(Baonghean.vn) - Sợi dây cuối cùng nối 3 người con câm điếc với cuộc đời, người mẹ Đào Thị Thư, đã tắt nghỉ ngày 3/10/2012 ở tuổi 67, để lại là cả một câu chuyện tận khổ và biết bao nỗi lòng day dứt.
Nhiều người dân ở khối 9, thị trấn Con Cuông - huyện Con Cuông- tỉnh Nghệ An đều biết đến hoàn cảnh hiện nay của gia đình bà Đào Thị Thư vì một đời tận khổ cùng đàn con ngơ ngẩn, tật nguyền. Cho đến lúc bà trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, ánh mắt cuối vẫn còn hướng về, day dứt khôn nguôi nơi những người con chưa hề biết về một ngày được làm người đúng nghĩa, vẫn chìm sâu trong cõi không có tiếng người. Giờ mẹ mất đi, cả Trần Thị Huệ (42 tuổi), Trần Thị Lan (1976), Trần Công Sơn (1983), làm sao còn có người nói chuyện bằng tay với họ. Chỉ có mẹ hiểu chúng con, nay mẹ đã thác rồi, bơ vơ, côi cút và tật nguyền. Làm sao để chúng con còn tiếp tục được sống, được có chút công việc dẫu nhỏ nhoi đến mà sống, để đêm đêm 3 chị em run rẩy, mò mẫm dìu nhau thắp hương cho cha mẹ.
Ông Trẩn Ngọc Bình và bà Đào Thị Thư vốn cùng quê ở xóm Vĩnh Tuy (xã Vĩnh Thành, Yên Thành), hai người kết hôn với nhau trong cảnh nghèo quay quắt của một thời bữa cơm cũng biết tủi phận nghèo. Năm 1959, ông Bình lên xứ Lam Sơn chướng khí của đất Con Cuông để làm công nhân lâm trường huyện, những tưởng kiếm thêm củ sắn, bắp ngô gửi về đỡ đói lòng vợ lúc tháng Ba, ngày Tám. Ỏ quê nhà, bà Thư làm giáo viên vỡ lòng từ năm 1961, đến năm 1966, bà theo chồng lên làm công nhân lâm trường Bãi Phủ. Một đời gắn với cây chè, năm 1989, bà nghỉ hưu với chút lương công nhân còm cõi. Thật đau xót, năm 1990, ông Trần Ngọc Bình, chồng bà đã đột ngột mất đi sau một tai nạn lao động thương tâm. Từ đó, cả đàn con khi đã bú kiệt bầu sữa mẹ, nay lại sống bám vào chút lương hưu thấp thỏm của bà.
Tổng cộng, trong cuộc đời làm vợ ngắn ngủi của mình, bà đã sinh hạ cho ông 6 người con, 3 người trong số đó đều bị tật câm điếc bẩm sinh, đều không hề có công ăn việc làm bởi mắt nay đã mờ dần, 3 người con còn lại cũng chưa có công ăn việc làm ổn định, tiện đâu làm đó, ăn bữa này không biết bữa mai. Bà Thư bị chứng bệnh tiểu đường hàng chục năm nay, nhưng không hề có tiền chữa trị, đành để vậy mà xót xa thương cho đàn con nhiều tuổi mà ngơ ngác, chỉ biết quẩn quanh chân mẹ. Khoảng tháng 7 vừa rồi, vì bệnh nặng qúa, bà đành vay mượn xóm làng mấy trăm ngàn đồng xuống BV Nội tiết tỉnh để nằm, và rồi bà nằm luôn khi toàn thân đã bị phù nề, không phương cứu chữa. BV trả bà về trong thoi thóp, suy kiệt, khi trút hơi thở tàn bàn tay xám dần vẫn cố mở ra, hướng về 3 người con tàn tật.
Chị Trần Thị Huế với công việc duy nhất có thể làm được: giặt quần áo bằng chiếc chậu nhựa vỡ
Cả 3 người con tật nguyền của ông bà, chỉ có một người được trợ cấp chừng 150.000 đồng/tháng. Cả 3 người đều bị bệnh câm điếc bẩm sinh, nay lại thêm chứng bệnh làm mắt mờ dần, không thể tự làm việc như những người tật nguyền khác. Trong căn nhà ngập khói hương bên linh cữu người mẹ, chị Trần Thị Huệ (42 tuổi) bưng mặt khóc không ra tiếng, tiếng khóc của người câm. Chị Trần Thị Lan, anh Trần Công Sơn ngơ ngẩn nhìn về nơi mẹ nằm với cặp mắt mờ đục, không biết mai này ai sẽ dẫn mình ra giếng, dẫn mình quét sân? Khi còn mẹ, cả 3 chị em chỉ biết ngồi thơ thẩn suốt ngày ở mỗi xó nhà ẩm thấp, hoặc lụi cụi kéo chiếc chậu nhựa đã vỡ ra giếng, mò mẫm giặt quần áo, hoặc rờ rẫm quét mẩu sân mốc meo ẩm ướt. Đến bữa, người mẹ bệnh tật lại cất tiếng kêu để cả 3 dắt díu nhau vào cùng ăn bữa cơm trong tù mù ánh đèn dầu.
Cả 3 người con câm, điếc bên giường bệnh của mẹ phút lâm chung
Bây giờ, bà Đào Thị Thư đã mất, mất luôn cả nguồn sống cuối cùng của 3 người con tật nguyền, không vợ, không chồng còn lại. Ngay cả giao tiếp với cuộc sống, họ cũng chỉ ra hiệu cho mẹ hiểu. Nay thì... họ chẳng biết sẽ sống làm sao. Qua nhịp cầu của Báo Nghệ An, mong những bàn tay nhân ái giúp 3 chị em tật nguyền sống nốt kiếp người tủi cực, cho người mẹ, người cha còn chút thanh thản ở suối vàng.