(Baonghean) - Đồng chí Lê Quang Đạt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Thanh Chương trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An
Lãnh đạo huyện trao đổi với nhà đầu tư về tiến độ thực hiện dự án may xuất khẩu tại xã Thanh Tiên. Ảnh: H.N
Phóng viên: Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2010 – 2015, Thanh Chương tiếp tục khẳng định những bước phát triển mới với một số dấu ấn rõ nét. Xin đồng chí cho biết những kết quả cụ thể nổi bật?
Đồng chí Lê Quang Đạt: Nhận định rõ được các yếu tố thuận lợi cũng như khó khăn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết sát đúng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với các giải pháp đồng bộ, tạo ra những kết quả khá toàn diện và quan trọng. 
Tốc độ tăng trưởng bình quân 2011 - 2015 đạt 13,5%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 11,9 triệu đồng đầu nhiệm kỳ lên 24 triệu đồng năm 2015 (ước tính). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Trên cơ sở xác định kinh tế nông nghiệp là trọng tâm, then chốt, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chọn khâu chuyển đổi ruộng đất để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Kết quả, 38/38 xã, thị trấn đã hoàn thành việc chuyển đổi trong năm 2014 (trừ 2 xã tái định cư), giảm bình quân từ 5,6 vùng/hộ xuống 2,33 vùng/hộ, trong đó có 14,73% hộ chỉ nhận 1 vùng. Gắn với chuyển đổi ruộng đất, huyện tập trung đổi mới cơ cấu cây trồng, đưa nhanh tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhờ vậy, nông nghiệp Thanh Chương liên tục được mùa, đạt mục tiêu ổn định sản lượng lương thực với 100.000 - 105.000 tấn/năm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; Năm 2014 xã Thanh Lĩnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 7 xã đã đạt 17 - 18 tiêu chí; bình quân toàn huyện đạt 11,74 tiêu chí/xã.
Lãnh đạo huyện Thanh Chương thăm mô hình trồng bưởi Diễn ở xã Thanh Liên. Ảnh: Hữu Nghĩa
Huyện cũng chủ động phát huy nội lực, tranh thủ tốt ngoại lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó các công trình trọng điểm có vị trí chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 cơ bản được triển khai thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng. Nổi bật là cầu Dùng và tuyến đường từ trung tâm huyện đi khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, giai đoạn 1; cầu treo Rạng; đường từ Chợ Chùa đi Thanh Đức nối đường Hồ Chí Minh; đường Thanh Đồng đi Thanh Phong và Tràng Minh (Đô Lương); đường từ Võ Liệt đi Thanh Xuân nối Quốc lộ 46 với đường Hồ Chí Minh... Hệ thống đường giao thông huyện đến các trung tâm xã cơ bản được nhựa hóa. Toàn huyện đã có 544 km đường nhựa và 642 km các trục đường liên thôn được bê tông hóa; 1.107 km đường cấp phối. Hệ thống trạm bơm, hồ đập, kênh mương được nâng cấp đầu tư xây dựng phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.... 
Tổng thu hút đầu tư xã hội cả nhiệm kỳ ước đạt 9.000 tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư có nhiều tiến bộ. Trong nhiệm kỳ, huyện thu hút được 3 dự án lớn, gồm Nhà máy may xuất khẩu Thanh Tiên; Tổ hợp sản xuất tinh dầu dược liệu công nghệ cao Thanh Thủy; Nhà máy sản xuất gỗ thanh và than sạch Thanh Xuân. Thu ngân sách có bước tăng trưởng khá, từ 36 tỷ đồng đầu nhiệm kỳ lên 85 tỷ đồng cuối nhiệm kỳ.
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, huyện tập trung củng cố, nâng cao chất lượng ngành Giáo dục để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực. Nhờ vậy, phong trào giáo dục huyện Thanh Chương trong 4 năm qua liên tục được tỉnh xếp tốp đầu. Bệnh viện Đa khoa huyện liên tục được tỉnh xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và năm 2014 được UBND tỉnh có quyết định nâng thành bệnh viện hạng II. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo được cả hệ thống quan tâm vào cuộc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,5%.
Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nổi bật là công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đến nay, 100% đội ngũ cán bộ cấp trưởng phòng đều có trình độ chuyên môn đại học trở lên và trình độ cử nhân, cao cấp chính trị; cấp phó phòng 100% có trình độ đại học trở lên và cơ bản có trình độ chính trị cử nhân hoặc cao cấp. Công tác phát triển đảng viên  đạt  chỉ tiêu cả về chất lượng lẫn số lượng, cả nhiệm kỳ có 1.654 đảng viên được kết nạp mới.
