Vì vội lên tàu, tôi không kịp hỏi cách chế biến món đặc sản đó. Tôi cứ tượng chỉ dịp nào qua Vinh mới lại được thưởng thức món cháo lươn đáng nhớ đó. Ai ngờ về Hà Nội, tôi gặp ngay quán "Cháo lươn Nghệ An" tại số 6 Hoàng Quốc Việt. Chủ quán Nguyễn Trung Dũng vui vẻ nói: Chúng tôi được các đầu bếp xứ nghệ trực tiếp truyền nghề... Cách chế biến món cháo lươn thực ra không khó. Ðầu tiên rửa lươn sạch nhớt, mổ moi, bỏ ruột rồi lọc lấy thịt lau khô, xẻ dọc cắt khúc 4-5cm, ướp với gia vị nước mắm, hạt tiêu. Tiếp đó, lấy xương lươn rửa sạch bằng nước nóng ninh cùng xương lợn, lọc lấy nước trong.
Khi đủ nước thi cho gạo tẻ vào nấu (nếu nấu bằng gạo ngon như: gạo tám thơm, gạo Nàng hương, gạo dự thì tuyệt). Gạo phải được rắc từ từ cho đỡ vón cục và phải nếm cho vừa. Tiếp đó cho thịt lươn vào xào với hành khô cho thơm. Khi ăn thì múc cháo ra bát, rắc thịt lươn, hạt tiêu, hành răm lên trên. Bát cháo khi ăn phải có màu hơi nâu xám, thơm ngọt, thịt không tanh. không vỡ nát, cháo sánh đều là đạt yêu cầu. Ngoài ra, người ăn còn có thể cho thêm chanh, ớt tươi, ớt chưng tùy theo khẩu vị mỗi người. Ðể món cháo ngon tốt nhất là dùng loại lươn vừa khoảng 5 lạng/con.
Tới quán "Cháo lươn nghệ An " bạn không chỉ được thưởng thức món cháo mà còn như lạc vào "một thế giới lươn" với 12 món khác nhau. Từ súp lươn, nộm lươn khô, lươn cuốn rán..., lươn bung củ chuối tới lươn nướng ống vầu với giá cả rất dễ chịu. Chỉ từ 5.000 tới 20.000đ. Nếu bạn đi một nhóm từ 4 tới 6 người thì rất vừa một nồi lẩu giá 70.000đ và một vài món khác. Khách nhậu còn có thể đưa cay bằng những loại rượu bổ như rượu Minh Mạng, rượu tiết lươn, mật lươn v.v..., cháo lươn có thể ăn quanh năm nhưng tốt nhất và cũng ngon nhất là thưởng thức các món lươn vào mùa nóng. Trời nắng nóng mà được bát cháo lươn thì vừa mát vừa bổ. Hy vọng trong hành trình City tour Hà Nội sự có mặt của cháo lươn xứ Nghệ sẽ đem lại sự thích thú cho lữ khách. (Theo TBLÐ)
________________________________________________

(muivi.com)