(Baonghean) - Trong tuần qua, bài viết "Phương án... nhảy dây" của tác giả Hải Triều đăng trên báo Nghệ An - Cuối tuần ra ngày 30/3 nhận được số phiếu bình chọn cao của độc giả. Rất nhiều khen ngợi dành cho tác giả, và cả những băn khoăn, khó hiểu về những thay đổi trong quy chế thi đại học năm nay của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Đúng lúc, đúng thời điểm. Đọc bài viết "Phương án... nhảy dây" của Hải Triều tôi lại nghĩ đến sự hoang mang của một số học sinh, phụ huynh. Một bậc phụ huynh tên là Cúc, có con đang học lớp 12 tâm sự: "Mần răng để học sinh có định hướng rõ ràng đây, sao lại đưa ra cái quy chế cận kề kỳ thi như rứa chứ?". Rồi chị bạn tôi điện thoại kêu buồn quá, tôi hoảng hốt hỏi: "Nhà xảy ra chuyện gì à? . "Chuyện thi đại học của cháu Khánh em ạ, mấy hôm nay cả nhà đều sốt sắng cả lên còn cu Khánh buồn lắm, nỏ chịu ăn uống chi cả. Em làm báo lên tiếng cho các cháu với để giúp cho các cháu an tâm học tập". Bài viết của Hải Triều vừa ra mắt độc giả ngày 30/3 trên báo Nghệ An - Cuối tuần rất đúng thời điểm, đúng tâm lý của chị bạn tôi và của các bậc phụ huynh, học sinh. Hải Triều đã dám nói thẳng với Bộ Giáo dục - Đào tạo: "Nhưng điều khiến mình băn khoăn là chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là bước vào kỳ thi đại học mà cuộc bàn luận về hệ thống, cách thức, tiêu chí tuyển sinh vẫn chưa ngã ngũ... thì làm sao tập trung ôn luyện?...".
Hải Triều nói ra nguyện vọng của biết bao nhiêu người, không chỉ vấn đề đang được các bậc phụ huynh, học sinh cuối cấp 3 quan tâm mà là vấn đề của toàn thể xã hội. Một vấn đề hệ trọng, liên quan đến nguồn tri thức và tương lai của xã hội nhưng lại so sánh với trò chơi nhảy dây của học sinh. Thậm chí tác giả Hải Triều đề cập đến thời gian ra chơi chỉ được 15 phút mà cả đám cãi cọ, tranh luận luật này kia mất hết 12 phút, chưa kịp chơi thì trống đã đánh tùng tùng mời các em vào lớp học. Và, cuối cùng chỉ mất thời gian vào tranh cãi mà cũng chẳng ai chơi được, không giải quyết được vấn đề gì cả.
Hải Triều thực sự trăn trở, lo lắng trước những cuốn sách của ngành giáo dục hiện nay. Tôi rất thích đoạn kết của bài viết “Nhưng khốn nỗi đây không phải là cái sân chơi của học sinh tiểu học, lại càng không phải là giờ ra chơi vớ va vớ vẩn mà là vũ môn...”.
Hải Triều đã mạnh dạn, thẳng thắn nói lên những bất cập của Bộ Giáo dục trong thay đổi quy chế thi cử vào đại học của học sinh cuối cấp 3.
Chẳng biết đường nào mà lần… Bài viết đúng với tâm trạng, suy nghĩ của rất nhiều bậc phụ huynh và học sinh, nhất là đối với những học sinh lớp 12, sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 này.
Bản thân tôi, cũng là một phụ huynh "trong cuộc" rất đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết. Thứ nhất, phương án đưa ra để bàn, để lấy ý kiến dư luận, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là các học sinh phải bước vào kỳ thi. Thứ hai, các phương án đưa ra quá rườm rà, phức tạp và khó hiểu làm cho học sinh hoang mang vì một loạt chính sách thi tuyển mới có thể sẽ thay đổi mà chưa kịp chuẩn bị, đặc biệt là khi hạn nộp hồ sơ sắp hết mà nhiều chính sách của Bộ Giáo dục - Đào tạo vẫn còn dự thảo trên giấy...
Đọc cả 5 phương án, thì phương án 1 chính là hệ thống điểm sàn cũ đã áp dụng những năm gần đây, còn 4 phương án còn lại thử hỏi được bao nhiêu người hiểu thấu đáo và bao nhiêu người hiểu nôm na?
Nên chăng, phương án điểm sàn cũ vẫn tiếp tục được áp dụng trong năm nay để tránh làm học sinh hoang mang. Việc cải cách thi cử cũng cần phải có thời gian để thích ứng, không nên chỉ vì thử nghiệm mà đưa ra nhiều phương án làm ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh đi thi. Các dự thảo cần phải xem xét kỹ lưỡng và hoàn chỉnh cho thật hợp lý và công bố chính thức ngay từ đầu năm học để học sinh có định hướng rõ ràng và tập trung ôn thi.
Đổi mới và hội nhập là tốt và là tất yếu, tuy nhiên không phải tất cả nhưng đổi mới đều là ưu việt. Nhìn lại cách thức thi tuyển cách đây 20 năm, những học sinh nào thi đạt điểm cao thì học ĐH, CĐ, điểm thấp thì học nghề và đi làm luôn. Không như bây giờ, thi được 3 - 4 điểm mỗi môn mà vẫn nhập học ĐH, miễn sao các trường tuyển sinh được, thu được học phí để nhà trường tồn tại, còn học sinh học xong ra trường làm gì, làm ở đâu không cần biết!!!
Cuối cùng, đúng là: “...Một cách thành thật, mình có hiểu 5 phương án ấy là gì và có chọn được không? Tất nhiên là... không." Và "Chẳng biết đường nào mà lần...”.
Người xây dựng