(Baonghean.vn) - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa X) về thí điểm mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã chọn 19 xã, phường, thị trấn làm thí điểm mô hình, trong đó có 5 xã đã triển khai trước. Sau gần 2 năm thực hiện, bước đầu đã đạt kết quả và rút ra một số kinh nghiệm thực tiễn...

Trước khi có chủ trương của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Trung ương, do yêu cầu về công tác tổ chức, cán bộ, Nghệ An đã thực hiện bố trí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND tại 5 xã gồm: Tà Cạ (Kỳ Sơn), Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong), Thanh Phong (Thanh Chương), Tân Hợp (Tân Kỳ) và Yên Tĩnh (Tương Dương). Thực tiễn cho thấy tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu kiêm chức danh này được phát huy, năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền được nâng lên.

Khi được chọn để triển khai mô hình nhất thể hóa từ tháng 12 năm 2008 (ông Nguyễn Văn Ngọc được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã), Đảng ủy xã Thanh Phong đã tiến hành bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, sửa đổi quy chế bổ sung thêm qui định về chức năng nhiệm vụ của bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã phù hợp với tình hình mới; Phân công rõ hơn nhiệm vụ của cấp phó để phát huy vai trò cấp phó trong công tác. Đồng thời có lịch làm việc rõ ràng đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo trong công tác hàng tháng của cấp ủy và chính quyền, giúp cán bộ dễ theo dõi và dễ thực hiện. Cách làm này vừa phát huy được tính dân chủ vừa tránh được hiện tượng đùn đẩy, tạo được sự thống nhất cao giữa Đảng với chính quyền, nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo và giải quyết công việc hàng ngày. Vai trò quản lý và điều hành của UBND xã rõ nét hơn, xử lý giải quyết công việc dứt điểm, sát với nghị quyết của cấp ủy, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ từng bước được đổi mới, lòng dân ngày một đồng thuận ủng hộ cách làm của huyện, của xã... Nhờ đó, đến nay ở xã miền núi vốn nhiều khó khăn này đã có bước chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội.

 "Việc nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã tác động tích cực đến quá trình thực hiện cải cách hành chính, giảm các khâu không cần thiết và các thủ tục rườm rà", ông Nguyễn Xuân Tý - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm - (Nghi Lộc) cho biết. Hiệu quả rõ nét của việc áp dụng mô hình bí thư kiêm chủ tịch UBND xã ở Nghi Lâm đó là đã phát huy tốt sức mạnh đoàn kết của hệ thống chính trị; Nhiều vấn đề phức tạp đang tồn tại kéo dài của địa phương được giải quyết. Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo cũng được nhanh chóng hơn, hạn chế được tình trạng đơn thư tồn đọng và vượt cấp. Họp hành tại xã giảm, nhiều nội dung được chủ động lồng ghép vào một cuộc họp. Ví dụ như khi đảng ủy có nghị quyết về sản xuất, phòng, chống lụt bão, dịch bệnh..., thì cuộc họp triển khai có thể được thực hiện ngay sau đó với các xóm trưởng, có "lồng ghép" luôn giữa chính quyền xóm và các đoàn thể. Cũng như ở xã Thanh Phong (Thanh Chương) từ khi triển khai thực hiện mô hình nhất thể hóa hai chức danh nói trên, xã Nghi Lâm đã có sự thay đổi và phát triển trên nhiều mặt. Đảng bộ liên tục được công nhận TSVM tiêu biểu, chính quyền xã luôn được đánh giá là một trong những đơn vị có phong trào dẫn đầu toàn huyện...

Còn tại phường Quang Trung và xã Hưng Hoà (Thành phố Vinh), ngoài việc cẩn trọng trong bố trí cán bộ đã có một sáng kiến được ghi nhận. Đó là cuộc hội ý cuối ngày của những người lãnh đạo chủ chốt trong thường vụ đảng ủy. Tuy thời gian hội ý rất ngắn, nhưng lại giúp cho nội bộ đoàn kết, thống nhất ý chí để cùng hành động. Tất cả vấn đề trên mọi lĩnh vực xảy ra trong ngày trên địa bàn phường, xã đều được phản ánh trung thực và được bàn bạc, trao đổi thống nhất phương pháp xử lý, giải quyết. Nhờ đó, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị luôn được giữ vững; nội bộ đoàn kết, đồng thuận, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, chính quyền. "Với mô hình kiêm nhiệm này đòi hỏi người đứng đầu không chỉ có năng lực quản lý, điều hành, nắm vững công tác Đảng, công tác chính quyền mà còn phải có óc quan sát, biết lắng nghe, tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách... Để mô hình phát huy hiệu quả cũng cần đội ngũ giúp việc giỏi chuyên môn, thạo việc, nội bộ đoàn kết, thống nhất để giảm áp lực "hai vai gánh nặng" cho người đứng đầu...". Ông Nguyễn Xuân Đô- Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Quang Trung bày tỏ. Nói về trách nhiệm của mình, ông Nguyễn Đình Châu- Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Long Sơn- Thị xã Thái Hòa ví von: "Chức danh "hai trong một" như người gánh quang gánh, hai đầu phải đều nhau không được nặng bên nào, nhẹ bên nào... Bởi vậy "áp lực" trên vai của bí thư kiêm chủ tịch là cả công tác Đảng lẫn chính quyền đều phải hoàn thành tốt nếu không thì coi như thất bại...".

