Các nhà khoa học tại đại học RMIT, Australia, chế tạo thành công loại sợi vải mới có khả năng tự giặt sạch bằng ánh sáng.

quan-ao-tu-giat-sach-bang-anh-sang

Bông dệt phủ cấu trúc nano vô hình trước mắt thường trong hình ảnh phóng đại 200 lần. Ảnh: Đại học RMIT.

Theo kết quả nghiên cứu công bố hôm 23/3 trên tạp chí Advanced Materials, một loại vải mới là sản phẩm của các nhà khoa học ở Đại học RMIT, Australia. Trên vải phủ một chất xúc tác quang học đặc biệt làm từ hạt nano đồng và bạc giúp tự động phân hủy chất bẩn hữu cơ dưới tác dụng của ánh sáng từ bóng đèn hoặc Mặt Trời.

"Ưu điểm của sản phẩm dệt may này là chúng có cấu trúc 3D, cho phép hấp thụ ánh sáng dễ dàng, nhờ đó đẩy nhanh quá trình phân hủy chất hữu cơ", Phys.org dẫn lời tiến sĩ Rajesh Ramanathan, thành viên nhóm nghiên cứu. Chất xúc tác quang học nano do nhóm của Ramanathan phát triển có một loạt ứng dụng trong hóa chất nông nghiệp, dược phẩm và sản phẩm tự nhiên, và dễ dàng mở rộng lên mức công nghiệp.

"Tuy vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi nói lời tạm biệt với máy giặt, với những tiến bộ này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự ra đời của loại vải tự giặt sạch mới", tiến sĩ Ramanathan nhấn mạnh.

Khi cấu trúc nano tiếp xúc với ánh sáng, chúng nhận năng lượng và sinh ra các electron "nóng". Electron "nóng" sau đó giải phóng năng lượng cho phép cấu trúc nano phân huỷ chất hữu cơ.

Hình ảnh phóng đại 150.000 lần của các cấu trúc nano sợi cotton. Ảnh: Đại học RMIT.

Thách thức đối với các nhà nghiên cứu là đưa công nghệ này ra khỏi phòng thí nghiệm bằng cách chế tạo ở quy mô công nghiệp và tăng tuổi thọ của chất xúc tác quang học nano trên sợi vải lên nhiều lần.

Hiện nay, các vật liệu nano được đưa vào sợi vải bằng cách nhúng sợi vải vào dung dịch trong vòng 30 phút. Khi tiếp xúc với ánh sáng, sản phẩm chỉ mất chưa đến 6 phút để tự làm sạch.

"Ở bước tiếp theo, chúng tôi sẽ thử nghiệm sợi vải đặc biệt này với các hợp chất hữu cơ thường gặp như nước sốt cà chua hoặc rượu vang", Ramanathan nói.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN