(Baonghean) - Trong khi phần lớn sỹ tử được chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước nỗi thiệt thòi và cảm phục nghị lực vươn lên của những học trò vùng cao xứ Nghệ.
Cái nắng trưa như rải lửa xuống làng Nông Trang, xã Châu Bính (Qùy Châu) nhưng em Cao Thị Mai Hiên (SN 1999) vẫn tranh thủ nhóm lửa nấu nồi cám lợn giúp chị dâu, rồi soạn sửa sách vở, áo quần và lương thực xuống phòng trọ ở thị trấn để ôn thi. Con đường từ nhà xuống trường ngót 25 cây số, Hiên lặng lẽ đạp xe trên chặng đường dài, chở theo niềm mơ ước được vào giảng đường đại học.
Năm học vừa rồi, Hiên là học sinh lớp 12D, Trường THPT DTNT Qùy Châu, được xếp loại học sinh giỏi với điểm số thuộc diện cao nhất lớp. Nhưng ít ai biết được cô học trò xinh xắn, dễ thương và học giỏi ấy phải gánh chịu bao nỗi bất hạnh trong đời, thiếu vắng tình thương của người bố và sự chăm sóc của người mẹ.
Sinh ra trong gia đình có 3 anh em, Hiên là em út, trước Hiên là 2 người anh trai. Cuộc sống gia đình tuy không khá giả nhưng yên ấm và hạnh phúc, nhưng rồi năm Hiên lên 3 tuổi, người bố đột ngột qua đời, để lại nỗi trống trải trong ngôi nhà nhỏ, gánh nặng mưu sinh đè lên đôi vai của người mẹ. Lúc ấy, Hiên còn quá bé nên chưa thể hiểu hết những mất mát và cả những trắc trở cuộc đời đang đón chờ phía trước.
Bố mất được 10 năm, mẹ đi bước nữa, người chồng thứ hai của mẹ quê ở tận Hưng Yên. Từ đó, Hiên sống với vợ chồng người anh trai cả, cuộc sống vô cùng vất vả, khó khăn. Bởi gia đình anh cả có 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, nguồn thu nhập chủ yếu nhìn vào mấy sào đất màu, ruộng nước và chăn nuôi gà, vịt. Vậy mà người anh cả vẫn gắng sức chăm lo việc ăn học cho hai em, hiện người anh trai thứ hai của Hiên đang là sinh viên năm cuối của Đại học Y khoa Thái Bình.
Cũng như người anh thứ hai, từ khi bước vào lớp 1, ý thức được nỗi bất hạnh và thiệt thòi mình, cô bé Cao Thị Mai Hiên luôn chăm chỉ và nỗ lực trong học tập. Kết quả 12 năm liên tục được công nhận danh hiệu học sinh giỏi và giành được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi đã nói lên tất cả. Ngôi nhà vợ chồng anh trai cả, khắp các bức vách dán đầy giấy khen và giấy chứng nhận của Hiên, khách bước vào ai nấy đều trầm trồ thán phục.
Lên THPT, Hiên phải xuống ở trọ tại Thị trấn Tân Lạc, việc sinh hoạt và học tập gần như tự lực, và cô bé đã không phụ lòng người thân. Nữ sinh bất hạnh ấy luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng, được Hội LHPN huyện và được nhận Học bổng Vừ A Dính. Hiện tại, Hiên đang tập trung cho việc ôn tập để đi đến đích là giảng đường Học viện Tài chính (Hà Nội).
Thầy Lê Văn Duyến – giáo viên chủ nhiệm của Hiên cho biết: “Tuy hoàn cảnh đặc biệt nhưng em Hiên luôn nỗ lực vươn lên đứng tốp đầu, là học trò có nhiều triển vọng, tôi tin tưởng em sẽ đi đến được ước mơ của mình”.
Từ Qùy Châu, chúng tôi sang huyện Tương Dương – nơi được mệnh danh là “Chảo lửa Đông Dương” gặp Lương Văn Mậu (SN 1998), cậu học trò đi học bằng... tay. Gần 5 năm trước, Mậu đang là học sinh lớp 8, là một trong những nhân vật chính của phóng sự “Những đứa trẻ dưới chân núi Pù Lôm” được đăng tải trên Báo Nghệ An.
Cậu học trò này có hoàn cảnh hết sức đặc biệt, sinh ra và lớn lên ở bản Minh Phương, xã Lượng Minh (Tương Dương) – nơi từng được ví là “vùng đất trắng” bởi sự tàn phá của tệ nạn ma túy. Bố mẹ Mậu đều dính vòng lao lý vì tội buôn bán và tàng trữ trái phép chất ma túy, anh em cậu sống nhờ vào sự cưu mang của bà ngoại đã bước qua tuổi 60. Đã thế, từ khi mới lọt lòng, đôi chân co quắp và dính sát vào bụng, phải gánh chịu nỗi bất hạnh vì tật nguyền.
Lớn lên, cậu phải di chuyển bằng tay, đôi tay giúp cậu làm tất cả mọi việc, kể cả việc thay đôi chân đi đến trường. Hai tay chống, kéo lết hai chân, thân hình hoặt ẹo, vậy mà Lương Văn Mậu đã vượt qua 9 năm học ở trường Tiểu học, rồi THCS Lượng Minh. Giờ đây, cậu đã xong chương trình lớp 12 và đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sắp đến.
3 năm học tại Trường THPT Tương Dương 1, Lương Văn Mậu luôn được thầy cô và bạn bè nể phục bởi tinh thần vượt khó vươn lên. Nhà cách trường hơn 20km, phải thuê phòng ở Thị trấn Hòa Bình, thời gian đầu mọi việc từ sinh hoạt, nấu ăn và học hành đều tự mình chăm lo. Đến năm Mậu cuối cấp, người chị con bác vào học lớp 10 ở cùng, giúp nấu ăn, giặt giũ để cậu có thêm thời gian cho việc học hành.
Bà ngoại đã gần 70 tuổi, không còn đủ sức để lên rẫy trồng lúa, tỉa ngô kiếm tiền ăn học cho đứa cháu tật nguyền, hàng tháng Mậu chi tiêu dè sẻn số tiền hơn 01 triệu đồng (gồm tiền quỹ khuyến học và trợ cấp dành cho người tàn tật). Số tiền ấy được chi cho các khoản: thuê phòng trọ, mua sách vở, quần áo, gạo, thực phẩm và các loại sinh hoạt phí khác.
Năm học cuối cấp Mậu được xếp loại khá, và giờ đây cậu đang miệt mài ôn tập kiến thức để đón chờ kỳ thi tuyển sinh. Lương Văn Mậu chia sẻ: “Với thể lực hạn chế, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em không dám mơ đến các trường đại học, chỉ đăng ký dự thi vào ngành Điện dân dụng của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt – Đức. Hy vọng học ra sẽ có việc làm để tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ bà ngoại đã tuổi già, sức yếu”.
Miền Tây Nghệ An những ngày đầu tháng 6 nắng như lửa đốt, cái khắc nghiệt của mùa hè không ngăn được quyết tâm của những cô cậu học trò trước mùa thi. Mà ngược lại, ánh nắng ấy đang góp phần cháy thêm những khát vọng của những em nhỏ bất hạnh và tật nguyền trên hành trình xây dựng tương lai...
Kiên - Nga - Tuân