(Baonghean) -Việc một số cấp, ngành, địa phương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là một cách cụ thể hóa các luật lệ, quy định của cấp trên. Thế nhưng nhiều nơi lại ban hành các văn bản quy phạm pháp luật… trái luật.

Nhiều sai phạm

Theo Khoản 3, Điều 3, Quyết định số 01/2013/QĐ – UBND ngày 9/1/2013 của UBND huyện Đô Lương về ban hành Quy định một số chính sách về y tế, dân số/KHHGĐ trên địa bàn huyện: Cán bộ, công chức viên chức khi mới được bố trí, tuyển dụng vào công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện ngoài việc ký cam kết không sinh con vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ theo quy định chung phải ký thêm cam kết với nội dung: Nếu sinh con vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ  sẽ bị xử lý kỷ luật hình thức cao nhất là buộc thôi việc”. Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 6 quy định trên quy định:  Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với trường hợp vi phạm mà cố tình che giấu, giả mạo hồ sơ để tránh bị kỷ luật, không ký cam kết mà sinh con vi phạm hoặc trước đó đã bị kỷ luật do vi phạm chính sách dân số, nay tiếp tục sinh con vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ.

Ngay từ khi văn bản này ra đời đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong cán bộ công chức ở huyện Đô Lương. Nhiều người tỏ ra lo lắng bởi lâu nay tuy không khuyến khích người dân sinh con thứ 3 nhưng Nhà nước cũng đã có nhiều văn bản “mở” về KHHGĐ, đặc biệt là đối vối những trường hợp như sinh đôi, sinh con bị tàn tật, thiểu năng... Kiểm tra về tính pháp lý của văn bản trên, Sở Tư pháp  đã phát hiện một số sai phạm có dấu hiệu trái pháp luật.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Xuân Nam - chuyên viên Phòng Kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật thì: Các văn bản của Nhà nước như Nghị định số 34/2011/NĐ - CP,  Nghị định số 27/2012/NĐ - CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức đều cho thấy việc công chức, viên chức vi phạm chính sách Dân số  - KHHGĐ bị kỷ luật buộc thôi việc là trái với quy định. Mặt khác, theo Khoản 4, Điều 5, Quyết định số 76/2012/QĐ – UBND ngày 19/10/2012 của UBND tỉnh ban hành, quy định một số chính sách DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh thì cán bộ, công chức, viên chức (kể cả hợp đồng lao động)... sinh con thứ ba trở lên thì bị kỷ luật với hình thức khiển trách. Vì vậy, UBND huyện Đô Lương quy định xử lý kỷ luật buộc thôi việc nếu sinh con vi phạm chính sách DS – KHHGĐ là trái với nguyên tắc xử lý kỷ luật.

795362_small_96943.jpg

Hai trong nhiều văn bản được Sở Tư pháp phát hiện sai nội dung.

Liên quan đến vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, UBND Thị xã Thái Hòa ra các Quyết định số 501,  504, 505/QĐ - UBND ngày 9/4/2012. Nội dung tại các quyết định này giao chỉ tiêu vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2012 đối với các đơn vị: Trường THPT Thái Hòa, Đài TT – TH, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây, mức đóng góp tối thiểu 1 ngày lương/người/năm. Tuy vậy, quy định này lại trái với Điều 1, điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ban hành kèm theo Nghị định số 45/2006/NĐ – CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ, trong đó ghi rõ “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được xây dựng bằng đóng góp tự nguyện”.

Quyết định số 36/2012/QĐ – UBND ngày 31/5/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tuyển dụng, tiếp nhận điều động, thuyên chuyển; trình tự và thủ tục đánh giá; khen thưởng kỷ luật; chế độ thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng có một số nội dung không phù hợp với Nghị định số 112/2011/NĐ – CP ngày 5/12/2011 của Chính phủ về công chức xã. Cụ thể, Nghị định số 112 chỉ ưu tiên 20 điểm đối với con đẻ liệt sỹ, con đẻ thương binh... nhưng Quyết định số 36 lại quy định được cộng 30 điểm. Các đối tượng như người có trình độ đại học hệ chính quy có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi, người có trình độ thạc sỹ, con đẻ của các bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang... theo Nghị định số 112 không thuộc đối tượng ưu tiên, tuy nhiên trong văn bản của tỉnh lại được cộng từ 10 - 20 điểm.

Xử lý chưa nghiêm

Thông tin từ Sở Tư pháp về tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh, trong năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, tỉnh đã ban hành 151 văn bản. Về cơ bản, các văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành đều bảo đảm đúng quy định về thẩm quyền, nội dung, thể thức và kỹ thuật trình bày, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy vậy, vẫn có một số văn bản trái với quy định như Quyết định số 36 ở trên. Riêng tại các địa phương số văn bản vi phạm cao hơn nhiều. Qua kiểm tra tại các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Quế Phong, Quỳ Châu, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Thị xã Thái Hòa phát hiện có 23 văn bản sử dụng căn cứ pháp luật không đúng quy định, 60 văn bản ban hành không đúng hình thức, 69 văn bản có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật và 359 văn bản sai sót về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra 259  văn bản do các huyện, thành phố, thị xã gửi về Sở Tư pháp còn phát hiện 11 văn bản có nội dung trái pháp luật, 67 văn bản sai sót về thể thức và kỹ thuật trình bày. Nguyên nhân do cơ quan soạn thảo chuẩn bị không kỹ, không tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản nên nội dung còn sơ sài, nhiều quy định còn mang tính chung chung, thiếu cụ thể. Vì vậy, một số văn bản tính khả thi không cao hoặc không có tính khả thi khi triển khai vào thực tiễn cuộc sống.

Về hướng xử lý, bà Nguyễn Thị Quế Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Sau khi phát hiện những văn bản sai phạm về QPPL trên, Sở Tư pháp đã thông báo kết luận kiểm tra, đề nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời đình chỉ thi hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các văn bản ban hành trái pháp luật, xử lý triệt để văn bản có nội dung trái pháp luật... Tuy vậy, bên cạnh một số địa phương thực hiện nghiêm túc thì vẫn còn một số đơn vị đang phải đốc thúc, nhắc nhở nhiều lần. Riêng huyện Nam Đàn năm 2012 – 2013 không gửi văn bản nào, huyện Kỳ Sơn, gửi 1 văn bản năm 2012, năm 2013 chưa thực hiện… Để xảy ra thực trạng này, một phần do việc thiếu trách nhiệm của chính quyền các địa phương. Bên cạnh đó, ngoài nhắc nhở thì hiện tại chưa có một chế tài xử phạt nào và trên thực tế cũng chưa có một tổ chức, cá nhân nào bị phê bình hoặc kiểm điểm vì ra văn bản sai, chậm nộp văn bản, nên tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật… trái luật trên địa bàn tỉnh chậm khắc phục.


Bài, ảnh: Mỹ Hà