Đánh giá về những kết quả đạt được sau gần 2 năm thực hiện thí điểm mô hình bí thư kiêm chủ tịch UBND xã, Ông Nguyễn Quốc Khánh- Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Phần lớn các địa phương tạo được sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm tính nhất quán giữa lãnh đạo của cấp uỷ đảng và quản lý điều hành của chính quyền. Hạn chế được tình trạng bao biện, làm thay, lấn sân hoặc buông lỏng lãnh đạo của cấp uỷ đối với chính quyền cơ sở. Cán bộ phát huy được tính năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác điều hành, dám làm và dám chịu trách nhiệm; đồng thời tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin, ý kiến phản ánh của nhân dân, hạn chế sự trì trệ, đùn đẩy trách nhiệm, từ đó có các giải pháp làm tốt công tác tư tưởng, điều hành công việc nhanh, hiệu quả... niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố. Nhờ đó, các địa phương đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; quốc phòng an ninh được giữ vững, an ninh biên giới, an ninh vùng giáo ổn định. Tuy nhiên trong triển khai thực hiện mô hình "2 trong 1" cũng còn không ít những băn khoăn, trăn trở...

Theo ông Phạm Quang Sơn- Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương thì cái khó nhất hiện nay là quá trình triển khai thực hiện mô hình này đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn... nên quy trình thực hiện còn lúng túng rất dễ dẫn đến tình trạng, nói không đi đôi với làm. Thực tế mô hình thí điểm ở xã Thanh Phong cho thấy trong lãnh đạo chỉ đạo và quản lý của chức danh bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch tại xã đôi lúc còn lúng túng, lẫn lộn giữa công tác Đảng với công tác chính quyền dẫn đến hiệu quả chưa cao. Việc lựa chọn nhân sự bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND ở cơ sở rất khó khăn do đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các xã, thị trấn ít được đào tạo chính quy, toàn diện về cả trình độ về quản lý nhà nước và về nghiệp vụ công tác Đảng. Hiện nay đội ngũ bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND chủ yếu đào tạo tại chức nhưng chỉ đào tạo chuyên môn ở một lĩnh vực thậm chí có nơi chưa có bằng cấp chuyên môn nên khó đáp ứng yêu cầu. Đó cũng là một trong những lý do mà đến nay Thanh Chương vẫn dừng lại duy nhất xã Thanh Phong triển khai thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND xã mà chưa nhân rộng ra toàn huyện.

Tại huyện Quỳnh Lưu, ban đầu cũng triển khai mô hình thí điểm tại xã Quỳnh Đôi (bắt đầu từ tháng 3 năm 2009) nhưng đến tháng 9 năm 2009 bí thư kiêm chủ tịch UBND xã ốm nặng không tìm được người thay nên xin thôi không làm thí điểm. Hay như ở phường Long Sơn (Thị xã Thái Hòa) mới được thành lập cách đây 4 năm thời gian chưa nhiều để có thể đào tạo, bố trí được đội ngũ cán bộ chắc chuyên môn, chủ động trong công việc, vì vậy, mặc dù mới đảm nhiệm chức danh bí thư kiêm chủ tịch từ tháng 7 năm 2010 nhưng ông Nguyễn Đình Châu cho biết công tác điều hành, chỉ đạo khá vất vả vì hiện nay địa phương mới chỉ có một phó chủ tịch.Trong khi theo qui hoạch của thị xã, trên địa bàn phường có rất nhiều công trình xây dựng hạ tầng đô thị kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh trong bàn giao mốc khu tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng các tuyến đường... Đặc thù phường lại có tới 4 dân tộc Kinh, Thanh, Thái, Thổ cùng sinh sống với dân số 1.116 hộ, 4555 khẩu sinh sống trên 10 khối dân cư. Do đó nếu không thật sự nỗ lực, trách nhiệm rất khó để làm tròn cả hai vai.

Từ thực tế triển khai mô hình thí điểm phường Quang Trung và xã Hưng Hòa, Ông Đậu Vĩnh Thịnh - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vinh cũng nêu ra khó khăn của việc chưa có hướng dẫn cụ thể về đội ngũ cán bộ giúp việc cho bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã: "Nếu bộ phận tham mưu, giúp việc không mạnh, không đồng đều thì sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, điều hành hoạt động của Đảng ủy và UBND xã".

Ở các đơn vị thực hiện thí điểm cũng gặp khó khăn và hạn chế như bí thư - chủ tịch bị chi phối bởi nhiều cuộc họp khi với tư cách bí thư, khi là chủ tịch UBND. Một số trường hợp bí thư - chủ tịch vắng mặt dễ bị động trong việc lãnh đạo, điều hành cơ sở, nhất là đối với các vấn đề cần phải trực tiếp lãnh đạo, trực tiếp giải quyết. Công việc tăng gấp đôi, trách nhiệm nhân đôi nhưng chính sách đãi ngộ dành cho kiêm nhiệm lại còn quá thấp (chỉ được 20 %); đó cũng là vấn đề cần xem xét đối với chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND xã hiện nay.

Có thể nói, nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp không chỉ là một chủ trương mới mà còn có ý nghĩa rất quan trọng liên quan trực tiếp đến công tác lãnh đạo của các cấp ủy, điều hành chính quyền và công tác cán bộ đòi hỏi phải có những bước đi thận trọng.Trong đó chất lượng nhân sự là vấn đề quan trọng hàng đầu có yếu tố quyết định. Nhân sự ở đây còn bao gồm cả đội ngũ giúp việc như phó bí thư và phó chủ tịch UBND xã, vì vậy phải có sự chuẩn bị chu đáo, thực hiện tốt chiến lược cán bộ từ quy hoạch, đào tạo, tạo nguồn, chú trọng người trưởng thành từ cơ sở. Trước hết cần soát lại đội ngũ cán bộ giữ các chức vụ bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã của các đơn vị để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng từ xa vừa tránh bị động vừa đáp ứng yêu cầu công việc trong trách nhiệm mới ở giai đoạn mới...

Khánh Ly