cho các cửa hàng nhỏ lẻ với giá rẻ để thu hút người mua…, gây thiệt hại cho nông dân và ảnh hưởng lớn đến ngành trồng trọt, đất đai. Các hành vi vi phạm phổ biến phát hiện thời gian qua là: sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép so với tiêu chuẩn công bố áp dụng, phân bón giả chất lượng, giả nhãn hiệu hàng hóa các thương hiệu có uy tín, vi phạm về nhãn hàng hóa… Như vụ Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Phúc Quỳnh (TPHCM) sản xuất phân bón giả nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty Thiên Phú Nông, dùng hóa đơn giá trị gia tăng đã quyết toán hủy với cơ quan thuế để hợp thức hóa hàng giả và bán cho các cơ sở kinh doanh tại Lâm Đồng. 

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nếu trước đây việc sản xuất phân bón giả thực hiện với quy mô lớn thì nay lại xé lẻ ra. Những cơ sở này chấp nhận bán giá rẻ, trả chậm, chỉ cần trả trước 50% đã có lời. Khi bị phát hiện lập tức thay đổi mẫu mã khác. Thay vì dùng bột mì làm chất kết dính, những cơ sở này lại sử dụng đất sét hay bột đá, khi bà con nông dân mua về bón cho cây trồng có nguy cơ đồng ruộng bị “bê tông hóa”. Nhiều địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hay Tây Nguyên - hai khu vực nóng về phân bón giả, nhái, không ít đại lý kinh doanh phân bón trang bị cả máy trộn bê tông để phối trộn phân bón giả. Vì vậy, chất lượng phân bón này tương đương với… đất!

Bị “trói tay” và dung túng 

Dù hàng năm, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều vụ sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng nhưng chỉ có 0,3% số vụ vi phạm có thể xử lý hình sự. Ông Nguyễn Minh Trung (Chi cục QLTT Đồng Tháp) nêu ra những vướng mắc. Nghị định 163/2013/NĐ-CP không quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho QLTT (thẩm quyền xử phạt là thanh tra chuyên ngành), gây khó khăn khi làm nhiệm vụ. Khi kiểm tra chất lượng, không được giữ hàng, phải chờ kiểm định. Chi phí giám định cao, thời gian dài, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý do khi có kết quả, cơ sở vi phạm đã bán hết cho nông dân, vô tình tạo điều kiện để phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Việc kiểm định cũng có vấn đề về các trường hợp sai số. Nếu kiểm định lần thứ nhất có kết quả vi phạm, cơ sở có quyền yêu cầu kiểm định lần 2, nhưng luôn xảy ra tình trạng sai số. Và theo quy định của Bộ Khoa học - Công nghệ, kết quả lần 2 là kết luận cuối cùng. Một khó khăn khác là việc liên hệ và phối hợp với doanh nghiệp, hiệp hội trong cung cấp thông tin, hỗ trợ phát hiện trong kiểm tra, xử lý. Không ít trường hợp doanh nghiệp bị làm giả, làm nhái nhưng chọn biện pháp im lặng, không muốn làm to chuyện vì sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, khi người mua e ngại tình trạng thật - giả lẫn lộn. Nhưng vướng mắc lớn nhất là việc xử lý khi phát hiện phân bón giả, kém chất lượng của đơn vị ngoài tỉnh sản xuất, chỉ có thể xử phạt hành vi kinh doanh phân bón kém chất lượng; riêng hành vi sản xuất thì chỉ có thể thông báo cho địa phương nơi đơn vị đó sản xuất xử lý. 

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình trạng hiện nay còn có nguyên nhân từ các địa phương, các ngành chức năng, cụ thể là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương. Do lực lượng còn mỏng, không ít cán bộ kiến thức còn yếu, có nơi buông lỏng quản lý, thậm chí dung túng (như vụ thanh tra chuyên ngành tỉnh Vĩnh Long hay đội trưởng QLTT ở Long An bị bắt…), cho thấy nếu không kịp thời chấn chỉnh, những tồn tại này sẽ khiến tình hình thêm phức tạp. Đây là những kẽ hở cần sớm được khắc phục nếu muốn việc sản xuất, kinh doanh phân bón đi vào nề nếp.

Theo Saigongiaiphong

TIN LIÊN QUAN