(Baonghean.vn) - Sau một tuần mải miết chèo thuyền hàng trăm km ngược dòng rồi lập bản. Nhóm dân cư chài lưới đã tự mình thay đổi cuộc sống.

Đó là câu chuyện cách đây 25 năm của một nhóm dân cư nằm ngay trên vùng ngã ba sông, nơi dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ cùng gặp nhau và tạo nên dòng sông Lam của xứ Nghệ.

Từ Quốc lộ 7, nơi gặp nhau của sông Nậm Nơn và Nậm Mộ, chúng tôi qua sông bằng cây cầu treo dẫn vào đền Vạn. Từ đây, qua một quãng đường lầy lội rồi đi tiếp dải đồi thấp, men theo dòng Nậm Nơn với lúp xúp cây bụi chúng tôi đến được xóm chài.

images1962784_img_2916.jpgXóm chài nhỏ nơi ngã ba sông Nậm Mộ và Nậm Nơn. Ảnh: Đào Thọ

Xóm vắng lặng đến lạ. Cả xóm chỉ còn 3 nhà có người ở. Một người đàn ông trạc 50 tuổi đang ngồi đan lưới. Trên đầu vẫn gắn chiếc đèn pin. Giữa ban ngày, nhưng người này cần thêm ánh sáng từ chiếc đèn để đan những mắt lưới nhỏ. Đó là ông Nguyễn Viết Hà . Qua chuyện trò được biết ông là một trong những cư dân đầu tiên của xóm nhỏ ven sông này. Họ đều có quê gốc ở xóm 1, xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn).

Rót cốc nước chè tươi mời khách, ông Hà tỉ tê về những ngày đầu lên miền núi lập nghiệp. Ông vẫn nhớ rõ đó là vào năm 1992, một người phụ nữ cùng xóm lấy chồng ở bản Cửa Rào, xã Xá Lượng (Tương Dương) về thăm quê. Qua câu chuyện của bà, mọi người biết về vùng đất một bên là núi đồi, một bên là sông nước, tôm cá rất dồi dào. Câu chuyện đã gợi về một vùng “đất hứa” đối với những người quen nghề chài lưới trong khi quãng sông Lam qua xã Lạng Sơn đã cạn kiệt tôm cá. Ban đầu chỉ một, hai nhà trong họ lên khảo sát, sau định cư luôn. Sau vài năm đã có 6 hộ gia đình chuyển lên sinh sống, hình thành nên xóm chài ngã ba sông. Đến nay cụm dân cư có 11 hộ dân với hơn 30 nhân khẩu.

Cuộc sống xóm chài nơi đây hiện vẫn chủ yếu dựa vào việc nuôi cá trên các lồng bè. Ảnh: Hữu Vi

“Chống thuyền suốt một tuần liền chúng tôi mới lên đến nơi.” – Ông Hà nhớ lại những ngày ngược dòng sông Lam lên lập bản. Lúc đó đó bà vợ đang mang bầu đứa con đầu lòng. Đó là chuyến đi dài ngày nhất trong đời của gia đình chuyên sống bằng nghề chài lưới này. Đến nơi ông Hà mới  biết vùng đất chẳng hề dễ sống như mình tưởng. Xóm mới của những người theo nghề chài lưới khá biệt lập với bên ngoài. Ba mặt đều là núi đồi um tùm lau sậy. “Rồi bọn họ sẽ phải rời đi thôi, giỏi lắm cũng ở được 3 tháng. Chịu làm sao được với sốt rét”, - cư dân bản địa ngày ấy nói với vẻ vừa coi thường vừa ái ngại.

Những lúc rảnh rỗi, anh Nguyễn Viết Hà ngồi đan lưới vừa để dùng, vừa để bán kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Đào Thọ

Thế rồi lo lắng của những cư dân bản địa cũng thành sự thực. Từng người một ngã bệnh vì sốt rét. “Cũng may sau đó tất cả đều tai qua nạn khỏi” - ông Hà nhớ lại. Phải mất hai năm liền, những người vượt hàng trăm cây số đường sông lên núi lập ấp mới thoát được cảnh ở thuyền. Dù phải vận chuyển vật liệu bằng đường sông, nhưng dần dà ai nấy đều cất được nhà để ở.

“Dù xa xôi cách trở, nhưng khi đã vượt qua được khó khăn ban đầu thì ở đây vẫn dễ sống hơn dưới quê” – Ông Hà tiếp tục câu chuyện. Ngày ấy, quãng sông nơi hợp lưu giữa Nậm Nơn và Nậm Mộ vẫn dồi dào tôm cá. Mỗi ngày một người có thể thu về hàng tạ cá. Những loài như cá lăng, cá lệch nhiều vô kể. Nhịp sống cứ vậy êm trôi, xóm vạn chài dần thoát khỏi cảnh khó khăn.

Hiện tại, các hộ trong xóm chài hầu hết đã có nhà cửa kiên cố sau ngôi đền Vạn. Ảnh: Hữu Vi

Ông Phan Văn Thiết, một hộ chèo thuyền hơn 100 km lên đây định cư từ những ngày đầu cũng bùi ngùi nhớ lại: Gia đình ông tay xách nách mang cùng đứa con nhỏ trong chiếc thuyền nan ngày đi đêm nghỉ, mãi mới tới được vùng đất này. Mấy năm trước chưa có cầu qua sông, có đứa cháu họ bị lên thủy đậu, anh Võ Văn Vinh cùng chị Nguyễn Thị Hệ (vợ anh Hà) chèo thuyền qua xuống lấy thuốc tận Hòa Bình. Chẳng may vừa sang đến sông gặp lúc thủy điện xả nước, lại gặp gió lớn, thuyền lật, vợ anh Vinh bị nước cuốn trôi. Đau xót vô cùng.

Bây giờ cuộc sống đã khấm khá hơn, xóm chài nhỏ ấy đã hòa vào nhịp sống cùng bà con dân bản nơi ngã ba sông với ngôi đền Vạn - Cửa Rào linh thiêng.

Đào Thọ - Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN