(Baonghean.vn) - "Cường diều” là biệt danh mà bạn bè dành cho Nguyễn Sỹ Cường (19 tuổi) ở xóm 2, xã Thanh Lương (Thanh Chương) – chàng trai đam mê diều sáo đến kỳ lạ.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống chơi diều, bố và anh trai đều là những người ham mê diều sáo, bản thân từ hồi học lớp 4, Cường đã tự biết làm diều để chơi. Tính đến nay, anh không nhớ nổi mình đã làm được mấy trăm bộ diều sáo, cả diều sáo đơn lẫn diều sáo giàn.
Cường kể rằng, ngày trước lúc còn ở nhà chỉ biết làm diều sáo truyền thống quê mình với đặc điểm bụng to, sáo đơn (1 sáo chính, 2 sáo phụ), sau khi đi miền Nam về, Cường biết làm thêm nhiều loại diều mới, hình dáng đa dạng, mang sáo giàn và màu sắc đẹp. Mỗi lần Cường đi chơi diều ở đâu, mọi người dễ nhận ra diều của anh thông qua kiểu dáng, màu sắc nổi bật trên nền trời.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Cường đã có 2 năm làm việc tại Bình Dương. Tại đây, Cường đã tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ diều Dĩ An, từng cùng CLB “phiêu” khắp các tỉnh, thành miền Đông, miền Tây Nam Bộ để chơi diều và quen biết khá nhiều "cao thủ" chơi diều ở thành phỗ Hồ Chí Minh. Nhờ sự đam mê, siêng năng học hỏi, Cường đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm làm diều và chơi diều.
Trở về quê, ngoài làm nông cùng gia đình, Cường tập trung vào làm diều, vừa để thỏa mãn niềm đam mê, vừa có thêm thu nhập. Một điều thuận lợi là bố Cường làm thợ mộc nên nhà có đầy đủ dụng cụ cưa, đục… Ngày trước, bố Cường cũng hay làm diều, nay lúc rãnh rỗi, ông cùng con trai chỉnh sửa sáo diều.
Đến nhà Cường, mọi người sẽ thấy ngổn ngang dụng cụ, nguyên vật liệu làm diều và chơi diều ở khắp mọi nơi, từ gầm giường, trên bàn ghế, trên rèm nhà… Trừ những lúc vắng nhà, còn ở nhà khi nào cũng thấy Cường ngồi hí hoáy, cặm cụi với diều sáo. Thời gian gần đây, Cường thường tập trung làm những loại diều lớn có sải cánh từ 3,5 - 4m, mang được giàn sáo từ 7 – 9 sáo đôi. Giá mỗi bộ diều sáo này không dưới 1 triệu đồng.
Cường tâm sự: “Thấy em làm diều đẹp, sáo kêu hay, khách chơi diều trong và ngoài tỉnh cũng thường đến đặt mua, thu nhập từ bán diều tuy không lớn nhưng cũng góp phần giúp đỡ gia đình, khi em chưa có công ăn việc làm ổn định”.
Niềm đam mê mãnh liệt với diều sáo của Cường đã được ghi nhận bằng một số thành tích như: Huy chương đồng Hội thi diều tại Bình Dương (2015), giải Nhất, giải Nhì Hội thi diều tại Lễ hội Làng Sen năm 2016…
Cường cho biết: “Em đã gắn bó với diều sáo từ nhỏ và sẽ còn gắn bó lâu dài, hi vọng trong thời gian tới ở tỉnh ta cũng thành lập được một CLB diều sáo để những người đam mê diều sáo trong tỉnh có sân chơi vừa giao lưu, học hỏi vừa làm lan toả hơn thú chơi diều sáo dân giã mà lôi cuốn này”.
Theo Cường, làm diều sáo có nhiều công đoạn: chuẩn bị nguyên vật liệu (tre, gỗ, vải, dây, keo…), làm khung, làm áo, làm sáo và kết nối, trong đó làm sáo là kỳ công nhất. Làm sáo đơn thì đơn giản hơn vì chỉ cần 1 – 3 nón sáo úp trên một thân sáo là vỏ hộp sữa, còn làm sáo giàn thì phức tạp, gồm 5 – 9 ống sáo đôi với nhiều kích cỡ khác nhau xếp thành một dàn. Trong làm sáo dàn, ống sáo bằng nứa phải vót mỏng, nón sáo bằng gỗ phải đục, cưa, đẽo, gọt đúng kích thước, lưỡi gà phải mỏng và sâu, khoét lỗ hợp lý. Một bộ sáo dàn thường phải làm mất cả tuần đến 10 ngày mới xong. Hiện Cường được xem là ‘chuyên gia” làm sáo diều ở Thanh Chương với nhiều loại sáo phát ra những âm thanh hay, lạ như tiếng chuông, tiếng còi, hợp âm... |
Huy Thư