(Baonghean) - Một trong những giải pháp xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo phát triển, là phải không ngừng cải tiến lề lối làm việc, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động công vụ; lấy việc tận tụy phục vụ nhân dân, lợi ích nhân dân là thước đo hiệu quả hoạt động tại các cơ quan, đơn vị.

Nhằm đẩy mạnh cải tiến lề lối làm việc và nâng cao đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính thông qua việc ban hành những văn bản cụ thể, điển hình là Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh;

Đề án 07 của BTV Tỉnh ủy về nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Chỉ thị 26 ngày 5/9/2016  của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan nhà nước; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về ngăn chặn, đẩy lùi  những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức viên chức trong thực thi nhiệm vụ...

images1851330_bna_58cb42afda6b5.jpgBan thanh tra nhân dân phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) đánh giá việc giám sát đầu tư cộng đồng. Ảnh: Khánh Ly

Siết chặt kỷ cương hành chính

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hàng năm, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành  tiến hành kiểm tra đột xuất ở các đơn vị, địa phương và tái kiểm tra ở các đơn vị. Thông qua hoạt động kiểm tra thực hiện việc chấp hành Chỉ thị 17, Chỉ thị 26, nhận thức của cán bộ, công chức đã được nâng lên, hoạt động của nhiều địa phương, cơ quan đã đi vào nề nếp, khắc phục tình trạng đi sớm, về muộn, làm việc riêng trong giờ hành chính. Trong đó, nhiều địa phương đã có giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng quản lý hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức. 

Đơn cử như tại xã miền núi Châu Tiến (Quỳ Châu), xuất phát từ thực trạng cán bộ, công chức vi phạm giờ giấc làm việc, xã đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống camera để giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, phần mềm được nối mạng với máy điện thoại di động của đồng chí Chủ tịch UBND xã để theo dõi, quản lý.

Qua thời gian thực hiện, mọi hoạt động trong hệ thống chính trị tại địa phương đã đi vào nền nếp; tinh thần trách nhiệm, gương mẫu  trong tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt được nâng lên. 

Tương tự tại xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu), thông qua kêu gọi, vận động con em đi làm ăn xa ủng hộ được 50 triệu đồng, chính quyền địa phương đã lắp đặt hệ thống camera giám sát cán bộ, công chức làm việc tại hội trường, phòng họp, bộ phận trực một cửa, cầu thang và cổng ra vào trụ sở.

Với 2 máy chủ được bố trí, lắp đặt ở phòng Bí thư và Chủ tịch UBND xã, lãnh đạo có thể nắm bắt một cách kịp thời cán bộ, công chức có đi làm đúng giờ hay không? Có hay vắng mặt trong các cuộc họp hay buổi chào cờ vào thứ Hai đầu tuần? Thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân?... Qua đó, nhằm chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, nâng cao hiệu quả công việc chuyên môn của từng bộ phận để xây dựng địa phương ngày càng phát triển về mọi mặt.

Tại xã Tào Sơn (Anh Sơn), thông qua cách quản lý thẻ công chức đã giúp địa phương giám sát việc chấp hành thời gian làm việc của cán bộ, công chức một cách khoa học. Theo đó, xã phân  3 loại thẻ, gồm: thẻ cán bộ, thẻ công chức và bán chuyên trách được treo tại văn phòng, hàng ngày đến giờ làm việc, cán bộ, công chức đến nhận thẻ và hết giờ làm việc để lại thẻ ở văn phòng. Khi cán bộ, công chức đi cơ sở, hay đi công tác phải có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo xã và văn phòng.

Với cách làm này có thể biết được cán bộ, công chức nào đi chậm, vắng mặt mà cán bộ văn phòng không phải đi đến tận từng phòng để kiểm tra con số. Lịch làm việc theo ngày cụ thể của các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cũng được công khai để công chức và người dân theo dõi và giám sát...  “Cách làm này vừa  giám sát được việc chấp hành thời gian làm việc của cán bộ, công chức và bán chuyên trách một cách công khai, dân chủ, vừa góp phần nâng cao nền nếp, ý thức, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức xã được người dân đánh giá cao” - đồng chí Hoàng Đình Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Tào Sơn cho biết.

