“Chết lâm sàng”, doanh nghiệp vẫn không muốn làm thủ tục phá sản

(Baonghean) - Theo thống kê của Sở KH & ĐT, từ năm 2011 đến nay, do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khủng hoảng và chủ trương kiềm chế lạm phát, Nghệ An đã có trên 4.600 doanh nghiệp đóng mã số thuế, ngừng hoạt động, giải thể. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp làm thủ tục giải thể hoặc làm thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố  phá sản doanh nghiệp (DN). Điều này khiến đối tác, người lao động trong doanh nghiệp, các chủ nợ… sẽ rất khó khăn để đảm bảo quyền lợi của mình. Trên thực tế, tình trạng đòi nợ bằng “luật rừng” vẫn diễn ra. Và những  qui định của pháp luật có lợi cho chủ nợ, người lao động bị nợ lương, cổ đông… có thể chưa được các đối tượng này tìm hiểu để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Luật Phá sản doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay qui định, nhiều chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Điều này nhằm hạn chế tình trạng chủ doanh nghiệp không muốn đưa đơn yêu cầu phá sản doanh nghiệp. Luật Phá sản qui định: Khi thấy doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản thì những người sau có quyền  nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: Chủ nợ, người đại diện của người lao động hoặc đại diện công đoàn trong trường hợp HTX, DN không được trả lương, các khoản nợ khác cho người lao động; Chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, chủ nhiệm HTX, đại diện chủ sở hữu của DN khi DN không nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản; cổ đông hoặc nhóm cổ đông được qui định trong điều lệ công ty; thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

Phá sản DN là tình trạng  mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, điều này không hiếm ở nhiều DN đã có biểu hiện “chết lâm sàng” hiện nay. Tuy nhiên, một DN, 1 HTX chỉ bị coi là phá sản khi có quyết định tuyên bố phá sản DN của tòa án trên cơ sở có đơn yêu cầu giải quyết. Phá sản là điều không ai mong muốn, nhưng nếu không thể tồn tại thì cần phải làm thủ tục phá sản theo qui định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho những người liên quan.

Trân Châu

Tin mới