Trong nhiều vụ án tham nhũng, lợi dụng pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định chi tiết, các đối tượng sẵn sàng “hy sinh” bản thân để giữ tài sản tham nhũng cho gia đình.
Tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng được tổ chức tại Hà Nội mới đây đã đưa ra con số trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là gần 60.000 tỷ đồng và trên 400 ha đất. Đến nay số tiền đã thu hồi cho Nhà nước là gần 4.670 tỷ đồng và hơn 200 ha đất.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa tương xứng, chưa thật mạnh mẽ, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn ở mức hạn chế. Thực tế cho thấy, số tài sản thu hồi ở các vụ án tham nhũng đã điều tra, truy tố, xét xử những năm qua đạt tỷ lệ còn rất thấp.
Điển hình vụ án tham nhũng ở Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), theo bản án Hình sự ngày 30/8/2012 của Tòa Phúc thẩm - Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, tổng số tiền phải thu hồi trong vụ án lên đến 1.144 tỷ đồng. Trong đó, riêng 6 công ty thuộc Vinashin bị thiệt hại từ những sai phạm liên quan đến vụ án, tổng số tiền phải thi hành lên đến 1.142 tỷ đồng. Sau khi bản án có hiệu lực, các công ty đã làm đơn yêu cầu thi hành án với số tiền trên 1.049 tỷ đồng. Nhưng tính đến cuối tháng 7/2015, cơ quan thi hành án mới thu hồi được hơn 2 tỷ đồng, buộc phải trả đơn yêu cầu thi hành án trên 1.022 tỷ đồng.
Chấp nhận “hy sinh” bản thân để giữ tài sản tham nhũng
Nghị quyết Đại hội Đảng X, XI, XII cũng chỉ rõ những tồn tại của công tác kiểm tra trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tình trạng tham nhũng, lãng phí quan liêu, nhưng tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, còn diễn biến phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chưa cao, chưa đủ sức góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí tiêu cực trong nội bộ Đảng. Công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và cơ quan điều tra với các cơ quan cơ quan hữu quan trong phát hiện, khởi tố, điều tra xử lý các vụ án tham nhũng chưa chặt chẽ; công tác thu hồi, xử lý tài sản tham nhũng còn rất hạn chế, chưa đạt yêu cầu…
Ông Cao Văn Thắng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng còn hạn chế, bất cập có cả nguyên nhân chủ quan và khác quan. Về nguyên nhân chủ quan, các lực lượng chức năng đấu tranh chống tham nhũng chưa thực sự quyết liệt trong quá trình kiểm tra, thanh tra, truy tố, xét xử kéo dài, khó thu thập chứng cứ đầy đủ. Mặt khác, năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác này còn hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm, còn nể nang, ngại va chạm. Việc giải quyết một số vụ án tham nhũng trong một số lĩnh vực phức tạp rất khó khăn…
“Nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng chống tham nhũng chưa chú ý, không kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật như phong tỏa tài sản, kê biên, tạm giữ, chuyển dịch tài sản của bị can, bị cáo… dẫn đến người phạm tội và người thân của họ có thời gian, điều kiện hợp pháp hóa hoặc tẩu tán, cất giấu tài sản, gây khó khăn cho việc thu hồi và xử lý tài sản sau này”- ông Cao Văn Thắng nhận định.
Về nguyên nhân khách quan, theo ông Cao Văn Thắng, hệ thống luật hiện hành còn mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định chi tiết, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm, trách nhiệm, thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng. Việc thu hồi tài sản chủ yếu thông qua việc kết án hình sự, trong khi chưa có quy định rõ ràng về việc thu hồi tài sản tham nhũng không qua kết án hình sự. Các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng thông qua tố tụng dân sự chỉ mới là quy định chung về bảo vệ quyền sở hữu và bồi thường thiệt hại. Việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn ít được thực hiện…
Tội phạm tham nhũng là loại “tội phạm ẩn” khó phát hiện, chủ thể tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, có kiến thức, trình độ chuyên môn nhất định… Trước đây tham nhũng thường mang tính tự phát, còn hiện nay mang tính tổ chức, lợi ích nhóm rất rõ nét. Tham nhũng hiện nay không chỉ một người, một nhóm người, không chỉ một cấp mà nhiều tầng, nhiều cấp nên việc chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng rất khó.
Những kẻ tham nhũng dùng người thân để hợp thức hóa tài sản, điều mà pháp luật chưa có điều khoản cụ thể để ngăn chặn. “Những đối tượng tham nhũng đã đem tiền, tài sản tham nhũng đi đánh bạc, cho gái, tiêu xài bản thân và gia đình, làm “từ thiện”… Khi cần thiết, đối tượng tham nhũng chấp nhận hình phạt để thụ hưởng tài sản tham nhũng cho bản thân và người thân trong gia đình với phương châm hy sinh đời bố củng cố đời con...”-ông Cao Văn Thắng dẫn chứng.
Phải kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức
Theo số liệu đưa ra tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong 10 năm qua, số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Trong 10 năm, xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp. Mới xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.
Một trong những giải pháp chủ yếu để phòng chống tham nhũng hiệu quả, trước hết nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức Đảng trước hết là người đứng đầu trong việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Những trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm tham nhũng theo quy định của pháp luật thì các cấp ủy, ủy ban kiểm tra chỉ đạo chuyển các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra, xét xử nghiêm minh, không để xử lý trong nội bộ Đảng.
“Không để tình trạng cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt việc trao và thực thi quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế… của cán bộ công chức để không lạm dụng tham nhũng cho cá nhân hoặc một nhóm người với “lợi ích nhóm” hoặc “lợi ích cục bộ”- ông Cao Văn Thắng đề nghị.
ThS Phạm Thị Hạnh, Tạp chí Cộng sản cũng cho rằng, các cấp ủy đảng và người đứng đầu phải thực sự coi công tác phòng, chống tham nhũng là một trọng tâm công tác lớn của công công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm, địa bàn trọng điểm trong từng thời gian để tập trung chỉ đạo. Lựa chọn, bố trí những cán bộ có năng lực, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức là công tác phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, muốn đấu tranh phòng chống tham nhũng kịp thời, có kết quả thì phải kiểm soát được thu nhập của mọi người dân, trong đó có kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức. Việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức phải gắn liền với việc xác minh tài sản, thu nhập của họ. Vì thế phải sớm hoàn thiện các quy định, cơ chế về kê khai và công khai, kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức, viên chức một cách thiết thực, tránh hình thức.
Theo ông Cao Văn Thắng, “người nào đảm nhận chức danh, có quyền lực trong phạm vi toàn quốc thì phải công bố về kê khai toàn quốc. Ở các cấp tỉnh, huyện, xã và tương đương thì phải công khai ở cấp đó. Cần thực hiện việc công khai thông qua hệ thống bộ máy của Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội”.
ThS Phạm Thị Hạnh, Tạp chí Cộng sản cũng nhấn mạnh việc cần sớm hoàn thiện cơ chế, giải pháp phòng chống tham nhũng. Nghiên cứu để có quy định về việc tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo nặc danh hoặc giấu tên về tham nhũng; việc công chức phải giải trình nguồn gốc tài sản khi có yêu cầu và xử lý những hành vi làm giàu bất chính. Nghiên cứu, sửa đổi luật pháp theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm hình phạt đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả. Hoàn thiện quy định về xử lý tài sản tham nhũng, bổ sung quy định nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, đảm bảo cho việc thu hồi, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có.
Theo VOV