Trước hàng loạt các vi phạm về hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của ngành kinh doanh không khói trong nước, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo vừa được ban hành đã nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm. Trong đó riêng hành vi chèo kéo ép khách du lịch mua hàng hóa dịch vụ sẽ bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng; bán hàng dịch vụ du lịch theo hình thức đa cấp cũng bị phạt đến 30 triệu đồng.

Một người bán hàng rong đang chèo kéo khách du lịch nước ngoài mua hàng tại hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: T.Thu

Nghị định cũng quy định hành vi hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hoặc sử dụng tư cách pháp nhân, tên, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của doanh nghiệp khác sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng. Trong trường hợp cá nhân, đơn vị cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tư cách, pháp nhân, tên, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để hoạt động kinh doanh lữ hành sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép này từ 12 đến 24 tháng. Đối với những hành vi hoạt động kinh doanh lữ hành không đúng phạm vi kinh doanh ghi trong giấy phép sẽ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng. Đối với doanh nghiệp lữ hành có hành vi thu tiền ngoài hợp đồng của khách; Không quản lý khách du lịch theo hợp đồng sẽ phải chịu mức phạt từ 20 đến 25 triệu đồng.

Các hành vi khác như không phân công hướng dẫn viên (HDV) để hướng dẫn cho khách; Sử dụng phương tiện, trang thiết bị không đảm bảo an toàn, tính mạng sức khỏe, tài sản cho khách; Sử dụng người nước ngoài làm HDV du lịch tại Việt Nam; Thay đổi chương trình du lịch, tiêu chuẩn đã ký kết mà không được sự đồng ý của khách hoặc đại diện của khách du lịch; Đưa khách du lịch vào khu vực cấm… đều có mức phạt mang tính răn đe cao.

Ngoài ra nghị định cũng có nhiều hình thức phạt bổ sung như thu hồi giấy phép kinh doanh du lịch lữ hành từ 6 đến 12 tháng…Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.

Theo Sggp