"Ở quê tôi người dân hay dùng cây gai để làm bánh. Nhiều người cho rằng cây gai còn chữa được bệnh. Xin bác sĩ cho biết rõ hơn".

792839_small_94100.jpg 

Cây gai còn gọi là trữ ma, tên khoa học Boehmeria nivea (L) Gaud, (Urtica nivea L). Đây là cây mà ta vẫn dùng lá làm bánh gai ăn và sợi để dệt làm lưới đánh cá. Cây sống lâu năm, có thể cao tới 1,5-2 m. Lá lớn, mọc so le, hình tim, dài 7-15 cm, rộng 4-8 cm, mép có răng cưa, đáy lá hình tim hay hơi tròn, mặt dưới trắng vì có nhiều lông trắng, mặt trên có màu lục sẫm, dáp, có 3 gân từ cuống phát ra.

 

Hoa đơn tính cùng gốc. Hoa đực có 4 lá đài và 4 nhị. Hoa cái có đài hợp và chia làm 3 răng. Quả bế mang đài tồn tại. Rễ hái vào bất cứ mùa nào, nhưng tốt nhất là vào thu đông. Hái về rửa sạch đất phơi hay sấy khô.

Cây này được trồng ở khắp nơi trong nước để lấy sợi hay lấy lá. Rễ ít được khai thác, người ta đào rễ về rửa sạch đất, cắt thái miếng hoặc để nguyên rồi phơi khô hay sấy khô làm thuốc.

Về tác dụng dược lý, chưa có tài liệu nghiên cứu. Thường nhân dân dùng làm thuốc an thai (đang có thai ra huyết và đau bụng) hoặc làm thuốc chữa sa dạ con. Theo Đông y, rễ gai vị ngọt tính hàn, không độc; có tác dụng tả nhiệt, tán ứ, chữa đơn độc, thông các chứng lâm (đi đái dắt) chữa sang lở, thông tiểu tiện. Không phải bệnh thực nhiệt không dùng.

An thai: Rễ cây gai mới hái hoặc phơi khô 30 g sắc với 600 ml nước, cô làm 200 ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Chỉ 1-2 ngày là có kết quả, không nên kéo dài.

Lợi tiểu: Rễ và lá trung bình 10-30 g sắc với nước uống.


Theo Sức Khỏe & Đời Sống - NT