Bốn vấn đề chính được đưa ra thảo luận tại Hội nghị báo chí toàn quốc
Dự hội nghị có đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trương Minh Tuấn - Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thuận Hữu - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi - Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao sự đóng góp hiệu quả của giới báo chí và tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam. Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa vào sử dụng ứng dụng theo dõi việc gỡ, sửa bài trên báo điện tử, góp phần quản lý báo chí hiệu quả, ngăn chặn dần tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” trong thời gian qua…
Tất cả những biện pháp đó đã tạo chuyển biến mới trong hoạt động của Hội Nhà báo, góp phần tích cực chấn chỉnh kỷ cương trong hoạt động báo chí, củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh, khích lệ tinh thần cống hiến của các nhà báo vì lợi ích tối cao của đất nước và nhân dân.
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo. Clip: Đức Anh |
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ bên cạnh những ưu điểm và thành tích đạt được, thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động báo chí và Hội Nhà báo vẫn còn những thiếu sót, khuyết điểm cần sớm khắc phục trong thời gian tới.
Đó là một số cơ quan báo chí thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Có một số người cầm bút có biểu hiện suy thoái, có những bài báo không mang tính dẫn dắt dư luận mà đôi khi có tác dụng xấu. Vẫn còn tình trạng hội viên, nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nội dung, phương thức, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của một số cấp Hội chưa cao, vì vậy chưa tạo được sức thu hút, hấp dẫn người làm báo tham gia hoạt động Hội.
Nhất là trước sự phát triển của các phương tiện thông tin mạng xã hội, internet, các nhà báo có điều kiện để tác nghiệp thuận lợi hơn nhưng mặt trái của nó là tạo điều kiện cho những nhà báo lao động không nghiêm túc, hời hợt trong tác nghiệp xào xáo tin bài của nhau. Có những cây bút không bắt nguồn từ sứ mệnh của những người làm báo mà vì tiền, vì lợi, vì danh, vì sự tác động của lợi ích nhóm dẫn đến tha hóa. "Đây là vấn đề chúng ta cần khắc phục đẩy lùi trong thời gian tới"- đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và sự đóng góp quan trọng của báo chí, của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng; quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn đội ngũ người làm báo không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang và cao cả của mình, xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiệm vụ của Hội Nhà báo là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh và phức tạp, đất nước nói chung và hoạt động báo chí nói riêng đang đứng trước những thách thức không nhỏ.
Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó công nghệ thông tin và truyền thông phát triển rất nhanh, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Các cơ quan báo chí phải nhận thức rõ những xu thế mới là: Thông tin có tính tương tác trực tiếp, thông tin điện tử với mô hình truyền thông đa phương tiện sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Vì vậy, báo chí phải chủ động, đổi mới để có bước phát triển theo hướng này. Các cơ quan báo chí và người làm báo cần tiếp tục làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trong đó, cần giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nêu cao tinh thần cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Báo chí tiếp tục tập trung tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào cuộc sống.
Báo chí cũng cần tích cực lắng nghe từ cơ sở, phát hiện những nhân tố mới, mô hình hay, đúc kết kinh nghiệm tốt, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội; tăng cường công tác đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc và âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đất nước phát triển và hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu Hội Nhà báo Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, động viên, cỗ vũ người làm báo hoàn thành tốt trọng trách của mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Bên cạnh đó, Hội Nhà báo cần chú trọng công tác chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ người làm báo có tính chiến đấu, có phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng học tập, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, cập nhật công nghệ làm báo hiện đại, để có những tác phẩm báo chí thấm đẫm tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, nghiêm túc thực hiện Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
Nhấn mạnh yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra cho báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay hết sức nặng nề song Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng rằng với truyền thống tốt đẹp và những bài học kinh nghiệm quý từ thực tiễn, đội ngũ người làm báo Việt Nam ngày càng trưởng thành, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng./.