Tiếp nối thành công của bà Largarde, nữ Tổng Giám đốc thứ 2 của IMF với bề dày kinh nghiệm đáng nể trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, được đánh giá sẽ tạo ra những màu sắc mới trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối diện những viễn cảnh không mấy sáng sủa, chờ đợi bà Georgieva dự báo sẽ là một chặng đường không hề dễ dàng!
Bề dày kinh nghiệm
Sinh ngày 13/8/1953, nhà kinh tế học Kristalina Georgieva quốc tịch Bulgaria là con gái của một kỹ sư xây dựng. Bà có bằng tiến sĩ về khoa học kinh tế và bằng thạc sĩ kinh tế chính trị và xã hội học tại Đại học Kinh tế Quốc gia và Thế giới ở thủ đô Sofia của Bulgaria. Tại ngôi trường này, bà cũng đã được phong hàm Phó Giáo sư trong giai đoạn 1977 - 1993.
Trong quá trình học tập, nghiên cứu, bà đã trở thành học giả của Hội đồng Anh tại Trường Kinh tế London và Học viện Công nghệ Massachusetts. Từ những bước đệm này, bà Georgieva đã tự thân gây dựng nền tảng kinh nghiệm vững chắc để bắt đầu công việc tại các cơ quan hàng đầu như Ngân hàng Thế giới và Ủy ban Châu Âu. Tại 2 tổ chức này, bà đã đảm nhận nhiều vai trò cao cấp khác nhau.
Trong thời gian công tác tại Ủy ban châu Âu, bà Georgieva đã giúp định hình không ít chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu. Như khi đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân sự và Ngân sách châu Âu - giám sát ngân sách 161 tỷ euro và 33.000 nhân viên, bà Georgieva đã tham gia đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ khu vực châu Âu cũng như cuộc khủng hoảng người tỵ nạn năm 2015.
Tại Ngân hàng thế giới (WB), có thể kể đến các vị trí cấp cao của bà như Phó Chủ tịch, Giám đốc WB về Phát triển bền vững, Giám đốc Môi trường của WB, Giám đốc Phát triển Môi trường và Xã hội tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương… Dấu mốc là từ tháng 1/2017, bà Georgieva đảm nhận cương vị Giám đốc điều hành WB. Từ ngày 1/2/2019 - 8/4/2019, bà giữ thêm vị trí Chủ tịch tạm quyền của WB trong 3 tháng cho đến khi ông David Malpass, cựu quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Mỹ tiếp quản vị trí này vào tháng 4.
Với quyết định này, bà Georgieva trở thành nhân vật đầu tiên của một nền kinh tế mới nổi là Bulgaria lãnh đạo IMF kể từ khi thành lập năm 1944 đến nay. Với một diện mạo khá điềm tĩnh, không mang nhiều nét sắc sảo như người tiền nhiệm Christine Lagarde, nhưng với kinh nghiệm dày dặn, bà Georgieva được cho là sẽ tiếp nối những thành công từ nhiệm kỳ trước; đồng thời triển khai những chính sách mới nhằm đảm bảo cho sự ổn định của hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu. Nhiệm kỳ của bà Georgieva sẽ bắt đầu ngay từ ngày 1/10 tới đây.
Nhiệm kỳ nhiều áp lực
Trong vai trò mới, bà Kristalina Georgieva sẽ chèo lái đội ngũ khoảng 2.700 người cùng 4 cấp phó hỗ trợ trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Trong bài phát biểu đăng tải trên trang web chính thức của IMF, bà Georgieva bày tỏ vinh dự khi được tín nhiệm lựa chọn vào vị trí lãnh đạo IMF. Bà nhấn mạnh, đây đồng thời là một thách thức vô cùng lớn trong thời điểm tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn đang khiến dư luận thất vọng, căng thẳng thương mại vẫn liên tục gia tăng trong khi các khoản nợ ở mức cao trong lịch sử kinh tế toàn cầu.
Thừa nhận những thách thức mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt, bà Georgieva nhấn mạnh, ưu tiên của bà trên cương vị mới là hỗ trợ các nước thành viên giảm thiểu các nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế và sẵn sàng đối phó nếu xảy ra suy thoái. Tuy nhiên, bà Georgieva nhấn mạnh, không nên đánh mất các mục tiêu dài hạn để xây dựng các nền kinh tế vững mạnh hơn và cải thiện cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Các mục tiêu này cần được thực hiện trên nền tảng là các chính sách tiền tệ, tài chính và cấu trúc vững mạnh. Điều này cũng có nghĩa, thế giới cần phải tập trung xử lý các thách thức mang tính dài hơi như bất bình đẳng, biến đổi khí hậu hay những thay đổi như vũ bão của khoa học công nghệ...
Theo bà Georgieva, để sẵn sàng hành động thì việc bảo vệ sức mạnh tài chính của IMF là điều cần thiết. Vì vậy, việc cần làm là phải tăng cường giám sát và nỗ lực phát triển năng lực, chú ý nhiều hơn nữa đến nhu cầu của chính các thành viên của IMF. Tất nhiên trong nhiệm kỳ của mình, tân Tổng Giám đốc IMF cũng cần duy trì và phát huy vai trò của diễn đàn hợp tác toàn cầu về thương mại, ổn định tài chính và tỷ giá hối đoái. Đây cũng là thể chế tài chính cung cấp các khoản viện trợ để giúp ngăn chặn khủng hoảng kinh tế cũng như tài trợ cho các dự án phát triển tại các quốc gia thành viên với tổng số tiền tài trợ lên tới 1 nghìn tỷ USD.
Những nhiệm vụ này có lẽ càng trở nên khó khăn hơn khi mới đây, chính IMF đã một lần nữa hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cả 2 năm 2019 và 2020 lần lượt ở mức 3,2% và 3,5% - đều giảm 0,1% so với dự báo hồi tháng 4. Cần nhắc lại, mức tăng trưởng từ 3,3% trở xuống sẽ là mức tăng thấp nhất của kinh tế thế giới kể từ năm 2009 đến nay. Với sự tăng trưởng bấp bênh cùng hàng loạt diễn biến bất lợi như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cuộc khủng hoảng Brexit, suy giảm đầu tư và niềm tin hay sự xáo trộn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu…, tất cả đang tạo nên sức ép vô cùng lớn đối với tân Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva trong nhiệm kỳ 5 năm tới!