Phóng viên: Vậy Đảng bộ huyện có băn khoăn, trăn trở như thế nào trong nhiệm kỳ qua, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Quang Đạt: Bên cạnh nhiều kết quả tích cực, trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, thẳng thắn để có biện pháp khắc phục trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Đó là: 
Thứ  nhất, có 6 chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX không đạt kế hoạch. Kinh tế của huyện chưa có bước bứt phá trong chuyển dịch cơ cấu, vẫn là nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. Lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, doanh nghiệp chậm phát triển. 
Thứ hai, một số vấn đề trong lĩnh vực xã hội như tệ nạn ma túy, tội phạm hình sự còn diễn biến phức tạp. Công tác tư tưởng chưa đáp ứng kịp yêu cầu; chậm khắc phục tư tưởng bảo thủ, ngại khó, cực đoạn trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là lực cản lớn cho sự phát triển của huyện.
Thứ ba, trong công tác quản lý, đánh giá, phân loại cán bộ còn nhiều hạn chế, chưa sâu sát. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, của đảng viên còn nhiều bất cập, hữu khuynh, né tránh, nhưng chậm được phát hiện, khắc phục dẫn đến bị kỷ luật, tạo bức xúc trong dư luận nhân dân, giảm niềm tin của quần chúng nhân dân, làm cho phong trào của Đảng bộ huyện cả nhiệm kỳ không đạt vững mạnh.
Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ một số bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo ở nhiệm kỳ 2010 - 2015?
Đồng chí Lê Quang Đạt: Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ, chúng tôi có những bài học kinh nghiệm được rút ra như sau:
Thứ nhất, phải thường xuyên quan tâm chăm lo công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là nhận thức về sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, hội nhập. Khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ỷ lại, chủ quan, thoả mãn… 
Thứ hai, Ban hành chủ trương đúng, xây dựng chương trình hành động cụ thể, có tính khả thi; phân công trách nhiệm rõ ràng, chỉ đạo tập trung, dứt điểm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện. Huy động nội lực, tranh thủ ngoại lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ là yếu tố quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững. 
Thứ ba, luôn giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị, làm hạt nhân cho sự đoàn kết, đồng thuận chung. Công khai, dân chủ, thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình; phát huy trí tuệ, sức mạnh của tập thể là khâu quyết định cho sự đoàn kết trong Đảng, tạo niềm tin cho nhân dân.
Thứ tư, thường xuyên chăm lo nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Đổi mới phong cách lãnh đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát để khắc phục kịp thời các khuyết điểm, sai sót. Sâu sát cơ sở, quan tâm đúng mức đến việc lựa chọn, quy hoạch, bố trí đúng cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và cán bộ chủ chốt cơ sở. Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Luôn biết tin tưởng và dựa vào sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân.
Phóng viên: Để Thanh Chương tiếp tục có bước phát triển cao hơn, phấn đấu trở thành huyện khá của miền Tây Nghệ An, Đảng bộ huyện đặt ra những định hướng và mục tiêu ở nhiệm kỳ 2015 - 2020 như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Quang Đạt: Bước vào nhiệm kỳ 2015 – 2020, Thanh Chương có những thuận lợi và cơ hội mới. Theo đó, các mục tiêu đặt ra:
Thứ nhất, tích cực đổi mới và chủ động hội nhập, khai thác triệt để có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế đã và sẽ có, phấn đấu xây dựng Thanh Chương trở thành huyện khá trong các huyện miền Tây của tỉnh. 
Thứ hai, có cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng hướng, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. 
Thứ ba, văn hóa- xã hội ngày càng phát triển lành mạnh; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội đảm bảo; hệ thống chính trị vững mạnh. Chính quyền và các đoàn thể quần chúng đạt xuất sắc; Đảng bộ huyện đạt Vững mạnh cả nhiệm kỳ.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
 Mai Hoa  (Thực hiện)
Một số chỉ tiêu chủ yếu Đảng bộ huyện Thanh Chương phấn đấu đến năm 2020:
1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt từ 9,5% đến 10,5%. 
2. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 55 - 60 triệu đồng.
3. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp, thủy sản: 24 - 25%; công nghiệp - xây dựng: 35 - 36%; dịch vụ: 40 - 41%.
4. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2020 đạt trên 158 - 195 triệu đồng.
5. Có 50% xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. 
6. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 20.000 - 22.000 tỷ đồng.
7. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm 3 - 4%.
8. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 70 - 75%; Tỷ lệ xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế (giai đoạn 2012-2020) là 80-85%.
9. Phấn đấu 90% xã, thị trấn đạt cơ sở ATLC - SSCĐ vững mạnh hàng năm; 85% xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị xếp loại hàng năm đạt khá trở lên về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
10. Phấn đấu hàng năm Đảng bộ huyện đạt danh hiệu “Vững mạnh”.