(Baonghean.vn) - Từ miền Bắc, tiến về Nam bằng một chiếc xe máy, không giới hạn thời gian đó là hành trình khám phá xuyên Việt của anh Trang Mi Go (32 tuổi) quê ở Ninh Thạnh, tỉnh Tây Ninh.
Tính đến nay chuyến đi của anh Go đã kéo dài hơn 1 tháng rưỡi, anh xuất phát từ Tây Ninh vào giữa tháng 2, ra Bắc bằng máy bay. Từ Hà Nội, anh sử dụng xe máy khám phá khắp các địa danh nổi tiếng ở các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc như suối Tú Lệ, rừng Tà Xù, đỉnh Đèo Mã Pí Lèng, cột cờ Lũng Cú, núi Tô Thị, thác Bản Dốc… rồi xuôi về Nam.
Anh đã dùng 2 chiếc xe máy cho hành trình gần 50 ngày qua, lúc đầu là chiếc xe Sirius của bạn, sau đó đến Hải Phòng, anh đã mua một chiếc xe Win cũ khác có giá 2,5 triệu đồng. Khi đến Nghệ An chiếc xe này hư hỏng nặng, phải đại tu thêm mới khởi hành được.
Hành trang của anh Go cho chuyến đi dài ngày thật đơn giản, ngoài phương tiện là chiếc xe máy thì chỉ có cái túi đựng vài ba bộ quần áo, áo mưa cột sau xe. Anh Go cho biết, mình xuyên Việt không giới hạn thời gian, không câu nệ về ăn nghỉ, điểm dừng chân có thể là nhà dân, nhà nghỉ, cũng có thể là chùa chiền…
Từng là một sinh viên khoa công nghệ thông tin, anh Go chuyển sang buôn bán, nhiếp ảnh, rồi bắt đầu những chuyến khám phá đường dài kiểu “bụi” khắp mọi miền đất nước và đã không ít lần ra nước ngoài, đến Campuchia và Thái Lan. Đây là lần đầu tiên anh ra Bắc và quyết định xuyên Việt theo hướng Bắc – Nam. Trên đường đi, địa phương nào có danh lam thắng cảnh, di tích độc lạ, nổi tiếng, anh sẽ ghé thăm.
Anh Go cho biết, mục đích của chuyến hành trình xuyên Việt là khám phá tìm hiểu tự nhiên, phong tục, tập quán của người dân khắp các vùng miền. Anh không ngại khó, ngại khổ, miễn là được đi, được đến để trải nghiệm. Với anh, nhiều đoạn đường ở Tây Bắc như Tà Xù, Lũng Cú…là gian nan nhất, vừa cheo leo hiểm trở lại gặp thời tiết lạnh giá khắc nghiệt, đe dọa đến cả tính mạng, nếu không quyết tâm sẽ khó vượt qua.
Quan niệm của Go về xuyên Việt nói riêng và hành trình khám phá nói chung khác với nhiều người. Anh không chủ trương “phải tốn ít thời gian nhất, đi được quãng đường dài nhất” mà quan trọng là mình thu nhận, nắm bắt được gì về đất và người ở những nơi mình đã đi qua.
Anh không thích đi đông người theo kiểu du lịch tour, với anh đó là sự đón tiếp đã “sắp sẵn” theo “kiểu kinh doanh” khó nắm bắt được thực chất, thực tế cuộc sống. Anh muốn được tự mình trải nghiệm cuộc sống thật, đang diễn ra ở khắp mọi nơi.
Đến Nghệ An, anh dừng chân tại Diễn Châu, Thị xã Cửa Lò và Thanh Chương. Anh thích thú với món cháo lươn xứ Nghệ, món canh tập tàng ven biển. Tham quan đảo chè Cầu Cau tại xã Thanh An (Thanh Chương), bằng thuyền chèo tay, chàng trai Đông Nam Bộ cho biết: “Đồi chè thì có ở nhiều nơi, nhưng non nước hữu tình như thế này thì chỉ có ở đây, khá độc đáo, tuy nhiên, đồi trồng chè còn ít quá, chưa đủ độ hoành tráng”.
Đi và sống ở nhiều nơi, Go có con mắt của một “nhà khám phá”, sự cảm nhận tinh tế, sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa của nhiều vùng miền.
Anh nhận xét; “Đến Nghệ An trong thời gian ngắn, nhưng mình khá ấn tượng với tính cách của người dân ở đây, không khéo léo như người miền Bắc, nhưng người Nghệ rất cởi mở, chân thành, thẳng thắn và tình cảm. Mình sẽ quay lại đây khi có dịp”.
Go cho biết, trên hành trình xuyên Việt, anh đã được nhiều người dân địa phương, nhiều người bạn dù chỉ mới quen trên mạng, giúp đỡ nhiệt tình. Nhờ họ, mà những con đường đi qua, ấm áp tình người, luôn được thông suốt, đảm bảo an toàn và có thêm động lực để anh đi tiếp. Sau chuyến đi này, anh Go dự định sẽ kết hợp cùng với một người bạn, cùng viết về chuyến đi đặc biệt này.
Thanh Chương là điểm đến cuối cùng ở Nghệ An, từ đảo chè, theo đường Hồ Chí Minh, Go sẽ đi Hà Tĩnh. Hơn 1 tháng rưỡi, Go cũng chỉ mới đi được một nửa hành trình. Anh cho biết, do chuyến đi không giới hạn thời gian nên chưa rõ về đến Tây Ninh vào ngày nào. Mảnh đất miền Trung còn nhiều điều hay, lạ, đang chờ anh phía trước.
Huy Thư