(Baonghean) - Ngoại trưởng Đức vừa có chuyến thăm Nga nhằm bàn thảo các vấn đề nóng hiện nay, gồm xung đột tại Ukraine và Syria. Đây cũng là cuộc gặp được giới chức châu Âu theo dõi sát sao bởi nó chỉ diễn ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thăm Nga “cài đặt lại” quan hệ với Mockva. Phải chăng sau Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu cũng muốn “xích lại” gần Nga nhằm định dạng lại các mối quan hệ cũng như các lợi ích chung?
Đức muốn là người hòa giải
Những diễn biến bất ngờ tại Crimea đang khiến quan hệ Nga - Ukraine gia tăng căng thẳng nên dư luận cho rằng, nhân chuyến thăm Nga lần này của ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier, Đức muốn đóng vai trò tháo ngòi nổ giữa Kiev và Mockva.
Đức - một trong những quốc gia có tiếng nói quan trọng trong Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ thái độ đặc biệt lo ngại về những căng thẳng liên quan đến âm mưu tấn công trên bán đảo Crimea mà phía Nga cáo buộc có liên quan đến Ukraine. Bộ Ngoại giao Đức kêu gọi các bên từ bỏ đối đầu, tránh leo thang căng thẳng.
Đức từ lâu đã đóng vai trò là cầu nối trong những căng thẳng lâu nay giữa Nga và Ukraine kể từ khi cuộc khủng hoảng giữa 2 nước bùng phát năm 2014. Sau khi phương Tây thực hiện các chính sách cấm vận Nga vì sự sáp nhập bán đảo này, giới chức Đức cũng không ít lần nói rằng, mối quan hệ với Nga là quan trọng và cần xem xét lại các chính sách cấm vận kinh tế này.
Thực tế, Đức từng thừa nhận nếu muốn tìm kiếm lối thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay tại Ukraine, không có bất cứ giải pháp nào hiệu quả hơn là đàm phán. Kiểu “ngoại giao châu Âu”- áp đặt trừng phạt Nga, dường như đang ngày càng phản tác dụng thay vì đem lại kết quả như EU mong đợi. Và chuyến đến Nga lần này, ngoại trưởng Đức Steinmeier tái khẳng định lập trường “trừng phạt không phải đích đến cuối cùng của phương Tây”.
Có thể nói, mặc dù đóng vai trò người hòa giải mang tính xây dựng, nhưng những giải pháp mà Đức đưa ra chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề. Các nhà quan sát quốc tế cho rằng chuyến thăm của ngoại trưởng Đức lần này có thể giúp quan hệ Nga - Ukraine không rơi vào tình trạng nguy hiểm sau sự cố mới nhất nhưng sẽ khó có thể tác động tới chính sách của Nga trong vấn đề Ukraine. Moskva hiện vẫn tỏ ra hết sức cứng rắn và cho biết sẽ không “van nài” phương Tây dỡ bỏ trừng phạt.
Và “thăm dò” đối tác
Nhìn vào bối cảnh chuyến thăm có thể thấy, mục đích của ngoại trưởng Steinmeier tới Nga có lẽ không chỉ tìm kiếm vai trò làm “người hòa giải”. Chuyến thăm của ông diễn ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tới Mockva mang tính biểu trưng cho sự hòa giải giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, rất có thể, tới Nga lần này ngoại trưởng Đức muốn “nghe ngóng” quan điểm và ý định của Điện Kremlin trong nhiều vấn đề mà Đức cũng như châu Âu đang muốn tìm câu trả lời.
Trước hết là về cuộc khủng hoảng ở Syria. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu và Mỹ có chung quan điểm muốn lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria. Vì thế, họ từng giữ lập trường cứng rắn với Nga khi Nga can thiệp quân sự hỗ trợ ông Assad chống lại phiến quân. Tuy nhiên, gần đây quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ đã có vẻ mềm mỏng hơn.
Nhất là sau chuyến thăm Nga của Tổng thống Erdogan, phía Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định “hai nước đã có cách nhìn giống nhau về lệnh ngừng bắn, viện trợ nhân đạo và giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria”. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cử một phái đoàn quan chức ngoại giao, quân sự và tình báo đến Nga để thảo luận về việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Syria.
Điều đó cho thấy, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây đã đồng lòng hơn, nếu không muốn nói là “cùng phe” trên bàn cờ chính trị ở Syria. Tất nhiên, điều này nằm ngoài ý muốn của phương Tây. Vì thế, khả năng và mức độ hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria là điều mà châu Âu muốn biết.
Một vấn đề khác cũng là mối bận tâm của châu Âu cũng như NATO sau sự nồng ấm trong quan hệ Nga - Thổ, đó là khả năng 2 nước này hình thành liên minh quân sự.
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Bild (Đức) mới đây, ngoại trưởng Steinmeier cho rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không gần gũi đến mức sẽ thành lập liên minh quân sự thay thế NATO và Thổ Nhĩ Kỳ cần tiếp tục ở lại khối này.
Theo nhận định của giới phân tích, việc lên tiếng bác bỏ khả năng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hình thành liên minh quân sự cho thấy Đức và NATO trên thực tế đang thực sự lo ngại khả năng này, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO đã xấu đi đáng kể từ sau vụ đảo chính quân sự bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ. Việc hướng sự chú ý của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên quan trọng trong NATO quay sang hợp tác với Nga chắc chắn không chỉ Đức mà tất cả các thành viên còn lại trong khối liên minh quân sự này đều lo ngại.
Ngoài “thăm dò” quan điểm từ phía Nga, Đức cũng muốn qua chuyến thăm của ngoại trưởng Steinmeier để xóa bớt những bất đồng, tạo ra cơ hội đối thoại mới với Nga trong nhiều lĩnh vực trong bối cảnh Nga đang dần “chinh phục” được nhiều đối tác mới. Theo giới phân tích, sự ấm lên trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kéo theo những chuyển động chính trị quốc tế đặc biệt quan trọng và rất có thể quan hệ Nga với châu Âu vì thế sẽ bớt ngột ngạt hơn trong thời gian tới vì cục diện chung và những lợi ích riêng./.
Thanh Huyền