Cán bộ phường Nghi Hòa trao đổi với cán bộ khối nắm tình hình cơ sở. Ảnh: Thanh Lê

Nhiều cơ quan, đơn vị  cũng đã tập trung nâng cao chất lượng quản lý hành chính, hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức bằng việc áp dụng công nghệ hiện đại như: Sở Kế hoạch và Đầu tư áp dụng công nghệ thẻ quẹt điện tử; Sở Thông tin và Truyền thông sử dụng công nghệ quét vân tay, Cục Thuế Nghệ An ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ 3, mức độ 4 trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về triển khai dịch vụ công trực tuyến - nộp thuế điện tử.

Sở KH&ĐT công bố số điện thoại đường dây nóng và hòm thư, phiếu đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân khi đến giao dịch tại đơn vị. Trường hợp trả kết quả quá hẹn cho doanh nghiệp, trưởng phòng đăng ký kinh doanh phải có văn bản xin lỗi, đồng thời gọi điện thoại xin lỗi doanh nghiệp. Sở Tài chính triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ mã số có quan hệ với ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ Tài chính, đồng thời cắt giảm thời gian giải quyết 5 ngày làm việc xuống còn 2 ngày làm việc…

Xử lý nghiêm sai phạm

Từ năm 1994 đến nay, qua rà soát có 84 trường hợp sai phạm liên quan đến xây dựng nhà ở trên đất chưa quy hoạch. Trong đó có 25 đảng viên (02 đồng chí cán bộ lãnh đạo huyện quản lý; 17 đồng chí đảng viên trực thuộc đảng bộ quản lý và 7 đồng chí đảng viên đảng ủy quản lý theo quy định số 76 của đảng.

Bên cạnh siết chặt nền nếp, kỷ cương hành chính, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài ở cơ sở, xử lý nghiêm những sai phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên. Xã Chi Khê (Con Cuông) là địa bàn có nhiều sai phạm trong quản lý đất đai  kéo dài, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

Sai phạm, khuyết điểm của BCH Đảng bộ xã Chi Khê thể hiện: không chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng quy định về quản lý và sử dụng đất đai; không xử lý kịp thời, dứt điểm những vi phạm; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát kiểm tra để xảy ra việc vi phạm; không có biện pháp, cũng như giải pháp tham mưu về quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn, nắm bắt tình hình, tư tưởng, nhu cầu về đất ở của nhân dân để có biện pháp giải quyết. Sai phạm khuyết điểm trên đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị - TTATXH trên địa bàn, ảnh hưởng đến vai trò, uy tín lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, gây dư luận không tốt trong cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân.

Trước thực trạng trên, BTV Huyện ủy Con Cuông chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy vào cuộc và sau khi có báo cáo kết quả kiểm tra đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật đối với BCH Đảng bộ xã Chi Khê, với hình thức khiển trách vì đã vi  phạm Khoản 1, Điểm b, Điều 21 Quy định số 263-QĐ/TW ngày 08/10/2014 của BCH Trung ương về Quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng "thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm”.

Đối với các cá nhân có liên quan giao Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy thi hành các quyết định kỷ luật theo thẩm quyền; giao UBND huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện nói chung và đối với xã Chi Khê nói riêng; tiến hành làm việc với các ngành cấp tỉnh, căn cứ Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy xử lý, giải quyết dứt điểm về đất đai đối với các gia đình vi phạm  tại xã Chi Khê theo đúng quy định của Nhà nước, Luật Đất đai; chỉ đạo việc kiểm điểm, xem xét, xử lý nghiêm túc, phù hợp với lỗi phạm đối với tập thể UBND xã Chi Khê và cá nhân có liên quan đến sai phạm về lĩnh vực đất đai đã được BTV Huyện ủy kết luận.

