(Baonghean) - Từ xưa, đất bãi ven sông ở Nghệ An là vùng sản xuất "được chăng hay chớ". Từ khi triển khai thí điểm mô hình ngô biến đổi gen, tiềm năng đất bãi đã được đánh thức...

Kiểm tra mô hình ngô biến đổi gen tại huyện Hưng Nguyên.
Kiểm tra mô hình ngô biến đổi gen tại huyện Hưng Nguyên.

Hưng Lĩnh - một trong những xã có phong trào trồng ngô nói chung và ngô trên đất bãi khá sớm của huyện Hưng Nguyên. Thời điểm chúng tôi đến đang là cao điểm người dân thu hoạch ngô để bán cây cho các nhà máy chăn nuôi gia súc. Trên đồng, xe tải đủ các loại biển từ Thanh Hóa, Nghệ An và một vài tỉnh phía trong đến tận chân ruộng để mua ngô xanh làm thức ăn cho gia súc.

Ông Hồ Quang Thông - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lĩnh cho biết: Không chỉ Công ty CP chuỗi thực phẩm TH mua ngô nguyên cây cho bà con nông dân Hưng Lĩnh theo hợp đồng phối hợp giữa huyện và đơn vị mà còn có một số doanh nghiệp khác như Hoàng Anh Gia Lai, Thanh Hóa và Trại chăn nuôi ở Nghi Lộc.

Với 65 ha đất, năng suất cao, ngô gần như đã chọn được chỗ đứng trong cơ cấu mùa vụ hàng năm ở Hưng Lĩnh. Vụ xuân năm nào người dân cũng trồng, dù trồng bán cây xanh hay bán hạt, giá trị thu đạt 1,5 triệu đồng/sào.

Nếu trồng bằng giống ngô thông thường có đặc điểm là cỏ mọc nhiều nên mất nhiều công sức làm cỏ. Bên cạnh đó, khả năng chống chịu sâu bệnh kém nên ngô thường bị sâu đục thân dẫn đến không có hiệu quả kinh tế.

Chính vì vậy, trên cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn của huyện, vụ xuân này HTX đã tổ chức vận động bà con tham gia trồng. Với 97 hộ dân, HTX đã triển khai trồng được 5 ha từ ngày 24/12/2015 đến 24/4/2016 và hiện đã cho thu hoạch.

Bà con nông dân xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) thu hoạch ngô xanh bán cho các công ty chăn nuôi gia súc.

Sau 4 tháng triển khai, ngoài năng suất thu hoạch trên thực tế được 1 tấn/sào, tương đương với 20 tấn cây/ha, giá trị đạt 18 triệu đồng, cao hơn ngô thông thường (chỉ khoảng 15 tấn/ha, giá trị khoảng 1,4 - 1,5 triệu đồng/sào). 

Hiện xã Hưng Lĩnh có khoảng 65 ha đất bãi có thể trồng ngô nhưng cơ cấu ngô biến đổi gen còn chiếm tỷ lệ thấp. Ngoài mô hình 5 ha thí điểm có sự hỗ trợ của huyện thì chưa có thêm diện tích nào của người dân tự triển khai. 

Ưu điểm của ngô biến đổi gen mặc dù mới trồng thử nhưng cho thấy khả năng chống chịu bệnh tốt, khả năng kháng cỏ cao (có thể dùng thuốc trừ cỏ) và phát triển tốt nên được bà con nông dân rất đồng tình.

Toàn huyện Hưng Nguyên hiện có 9 xã có đất bãi ven sông, diện tích có thể trồng ngô lên tới 750 ha. Với những ưu điểm trên, cây ngô biến đổi gen có rất nhiều tiềm năng phát triển ở Hưng Nguyên. 

Tuy nhiên, cản trở hiện nay là nguồn giống ngô phần lớn phải nhập khẩu và Viện giống ngô trong nước mới chỉ sản xuất được số lượng ít nên giá khá đắt. Mỗi ha ngô cần 16 kg giống, với giá 180.000 đồng/kg chi phí giống gần 2,9 triệu đồng/ha là một rào cản không nhỏ. 

 Nguyễn Hải

TIN LIÊN QUAN