Anh Thái Dũng cho biết: “300gr tổ yến tôi đặt mua ở chỗ uy tín có giá 15 triệu đồng, đông trùng hạ thảo tươi 300gr giá 2 triệu đồng, kỷ tử, táo đỏ, hạt sen, hạt chia đi kèm 500 nghìn đồng nữa. Ngót nghét 20 triệu đồng để cả nhà hồi phục sau Covid. Theo lời khuyên thì mỗi tuần ăn 3 lần, ăn liên tục trong vòng vài tháng mới hiệu quả nên nếu đủ một liệu trình đó cho 6 thành viên thì phải hết 60-70 triệu đồng, số tiền quá lớn nhưng để hồi phục lại sức khỏe thì cũng đành “cắn răng”.
Bình thường, tổ yến được xem là món ăn xa xỉ vì giá cả khá đắt đỏ nên kén khách mua. Thế nhưng, vài tháng trở lại nay, số ca F0 gia tăng thì mặt hàng này lại rất hút khách. Chị Trần Nguyệt, một người kinh doanh yến sào online cho biết: “Thời gian gần đây, số lượng yến sào tôi bán ra tăng 50% so với trước. Có thời điểm “đứt hàng” khi người mua nhiều mà hàng về không kịp. Đặc biệt, như đông trùng hạ thảo, có khi cả tháng trời lỡ đơn hàng của khách vì nguồn cung khan hiếm. Giá cả các loại thực phẩm bổ dưỡng này cũng tăng 20-30% so với trước”.
Không chỉ yến thô, yến tổ mà mặt hàng yến chưng sẵn cũng rất đắt khách. Trung bình một ngày, chị Hồ Lê, một người kinh doanh yến chưng sẵn ở phường Lê Lợi (TP.Vinh) nhận được các đơn hàng từ 100-150 hũ yến chưng sẵn, chủ yếu là từ người quen. Chị Lê cho biết: “Trước em chỉ nấu chè bán. Đợt dịch từ năm ngoái đến nay em thêm món yến chưng. Giờ đầu mùa hè nhưng em chỉ tập trung vào mặt hàng yến chưng sẵn do nhu cầu khách tăng cao, trong khi chưng yến khá kỳ công và mỗi người một yêu cầu riêng về vị khác nhau. Có những hôm, đơn hàng quá tải, phải huy động thêm nhân công để sơ chế tổ yến, đóng gói và giao hàng cho khách”.
Nhu cầu tăng nên mặt hàng yến sào có thời điểm khan hiếm, giá cả tăng cao. Theo các chủ kinh doanh cho biết, giá yến sào hiện tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thị trường hiện tại, tổ yến thô chưa nhặt lông có giá dao động từ 2,5 - 3 triệu đồng/lạng; yến tinh chế từ 4 - 5 triệu đồng/lạng; chân yến thô từ 2,2 - 2,7 triệu đồng/lạng; huyết yến đảo từ 7 - 10 triệu đồng/lạng; bạch yến đảo giá từ 5 - 7 triệu đồng/lạng; yến vụn giá từ 500.000 - 1 triệu đồng/lạng. Các set yến (bao gồm kỷ tử, táo đỏ, hạt sen, hạt chia) đã sơ chế có giá khoảng 450.000 - 500.000 đồng/set; yến chưng sẵn có giá từ 80.000 - 180.000 đồng/hũ (tùy theo thể tích và dược liệu chưng kèm). Các dụng cụ như: hũ chưng yến, nồi chưng yến cách thủy… cũng rất “đắt hàng”.
Cùng với yến sào, đông trùng hạ thảo, các loại sâm, nhụy hoa nghệ tây… cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để bồi bổ cho gia đình trong mùa dịch. Bên cạnh đó, các nhà thuốc cũng đồng loạt tung ra các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là “bổ sung dinh dưỡng hậu Covid-19” với đủ loại ngũ cốc, vitamin… có giá từ vài trăm nghìn đồng/hộp đến hàng chục triệu đồng.
Anh Nguyễn Hữu Hoàn, chủ cửa hàng thuốc tại thị trấn Đô Lương cho biết: “Thời gian này, số lượng người mua thuốc điều trị Covid-19, kit test giảm trong khi đó, lượng người mua thực phẩm chức năng, các loại vitamin tăng, khoảng vài chục lượt khách/ngày. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm có chứa thành phần của các loại dược liệu cao cấp như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, nhân sâm…
Trên các trang mạng xã hội, các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo với tác dụng bồi bổ cơ thể, tốt cho phổi cũng được rao bán tràn lan với đủ các loại từ sản xuất trong nước đến các loại nhập khẩu từ Anh, Úc, Nhật, Hàn Quốc... và số lượng người đặt mua khá đông.
Việc bồi bổ sức khỏe sau khi mắc bệnh là cần thiết. Ngoài bổ sung bằng các thực phẩm có trong bữa ăn hàng ngày thì có thể bổ sung thêm thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, người tiêu dùng hết sức cẩn trọng khi lựa chọn các sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, bởi việc sử dụng thực phẩm chức năng giống như "dao hai lưỡi", nếu bổ sung không đúng cách sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Cùng với đó, tình trạng các sản phẩm bồi bổ kém chất lượng cũng xuất hiện khá nhiều và khó kiểm soát./.