Từ ngày 9-3 đến hết ngày 17-6-2012, tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp) sẽ diễn ra Liên hoan Văn hóa Quốc tế Festival de l Imaginaire lần thứ 16. Được biết, đây là lễ hội vẫn được tổ chức thường niên vào mùa xuân nhằm giới thiệu với công chúng Pháp nền văn minh, văn hóa của các quốc gia, dân tộc khác nhau trên thế giới, thông qua những buổi trình diễn sân khấu, hòa nhạc, ca hát hay vũ điệu, là di sản phi vật thể của nhân loại.

 


 

Các diễn viên Nhà hát Chèo Quốc gia Việt Nam

tham gia biểu diễn trên sân khấu Paris

Trong suốt hơn 3 tháng, tại nhiều địa điểm, địa phương khác nhau của Pháp như Viện Bảo tàng Le Louvre, Viện Bảo tàng Quai Branly, Viện Nghiên cứu Thế giới Ả-rập, Nhà hát Opéra Bastille, Nhà hát Opéra de Lyon... Khán giả có cơ hội khám phá những loại hình nghệ thuật độc đáo, được tận mắt chứng kiến, nghe nhìn và biết đến những tài năng trẻ cũng như được thưởng thức tác phẩm của các nghệ sĩ bậc thầy đến từ nhiều nơi trên thế giới như Hàn Quốc, Ấn Độ, Algeria, Albania, Perou, Bahamas, Morocco, quần đảo Sicile... Cũng ở kỳ Liên hoan này, Nhà hát chèo Quốc gia Việt Nam cũng được mời góp mặt và sẽ trình diễn trên sân khấu Maison des Cultures du Monde (Ngôi nhà của các nền văn hóa thế giới) ngay tại thủ đô nước Pháp. Vở chèo được chọn biểu diễn trên sân khấu Paris trong thời gian từ ngày 16 đến 17-3-2012 là "Quan Âm Thị Kính”.

Giới thiệu và mô tả về nghệ thuật chèo của Việt Nam, website chính thức của Liên hoan Văn hóa Quốc tế Festival de l Imaginaire lần thứ 16 đã viết: "...Chèo là một hình thức nghệ thuật sân khấu dân gian phát sinh đầu tiên từ những ngôi làng quê của vùng châu thổ sông Hồng, thuộc đồng bằng Bắc bộ. Các vở chèo thường kể những câu chuyện đời giản dị của người dân nơi này, nhưng cũng có vở kể chuyện lịch sử, chuyện cổ tích dân gian hay chuyện hài hước...Ngôn ngữ chèo của Việt Nam tỏ ra khá đại chúng nhưng cũng rất sâu sắc, thâm thúy, thường trích dẫn các câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao. Sân khấu chèo trang trí tối giản nhưng trang phục diễn viên đầy màu sắc, giản dị mà không kém phần lịch lãm...”.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhà hát Chèo quốc gia Việt Nam đã tập hợp nhiều nghệ nhân ưu tú trong một chương trình khai thác và học tập vốn cổ trong nghệ thuật chèo. Trên cơ sở đó, Nhà hát đã phục hồi, chỉnh lý, cải biên thành công những vở chèo truyền thống tiêu biểu như "Quan Âm Thị Kính”, "Lưu Bình – Dương Lễ”, "Xuý Vân”, "Từ Thức”... Với vai trò một đơn vị đầu ngành, Nhà hát Chèo Quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nghệ thuật, với những vở diễn luôn theo sát nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Các vở diễn với mục đích đưa nghệ thuật chèo truyền thống phát triển và thích ứng với thời đại mới, thường xuyên biểu diễn phục vụ nhân dân khắp mọi miền đất nước, đồng thời cũng đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới để giới thiệu nghệ thuật chèo truyền thống của Việt Nam với bè bạn khắp năm châu.

"Quan Âm Thị Kính” là vở chèo kinh điển của nghệ thuật chèo Việt Nam , mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Riêng ở lần biểu diễn thuộc phạm vi Liên hoan Văn hóa Quốc tế Festival de l Imaginaire lần thứ 16 tại Thủ đô Paris, Nhà hát Chèo Quốc gia Việt Nam đã cử sang một đoàn nghệ sĩ tên tuổi gồm đạo diễn Nguyễn Thủy Tiên, các diễn viên Nguyễn Thị Bích Ngoan, Trần Văn Hải, Nguyễn Ngọc Kính, Vũ Thúy Ngân, Trần Thị Quyên, Dương Văn Sơn, Lê Tuấn Cương, Bùi Thị Hiền, Nguyễn Khắc Tứ... cùng các nghệ sĩ Phạm Văn Doanh, Bùi Trọng Thủy (nhạc công đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu, sáo tiêu, thanh la, phách...).

Theo Daidoanket