(Baonghean.vn) -Với gần 30.000 lao động, nhưng chỉ hơn 45% lao động được qua đào tạo nghề là thực trạng tồn tại nhiều năm nay ở Nghệ An. Cùng với đó là thiếu tác phong công nghiệp, thiếu kỉ luật khi làm việc...
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Công Danh - Trưởng ban Tuyên giáo, Liên đoàn Lao động tỉnh kể về câu chuyện của một chủ doanh nghiệp ở huyện Diễn Châu bức xúc vì không biết xử lý thế nào khi đồng thời cùng một lúc 5 công nhân trong nhà máy đồng loạt xin nghỉ làm việc một ngày chỉ vì “sinh nhật đứa cháu”. Đáng nói, đây là 5 công nhân đứng máy trong cùng một dây chuyền sản xuất đồng bộ, thế nên hôm ấy toàn nhà máy phải đóng cửa vì không có ai thay thế, thiệt hại vì sự “vô ý thức” lên đến hàng chục triệu đồng.
Tình trạng người lao động thiếu kỉ luật, thiếu tác phong công nghiệp là chuyện vẫn thường thấy ở nhiều nhà máy, đơn vị. Đây là hệ lụy của việc tuyển dụng lao động thiếu chất lượng, nặng về quen biết, cả nể và xem nhẹ trình độ, chuyên môn và ý thức của người lao động. Nguyên do, các doanh nghiệp trên địa bàn quy mô nhỏ, manh mún, sức cạnh tranh yếu, trong khi đó lại chưa có máy móc công nghệ mới nên các doanh nghiệp không chú trọng đến việc tuyển dụng lao động có tay nghề và nâng cao tay nghề, trình độ cho công nhân lao động. Bản thân người lao động họ chỉ có mục đích tìm kiếm được việc làm với mức lương phù hợp chứ chưa có ý thức tự học, tự rèn luyện để nâng cao trình độ tay nghề.
Tình trạng chảy máu chất xám cũng là việc đáng nói. Như ở xi măng Cầu Đước, xi măng Anh Sơn, xi măng Lam Hồng, trước đây đã tổ chức nhiều đợt đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho lao động. Tuy nhiên, sau khi được đào tạo nghề cứng cáp, những lao động này lại yêu cầu chủ doanh nghiệp tăng lương, không được doanh nghiệp đồng ý, nhiều lao động đã tự ý bỏ việc, đi tìm việc làm mới.
Công nhân làm việc ở Công ty cổ phần bao bì và kinh doanh tổng hợp Nghệ An
Báo cáo mới đây của Liên đoàn lao động tỉnh cũng khẳng định: “So với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh thì chất lượng lao động về chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, tin học, trình độ tay nghề nhìn chung còn thấp, tỷ lệ công nhân lao động qua đào tạo mới hơn 45%, trong đó công nhân bậc cao (5, 6, 7) chiếm tỷ lệ hơn 1%. Một bộ phận cán bộ, công chức vi phạm đạo đức công vụ, một số công nhân lao động tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức, kỷ luật, giác ngộ giai cấp, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế”.
Tìm hiểm rõ hơn về vấn đề trên, chúng tôi đến Công ty Cổ phần Bao bì và kinh doanh tổng hợp Nghệ An, đơn vị có 190 lao động sản xuất trực tiếp, trong đó 100% lao động được đào tạo nghề. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cũng chỉ mới được thực hiện sau khi các công nhân này vào làm việc tại nhà máy, hoặc trước đó nếu có cũng phải đào tạo lại bởi máy móc của công ty đa phần đều nhập về từ Châu Âu. Để công nhân vận hành nhuần nhuyễn thiết bị, công ty đã mời chuyên gia các nước khi sang lắp đặt máy hướng dẫn lại cho công nhân lao động, đồng thời mời các thợ tay nghề giỏi ở các Công ty lớn về hướng dẫn thao tác vận hành máy. “Đơn vị cũng muốn tạo điều kiện cho công nhân đi học, nâng cao tay nghề nhưng hiện chưa có một trường nghề nào đào tạo riêng cho ngành bao bì, bởi vậy khi bắt nhịp với vận hành máy móc mới và hiện đại này là một khó khăn đối với công nhân lao động của Công ty” - ông Phạm Quang Lĩnh, Trưởng Phòng Tổ chức Công ty cổ phần bao bì và kinh doanh tổng hợp Nghệ An cho biết.
Nhiều bất cập trong việc đào tạo nghề cũng là một thực tế tồn tại nhiều năm nay tại Nghệ An, mặc dù đây là tỉnh có quy mô các trường dạy nghề lớn nhất Bắc Trung bộ. Hiện các trường chủ yếu đào tạo những nghề cũ, không phù hợp với thực tiễn như sửa chữa điện, cơ khí, hàn gò, may công nghiệp. Một số trường, đạo tạo các ngành mới như bán hàng qua mạng, bán hàng siêu thị, nhưng những ngành này lại chưa phổ biến tại địa phương.
Để nâng cao chất lượng đào tạo cho công nhân lao động, nhiều năm qua, các cấp công đoàn cơ sở đã đẩy mạnh phong trào thi đua trong công nhân viên chức lao động như thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân lao động. Từ đây đã cụ thể thành những phong trào riêng phù hợp với đặc thù nghề nghiệp như các ngành giáo dục, y tế, xây dựng, văn hoá, du lịch… Phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi được triển khai trong các công đoàn ngành.
Trong 5 năm đã có 377 lượt thi nâng bậc thợ cho công nhân lao động, 21.314 công nhân lao động được đào tạo, bồi dưỡng tay nghề; 52.681 công nhân lao động được thi nâng bậc thợ. Một số đơn vị thực hiện tốt như Công đoàn ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch hàng năm tổ chức thi thợ giỏi cho khối nhà hàng, khách sạn, ẩm thực; Công đoàn ngành Xây dựng 2 năm một lần tổ chức thi thợ giỏi chọn “bàn tay Vàng”; Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thu thợ giỏi trong các doanh nghiệp chè, cao su; Ngành Giáo dục có 142.000 lượt giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp, trong đó có 757 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; Ngành Y tế tổ chức thi phong trào thực hiện 12 điều Y đức và xây dựng bệnh viện phát triển toàn diện của ngành Y tế…
Tuy vậy, để phong trào phát triển có chiều sâu thì bên cạnh ý thức tự học, tự rèn luyện nâng cao tay nghề của các công nhân thì chủ doanh nghiệp cũng phải ý thức được việc đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân lao động. Điều đó vừa giúp doanh nghiệp nâng cao được chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời góp phần phát triển bền vững doanh nghiệp.