(Baonghean) - Không chỉ nổi tiếng với thương hiệu chè Gay xứ Nghệ, mấy năm trở lại đây, Cao Sơn (Anh Sơn) còn phát huy thế mạnh cây rễ hương trên đất vườn đồi. Đây đang là cây trồng mới trong cơ cấu cây trồng được ưu tiên phát triển kinh tế, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.

 Anh Nguyễn Trọng Chín ở xóm 4, xã Cao Sơn thu hoạch rễ hương.
Anh Nguyễn Trọng Chín ở xóm 4, xã Cao Sơn thu hoạch rễ hương.

Về thăm Cao Sơn đúng mùa bà con nơi đây đang thu hoạch cây rễ hương. Năm nay, bà con phấn khởi vì cây rễ hương mới đưa vào trồng nhưng được mùa, được giá. Từ năm 2006 anh Nguyễn Trọng Chín - xóm 4 xã Cao Sơn đã chuyển 8 sào đất đồi trồng sắn, trồng tràm sang trồng cây rễ hương. Trồng cây rễ hương chỉ cần chú trọng khâu làm đất, bón phân, giai đoạn cây nảy mầm chú trọng bón đạm, vun gốc, sau 10 tháng có thu hoạch.  Theo anh Chín thì giá sản phẩm rễ hương mấy năm gần đây ổn định từ 30 ngàn đến 35 ngàn đồng/kg. Theo tính toán, 1 sào rễ hương thu hoạch được 1 tấn sản phẩm rễ tươi tương đương 4 tạ sản phẩm khô. Sau khi trừ đi chi phí lãi 7-12 triệu đồng/sào. Từ đầu năm đến nay gia đình anh thu trên 120 triệu đồng từ thu hoạch rễ hương. Anh Chín vui vẻ: Thấy hiệu quả cao nên bà con nông dân các xóm 4, xóm 5 và xóm 9 đã thu hoạch hết tràm để trồng rễ hương. Để thuận lợi trong thu hoạch và thu mua sản phẩm cho bà con trong xã, tôi đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua máy ép rễ giúp giảm một nửa công sức chế biến thủ công. Thị trường cho sản phẩm rễ hương đang rất thịnh, nhất là tại thị trường nội tỉnh và các tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, sản phẩm làm ra không kịp cung cấp cho thị trường.

Cao Sơn là xã miền núi khó khăn của huyện Anh Sơn. Đất đai tự nhiên rộng, gần 80% diện tích đất đồi rừng. Mấy năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa 17 nhiệm kỳ 2010 - 2015 về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, việc phát triển kinh tế vườn đồi được xã chú trọng. Bên cạnh việc đầu tư phát triển, thâm canh, tấp tủ trên 400 ha cây chè thực phẩm thì cây rễ hương được bà con lựa chọn vì đặc tính thích nghi và hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, quan điểm của xã là trồng cây rễ hương trên đất đồi nhưng không phá vỡ diện tích trồng chè thực phẩm.

Ông Phạm Viết Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết:  Từ những năm  2002, cây rễ hương được trồng tại các khu vườn đồi. Nhận thấy lợi nhuận so với cây keo và nhiều cây trồng khác, từ năm 2010 đến nay, có trên 200 hộ phát triển cây rễ hương trên đất vườn đồi, nâng diện tích lên đến 70 ha. Nhiều hộ bỏ vốn đầu tư máy nghiền bột rễ hương bán với giá cao. Từ hiệu quả trên thực tế, UBND xã đã xây dựng “ Dự án phát triển trồng cây rễ hương trên đất vườn đồi xã Cao Sơn” do Hội Nông dân chủ trì. Quy mô dự án trên 40 ha, thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 đến hết năm 2014 với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ, thu hút 40 hộ tham gia. Dự án hỗ trợ  62 triệu đồng/ha bao gồm công đầu tư máy múc, giống, phân bón. Đến thời điểm này, dự án trồng rễ hương trên địa bàn đã tạo điều kiện cho 40 hội viên nông dân tham gia dự án thu nhập trên 95 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nhờ phát triển trồng rễ hương, thu hoạch rải vụ, bán rải vụ tạo điều kiện cho hàng trăm lao động địa phương có thêm thu nhập. Cùng với cây chè thực phẩm, cây rễ hương là mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định và là cây làm giàu trên đất vườn đồi Cao Sơn.

Thời gian tới, xã Cao Sơn phấn đấu trồng 25 - 30 ha rễ hương/năm trên các diện tích đất tận dụng, đất vườn đồi kém hiệu quả. Tuy nhiên, qua trao đổi với ông Thủy thì hiện nay, khó khăn nhất là chi phí đầu tư cho trồng rễ hương tương đối cao, bình quân trên 15 triệu đồng/ha. Nhiều hộ khó khăn khó có đủ điều kiện để đầu tư trồng. Kể cả một số hộ đã trồng song điều kiện đầu tư cho máy ép sấy sản phẩm sau thu hoạch hạn chế. Khâu thu hoạch rễ hương đòi hỏi nhiều công, một số hộ thu hoạch chưa có điều kiện đầu tư máy móc gây nên tâm lý chùn bước trong đầu tư…

Lương Mai