(Baonghean) - Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh" và Đề án số 07-ĐA/TU về "Nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên". Các chỉ thị, đề án này góp phần quan trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động.
Chấn chỉnh kỷ cương hành chính
Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17 –CT/TU, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện. Theo đó, các cấp, ngành tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện quy chế, quy định tại cơ quan, đơn vị về các nội dung của chỉ thị. UBND tỉnh đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thành lập 2 tổ khảo sát, kiểm tra tại một số địa phương, đơn vị. Cấp ủy, chính quyền huyện, thành, thị cũng chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị.
Với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, ngành, đặc biệt là tinh thần làm việc nghiêm túc; 2 tổ thuộc đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành của tỉnh đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại trong việc chấp hành Chỉ thị 17 ở các cơ quan, đơn vị. Đơn cử tại huyện Quế Phong, đoàn đã có văn bản thông báo kết quả kiểm tra, giám sát tại một số địa phương của huyện. Ngay sau đó, ngày 26/8, UBND huyện Quế Phong đã kịp thời chỉ đạo khắc phục và có báo cáo về kết quả với đoàn. Tại xã Quế Sơn, một trong những đơn vị còn tồn tại một số vấn đề nảy sinh, sau khi đoàn kiểm tra nhắc nhở, lãnh đạo xã đã tổ chức họp kiểm điểm, phân công cán bộ, công chức tiến hành khắc phục những tồn tại hạn chế; đồng thời đã xây dựng văn bản cụ thể các nội dung Chỉ thị 17 của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh…”.
Tổ 1 thuộc đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành của tỉnh từ đầu năm 2015 đến nay đã chỉ rõ: UBND các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, Con Cuông chưa tổ chức tốt bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, chưa bố trí hợp lý cán bộ theo lịch trực, chưa niêm yết công khai các bộ thủ tục hành chính theo quy định... Một số cán bộ, công chức chưa chấp hành nghiêm thời gian làm việc như ở xã Kim Liên, xã Nam Hưng (Nam Đàn). Thực hiện kiến nghị của Tổ kiểm tra, giám sát, UBND huyện Nam Đàn đã có Quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 2 cán bộ, công chức xã Nam Hưng…
Đánh giá kết quả sau gần 2 năm thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Lê Đình Lý, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Các cơ quan, đơn vị đã phổ biến, quán triệt đến toàn thể đảng viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhận thức và hành động trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đã có những chuyển biến tích cực; văn hóa công sở được quan tâm. Hầu hết bộ phận tiếp dân, tiếp nhận, trả kết quả theo cơ chế một cửa được các ngành, địa phương quan tâm, tổ chức bố trí hợp lý; các thủ tục được công khai, niêm yết rõ ràng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”.
Đổi mới tư duy, cách làm
Một dấu ấn lớn trong công tác tư tưởng nhiệm kỳ 2010 - 2015 của Đảng bộ tỉnh, đó là việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 07-ĐA/TU về "Nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên". Đề án thực sự tạo ra luồng gió mới trong nhận thức, tư duy và hành động của hệ thống chính trị, tạo sức lan tỏa trong cán bộ và nhân dân khi thực hiện nghị quyết của các cấp.
Xã Nghi Quang (Nghi Lộc) sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, đối với những diện tích đất sản xuất lúa cho năng suất kém, Đảng ủy đã khuyến khích các hộ dân thực hiện chuyển đổi xây dựng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, gia đình đảng viên Trần Xuân Ngọc, xóm Bắc Sơn 2, xã Nghi Quang có đến 6 mảnh ruộng nhưng sau khi dồn điền đổi thửa đã nhận gần 20.000 m2 đất ngập nước để đào ao nuôi cá rô phi đơn tính và nuôi ngan, vịt. Ông Ngọc cho biết: “Thực hiện mô hình chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao, sắp tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục đào thêm ao nuôi cá và tăng tổng đàn gia cầm…”. Tại xã Nghi Quang đã có 7 hộ chuyển đổi, xây dựng mô hình kinh tế sau dồn điền đổi thửa. Đồng chí Nguyễn Đình Tiến, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Đảng ủy xã đã có những chủ trương nhằm khuyến khích người dân đổi mới cách làm, tạo đột phá trong kinh tế. Đặc biệt, rất nhiều đảng viên đã mạnh dạn đi đầu xây dựng các mô hình, từ đó tạo động lực cho quần chúng nhân dân làm theo”.
Ban Thường vụ Huyện ủy Nghi Lộc đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 07 với nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, phát huy tốt những kết quả đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của BCH Đảng bộ huyện khóa XXV về “Tiếp tục đổi mới nhận thức, khắc phục tư tưởng bảo thủ trì trệ trong phát triển kinh tế ở Nghi Lộc”. Theo đó, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình, cách làm hay, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới dựa trên những thay đổi lớn về nhận thức, tư duy của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân. Đồng chí Nguyễn Tiến Cường, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: “Huyện đã đề ra 6 giải pháp trọng tâm, trong đó, nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu cao gương sáng; tăng cường bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng; nghiêm túc tự phê bình và phê bình; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đẩy lùi tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại”.
Mặc dù thời gian thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU và Đề án 07-ĐA/TU chưa lâu, nhưng với nhiều cách làm sáng tạo, phong phú, đa dạng tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương đã mạng lại hiệu quả rõ rệt. Trao đổi về những giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 17 và Đề án 07, đồng chí Lê Bá Hùng, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Điều lệ Đảng, gương mẫu chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước... các cấp ủy đảng cần thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên; phê phán tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại. Cấp ủy viên các cấp phải là những người gương mẫu trong mọi công việc, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên "vừa hồng, vừa chuyên". Nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên; đồng thời phải dựa vào dân để xây dựng Đảng.
Cùng đó, các ngành, địa phương luôn đổi mới cách thức thu hút đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu tránh nhiệm, chủ động, sáng tạo và từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự chỉ đạo, đầu tư từ cấp trên. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra sự bứt phá trong thời gian tới. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc vận động quần chúng nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên thông qua việc phản ánh trực tiếp và nhiều kênh khác để góp ý. Hàng năm, tổ chức cho cán bộ, đảng viên, các tổ chức cơ sở đảng đăng ký phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ với cấp ủy cấp trên và là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm. Đặc biệt, chú trọng phát hiện, biểu dương, khen thưởng những tổ chức đảng, những đảng viên có thành tích xuất sắc và có các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các tấm gương điển hình đó.
Để góp phần đưa Chỉ thị 17-CT/TU và Đề án 07-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày càng đi vào cuộc sống, các cơ quan báo chí có vai trò rất lớn trong việc thường xuyên tuyên truyền, nêu gương điển hình những tập thể, cá nhân gương mẫu; đồng thời phê phán các tổ chức, cá nhân vi phạm để kịp thời phê bình, chấn chỉnh”.
Bài, ảnh: Nhật Lệ