Chiều nay (27/10), Chánh Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Tiến Tùng và đoàn công tác của Bộ LĐ,TB&XH có cuộc làm việc với thành phố Vinh về kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tiến độ chi trả chưa đạt yêu cầu đề ra
Đại diện TP Vinh đã báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các chính sách an sinh theo Nghị quyết 68/ NQ - CP và Quyết định số 23/ 2021/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định 22/2021/QĐ –TTg của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid – 19; đồng thời cho biết đã tiến hành các bước triển khai thực hiện chính sách theo đúng quy trình từ cấp cơ sở, nhưng vì thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của thành phố tới hơn 1 tháng nên tiến độ công việc không thể đạt như đề ra ban đầu.
Hơn nữa khối lượng đối tượng được hưởng đông, nhất là hộ kinh doanh cá thể và lao động không có giao kết hợp đồng, đến nay đã 20.262 người và thành phố vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ. Bên cạnh đó, công tác xác định, rà soát vẫn gặp không ít khó khăn do một số nhóm đối tượng có thể hưởng nhiều chính sách hoặc nhiều nhóm đối tượng nhưng chỉ có 1 đối tượng được hưởng gây sự thắc mắc trong nhân dân.
Về những thông số đưa ra của thành phố, Chánh Thanh tra Bộ LĐ, TB&XH cho rằng tiến độ phê duyệt chi trả của thành phố còn chậm, cách thức trả bằng bưu điện đến đối tượng tại thời điểm này cũng chưa phù hợp đối với người lao động gặp khó khăn bởi dịch. "Người dân cần được hỗ trợ kịp thời, và chúng ta cần triển khai chính sách này của Nhà nước theo tinh thần “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Về tiến độ giải ngân cho 20.262 người là lao động tự do mới chỉ hơn 3 tỷ đồng, theo báo cáo, trong khi số kinh phí dự kiến hơn 30 tỷ đồng, Chánh Thanh tra cho rằng vậy là quá chậm.
Trả lời về vấn đề này, ông Thái Văn Hùng – Phòng Tài Chính – Kế hoạch UBND thành phố Vinh cho biết: Quyết định 22 nói rất rõ, trong 2 ngày phải hoàn tất hồ sơ và chúng tôi đã hoàn tất công việc cuốn chiếu và đến nay đã đáp ứng được tiến độ và chúng tôi đã trình tới 20.000 bộ hồ sơ và duyệt chi hơn 18 tỷ đồng, chỉ chờ Sở Tài chính xét duyệt và UBND ra quyết định là sẽ chi trả hỗ trợ cho dân.
Về việc người dân thắc mắc các điều khoản quy định về đối tượng được hưởng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH khẳng định: Cán bộ cấp phường, xã, khối, xóm cần phải xác định rõ thẩm quyền trong việc giải thích tuyên truyền cho người dân. “Phải trả lời ngay cho dân hiểu, ở cấp nào thì giải thích ở thẩm quyền ở cấp đó, chứ không thể để người dân lên tận thành phố hay Ủy ban nhân dân tỉnh để thắc mắc về các vấn đề này”.
Chính sách đến đâu thực hiện đến đó
Cũng tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến của các phường, xã trên địa bàn thành phố có nêu: “Người dân có thắc mắc rằng thợ phụ hồ thì được nhận hỗ trợ nhưng thợ đóng cốp pha hay thợ sơn lan can lại không được dù cùng là thợ nề”. Ông Nguyễn Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung nói và cho biết: “Vì vậy, khi nhận hồ sơ chúng tôi rất khó giải thích cho dân hiểu, và rất nhiều lần nhận được những ý kiến trái chiều từ nhân dân”.
Hay như Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân – TP Vinh nêu: Đối tượng lao động đồng dạng như nhau (thợ sơn, thợ nề, thợ mộc, thợ hàn) nhưng chúng ta chỉ lựa chọn 1 đối tượng, nên chăng cần mở rộng đối tượng và hạ mức được hưởng để đảm bảo công bằng.
Về vấn đề này, đồng chí Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐ,TB&XH khẳng định: Cán bộ thành phố và các cấp cơ sở cần tuyên truyền để người dân hiểu chúng ta không thể cào bằng, chúng ta chỉ chọn những ngành nghề trọng yếu bị ảnh hưởng, và hỗ trợ cho những người thực sự khó khăn. Chính sách đến đâu chúng ta triển khai đến đó. Vì trên thực tế trước khi tham mưu để tỉnh ban hành Quyết định 22, Sở cũng đã lấy ý kiến tham mưu từ các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
“Chính sách của Chính phủ với tinh thần hỗ trợ cho những người thực sự khó khăn, nên chúng ta cần xác định đối tượng được tiếp cận với chính sách phải đủ tiêu chí ngành nghề, tương ứng với địa bàn. Vì vậy, cần tuyên truyền để nhân dân thấu hiểu rằng chính sách hỗ trợ ở thời điểm dịch bệnh này không thể là cái bánh phải chia đều. Vậy nên không thể cào bằng các nhóm đối tượng, ai khó khăn nhất sẽ được hỗ trợ trước, nếu sau này có sự điều chỉnh những người tiếp theo sẽ được hỗ trợ” -Chánh Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Tiến Tùng khẳng định.
“Những quy định thuộc Quyết định 23 thì chúng ta bám theo quy định của Thủ tướng chứ không thể lẫn lộn giữa các quy định” Chánh Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH khẳng định.