Kinh doanh lan hồ điệp lâu năm, có lượng khách ổn định, do đó, từ đầu tháng Chạp, chị Phạm Thuỷ ở Nghi Phú (TP.Vinh) đã liên hệ, ký hợp đồng với một nhóm thợ gồm 6 người ở Sài Gòn ra kết lan cho các cơ sở của mình để kịp giao cho khách. Ảnh: Thanh Phúc
Cận Tết, nhu cầu chơi lan tăng cao, thợ kết lan phải chạy sô mới hết việc. Anh Nguyễn Hoài Nhơn, một thợ cắm lan đến từ Đà Lạt cho biết: “Từ mùng 6 nhóm thợ 10 người của bọn em đã bay từ Đà Lạt ra Nghệ An. Năm nay, chúng tôi hợp đồng với 4 cơ sở kinh doanh lan hồ điệp ở Vinh, làm đến sáng 30 Tết là bay về Đà Lạt. Thời điểm từ mùng 10 âm lịch là bắt đầu nhiều việc, cao điểm là sau 20 tháng Chạp, phải thức trắng đêm mới kịp tiến độ của chủ cửa hàng”. Ảnh: Thanh Phúc
Trắng đêm chạy "sô" nhưng đổi lại, thợ kết lan có thu nhập “khủng” vào dịp Tết. Theo đó, những thợ tay nghề cao, “bỏ túi” 7-8 triệu đồng/ngày là chuyện thường, còn lại trung bình cũng có mức thu nhập từ 500 - 1,2 triệu đồng/ngày. Ảnh: Thanh Phúc
Làm công việc này, ngoài tay nghề và kinh nghiệm cần phải có mắt thẩm mỹ, tính sáng tạo và đặc biệt là sự cẩn trọng, tỉ mỉ với nghề. Ảnh: Thanh Phúc
Từ những cành lan đơn lẻ, những ang sứ, đôn, chậu, qua bàn tay khéo léo của người thợ đã thành những tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Thanh Phúc
Theo các thợ kết lan thì khó nhất là kết lan trên gỗ lũa, ngoài định hình được thế, phải biết cách làm thế nào để tạo được sự hài hoà giữa sự mảnh mai, yêu kiều, kiêu sa của lan và sự mộc mạc, nét cổ của gỗ, đồng thời, phải làm nổi bật được ý nghĩa của mối giao thoa này. Ảnh: Thanh Phúc
Chậu lan hồ điệp đẹp không phải là ở kích cỡ chậu to hay nhỏ, số lượng lan ít hay nhiều mà ở sự hài hòa, các tầng cao thấp, tỏa ra nhiều hướng để đảm bảo cân xứng và sang trọng nhất. Ảnh: Thanh Phúc
Thợ cắm hoa tươi, kết lẵng quả cũng là công việc thời vụ có thu nhập cao vào những ngày cận Tết. Theo đó, tiền công được trả theo sản phẩm, trung bình, những ngày nhiều việc, cũng có thu nhập cả triệu đồng. Ảnh: Thanh Phúc