Cán bộ xã Nam Cát, Nam Đàn trao đổi với người dân nắm tình hình cơ sở. Ảnh: Khánh Ly

Theo đồng chí Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông: Nguyên nhân của đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, hay phát sinh những điểm nóng chính là từ xử lý không dứt điểm những vi phạm kéo dài ở cơ sở. Do vậy, BTV Huyện ủy kiên quyết xử lý sai phạm liên quan đến đạo đức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức đã và đang gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Trong năm 2016, Huyện ủy Con Cuông đã thi hành kỷ luật 16 đồng chí vì những vi phạm liên quan đến việc thiếu trách nhiệm buông lỏng lãnh đạo quản lý, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; vi phạm quản lý tài chính ngân sách, vi phạm Quy định số 47QĐ-TW về những điều đảng viên không được làm. UBND huyện cũng chỉ đạo thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với bà Dương  Thị Hồng Lan, công chức địa chính - xây dựng xã Bồng Khê vì những vi phạm liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.

Đối với thành phố Vinh, với phương châm “muốn phát triển phải yên và yên để phát triển”, cấp ủy, chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp sửa đổi lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước. Nhất là ở văn phòng tiếp dân và bộ phận một cửa, ngoài bố trí cán bộ có năng lực, trách nhiệm, còn gắn camera để lãnh đạo thành phố có thể theo dõi việc giải quyết công việc cho dân.

Đối với những cán bộ, công chức vi phạm đạo đức công vụ sẽ bị xử lý nghiêm khắc, như  trong năm 2016,  ông Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1962) - Đội phó Đội quy tắc đô thị xã Nghi Phú (TP. Vinh) bị cơ quan công an bắt quả tang khi đang có hành vi nhận tiền hối lộ của 7 người dân có quầy bán hàng rong trước cổng Bệnh viện Hữu nghị  Đa khoa Nghệ An, đã bị xử lý buộc thôi việc. Hay trong vụ việc liên quan đến sai phạm đền bù GPMB ở phường Cửa Nam, vụ sập cần cẩu của Công ty Trường Thịnh làm một học sinh tử vong, sai phạm của các tập thể, cá nhân liên quan đều được chỉ đạo xử lý nghiêm.

Đồng chí Võ Viết Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí Thư Thành ủy Vinh cho biết: Bên cạnh việc ban hành Nghị quyết 02 (khóa XVIII) trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phường, xã, sẵn sàng “thay máu” đội ngũ cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Thành ủy đã giao cho các đồng chí trong BTV phụ trách các phường, xã có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức và người đứng đầu các phường, xã.

Tất cả khiếu nại phải giải quyết bằng các quyết định cụ thể. Cán bộ phải xây dựng uy tín với nhân dân, khi hứa với dân phải giải quyết đến nơi đến chốn. Các vấn đề liên quan đến quyền lợi của nhân dân nhất là trong GPMB giải quyết dự án, chính sách xã hội... Đều được nêu ra tại kỳ họp của BTV Thành ủy, giao ban hành chính của UBND thành phố để có kiểm soát, xử lý, phát huy vai trò của HĐND, MTTQ và các đoàn thể trong việc giám sát, việc giải quyết kiến nghị của nhân dân.

Nhờ đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Với cách làm này, trong thời gian qua nhiều vụ việc nổi cộm kéo dài hàng năm trời liên quan đến công tác khiếu kiện về đất đai đã được xử lý dứt  điểm với phương châm “sai phạm đến đâu xử lý đến đó, vướng mắc tại đâu tháo gỡ ở đó”.   Đối với các đồng chí trong BTV Thành ủy sẽ không có chuyện sự việc xảy ra trên địa bàn anh phụ trách mà anh lại không nắm được, không biết.

Cán bộ xã Nam Lộc, Nam Đàn kiểm tra mô hình kinh tế vườn đồi. Ảnh: Thanh Lê.

Bên cạnh các cách làm nêu trên, thì việc tỉnh đẩy mạnh các hoạt động thanh tra trách nhiệm gắn với thanh tra công vụ kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm cũng là giải pháp buộc các đơn vị phải không ngừng cải tiến lề lối, phương pháp làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhằm xây dựng bộ máy vận hành thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong đó lấy mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo...

Khánh Ly - Thanh Lê

TIN LIÊN QUAN