Nuôi nhốt không gắn chíp
Quỳnh Lưu từng được biết đến là địa phương có phong trào nuôi động vật hoang dã nhằm mục đích thương mại mạnh nhất tỉnh, nhất là loài gấu. Tại thời điểm từ 2005- 4/2017, trên địa bàn có tới 13 hộ nuôi gấu với 42 cá thể. Trong đó có 37 cá thể đực, 5 cá thể cái, tất cả đều thuộc loại gấu ngựa và đã được cơ quan chức năng gắn chíp điện tử.
Hiện nay, chỉ còn 4 hộ nuôi với 16 cá thể, trong đó 12 cá thể đực, 4 cá thể cái. Theo ông Nguyễn Tất Hà - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu, nguyên nhân là bởi từ thời điểm tháng 5/2017 đến nay số gấu nuôi đã bị chết 24 con, do gấu già yếu, bệnh.
Theo trình bày của hộ nuôi này thì có 6 cá thể gấu được ông vận chuyển từ xã Quỳnh Yên (nơi ông đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nuôi nhốt gấu) về xã Quỳnh Ngọc và 3 cá thể gấu mới mua từ ngày 2/4/2019, chưa được gắn chíp.
Theo quy định của pháp luật, hành vi nuôi nhốt các cá thể gấu không đăng ký hoặc không được gắn chíp đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Siết chặt quản lý
Theo ông Nguyễn Tất Hà - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu: Hạt Kiểm lâm địa phương đi kiểm tra phần lớn chỉ kiểm đếm đơn thuần về số lượng cá thể theo như đăng ký, bởi mặc dù gấu đã được gắn chíp điện tử, nhưng đơn vị không có thiết bị đọc chíp, trong quá trình vệ sinh chuồng nuôi có sự xáo trộn nên việc xác định con nào thuộc chíp nào, hộ nuôi có di chuyển, phát sinh nuôi mới hay không cũng rất khó phát hiện.
Theo ông Hà, chíp do Cục Kiểm lâm gắn, việc kiểm tra trước đây cũng do Cục, nhưng hiện nay mỗi Chi cục chỉ được trang bị một cái, Hạt có muốn sử dụng cũng phải đề xuất để mượn.
Còn ông Nguyễn Viết Khánh - phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thành cho rằng, chuồng nuôi của các hộ trong khuôn viên nhà ở, gia đình thường xuyên đi làm ăn, vì vậy việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, chuồng trại chật hẹp, để gấu chống chọi được với khí hậu trong chuồng nuôi, tránh được bệnh tật, quy trình chăm sóc, cho ăn khá nhiều vất vả.
Nhưng trên thực tế mặc dù tuyên truyền vận động nhưng chưa có hộ nào tự nguyện giao nộp gấu cho Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, chỉ khi nào gấu chết các hộ mới báo cơ quan chức năng kiểm tra xác định nguyên nhân và xử lý theo Quyết định số 95/2008/QĐ- BNN ngày 29/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành quy chế quản lý gấu nuôi.
Theo một số kiểm lâm viên, cũng như cán bộ địa phương: phần lớn các hộ đều nói “nuôi làm cảnh”, “coi gấu như thành viên trong gia đình”, không còn chích hút lấy mật như trước đây nhưng trên thực tế rất khó giám sát vấn đề này.
Riêng tình trạng nuôi nhốt gấu trái phép tại huyện Quỳnh Lưu vừa qua, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trước mắt cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động để hộ nuôi gấu này tự nguyện giao nộp gấu cho Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật... Trên cơ sở đó, sẽ kiên quyết ngăn chặn và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi nuôi nhốt gấu không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp.
Các địa phương cần tuyên truyền, vận động để hộ nuôi gấu tự nguyện giao nộp gấu cho Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định của pháp luật về nuôi nhốt gấu, phổ biến các quy định của pháp luật nghiêm cấm các hành vi buôn bán nuôi nhốt gấu; thường xuyên kiểm tra, cập nhật số lượng gấu nuôi nhốt trên địa bàn để từ đó phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi nuôi nhốt gấu trái phép.
Cùng với đó, kiên quyết ngăn chặn và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi nuôi nhốt gấu không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo không tăng số lượng gấu nuôi nhốt và tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc nuôi nhốt gấu bất hợp pháp.
Các hành vi vi phạm liên quan đến gấu, tùy theo mức độ nghiêm trọng và tang vật có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tiền tối đa là 2 tỷ đồng hoặc phạt tù 15 năm (Điều 244, Bộ luật Hình sự 2015 - sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018).