(Baonghean) - Bây giờ tiếng nói của già làng Và Phái Tểnh (Bố của liệt sỹ - anh hùng llvt và bá giải) ở xã Mường Lống (Kỳ Sơn)  luôn được đồng bào dân tộc Mông coi trọng. Bởi ông không chỉ là người cán bộ gương mẫu khi đang công tác, mà khi đã nghỉ hưu ông vẫn luôn một lòng nghĩ đến sự phát triển chung và những lợi ích cho mọi người dân.

Ông Và Phái Tểnh ở xã Mường Lống năm nay đã 63 tuổi, lại thêm cái bệnh khớp kinh niên nhưng sáng nào cũng dậy từ bốn giờ rưỡi sáng, không vác cuốc trồng cây thì cũng chăm đàn gà, đàn dê trong trang trại ở thung lũng Gà Mái, hoặc đọc sách, đọc báo để hiểu thêm chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thói quen này đã được ông giữ từ hồi trai trẻ cho đến lúc làm cán bộ xã Mường Lống và đến lúc nghỉ hưu bây giờ. Ông Và Phái Tểnh tâm tình: “Dân Mông mình vẫn chịu thương, chịu khó, cần cù và siêng năng vậy. Mình từng là cán bộ xã, nay tuổi nhiều rồi không còn làm được gì lớn nữa thì gương mẫu làm trang trại, trồng rừng trước là phát triển kinh tế gia đình, sau nữa là cho bà con học theo để xóa đói giảm nghèo. Năm trước mình nghiên cứu trồng cây keo nhưng không hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở xã, năm nay lại thử trồng xoan đâu, nếu được thì xã có thêm hướng mới”.

Ông Và Phái Tểnh chia sẻ những kinh nghiệm, phong tục tập quán người Mông cho cán bộ đội xây dựng cơ sở

Đến thăm ông Và Phái Tểnh là lúc ông vừa sang mấy nhà hàng xóm cùng bản Trung Tâm tuyên truyền, giải thích cho mọi người hiểu những chính sách, đường lối, cách làm ăn mới hiệu quả mà ông vừa được đọc trên Báo Nghệ An. Có khách đến thăm nhà, ông Và Phái Tểnh vui lắm. Ông đã kể về cuộc đời hoạt động không mệt mỏi vì sự phát triển của địa phương, của người Mông ở Mường Lống của mình: Được giác ngộ sớm, khi vừa lớn lên Và Phái Tểnh đã tham gia hoạt động tại địa phương, năm 1967-1968 là giáo viên dạy chữ Mẹo Tây Bắc kiêm Thường vụ xã Đoàn, Thư ký đội sản xuất hợp tác xã Mường Thù; năm 1968-1972 là công an huyện Kỳ Sơn; năm 1973 về tham gia hoạt động chính quyền tại địa phương và làm Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an xã Mường Thù từ năm 1975 -1977; năm 1977, xã Mường Thù sát nhập với xã Mường Lống, ông Tếnh làm Chủ tịch UBND xã Mường Lống và từ năm 1979 cho đến lúc về hưu (vào năm 2005) là Bí thư Đảng ủy xã…

Ông Và Phái Tểnh chia sẻ: Trong nhiều năm hoạt động có chuyện buồn, chuyện vui. Chuyện vui thứ nhất, đó là đã vận động nhiều bà con nhân dân người Mông chỉ nghe theo lời Bác Hồ dạy mà không nghe lời tuyên truyền xấu và đi theo Vua Mèo – Phỉ Vàng Pao. Chuyện vui thứ hai là, những năm 1990 về trước, Mường Lống là thủ phủ thuốc phiện ở Nghệ An. Cây anh túc ở đây cho sản lượng nhiều nhất, cho chất lượng tốt nhất. Cả Mường Lống và xã Huồi Tụ, Mỹ Lý bạt ngàn thuốc phiện. Quán triệt chủ trương xóa bỏ thuốc phiện của Nhà nước, của tỉnh, ông Và Phái Tểnh và Ban Thường vụ Đảng ủy xã Mường Lống đã nêu quyết tâm thực hiện tốt; tìm nhiều cách để tuyên truyền vận động bà con - đưa tất cả các cán bộ, đảng ủy viên, trưởng bản, già làng đều vào cuộc, kiên trì phân tích, giải thích cho bà con hiểu tác hại của cây thuốc phiện…dần dần người dân cũng hiểu ra, thôi trồng cây anh túc.

Đến năm 1996, qua kiểm tra vẫn còn một hộ trồng cây anh túc là nhà ông Lầu Già Lồng, bản Tham Pạng. Khi mời lên ủy ban làm việc thì ông này đã đưa cháu gái cùng lên và cho cháu uống rượu pha thuốc kích thích. Cô cháu bị ngất, ông này đã đổ cho Đảng ủy, UBND xã làm cháu ông chết Bình tĩnh sơ cứu cho cô cháu tỉnh, ông Tếnh mới hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện. Qua phân tích, xử lý nghiêm minh có lý có tình, ông Lầu Già Lồng đã nhận phạt và xin lỗi. Từ đó đến nay Mường Lống không còn thuốc phiện…Tuy nhiên, chuyện xóa bỏ cây anh túc phức tạp một, thì chuyện "hậu anh túc" phức tạp mười. Bà con đã quen với việc sản xuất thuốc phiện nay phải tìm phương thức sản xuất mới. Đảng ủy, UBND xã đã đưa vào các loại cậy như mận, đào Úc, đào Mỹ, đào phai cũng có hiệu quả nhưng chưa mạnh, bởi một phần đường giao thông khó khăn, không có đường ra dẫn đến không có đầu ra. Có năm người dân đưa mận về đổ cả trụ sở xã, ông Tếnh lại động viên lãnh đạo Mường Lống cố mua để dân có tiền mua muối ăn. Song thời kỳ này không kéo dài, người dân đã dần quen việc nuôi gà, trâu bò, lợn và buôn bán, đời sống khá dần; sản phẩm cây trái nhờ đường thông suốt nên bắt đầu có đầu ra…. Có lúc ông Tếnh giả ướm hỏi là Nhà nước lại cho trồng thì bà con đều đề nghị Nhà nước đừng cho trồng thuốc phiện nữa – đói khổ lắm, nuôi gà, lợn bán được nhiều hơn.

Ông Và Phái Tểnh có 9 người con gồm 7 gái, 2 trai. Các cô con gái đều đã ra cửa nhà, con trai đầu của ông chính là Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ, Trung úy Và Bá Giải hy sinh vào ngày 26/7/2004 tại bản Tân Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương trong lúc ngăn chặn hai nhóm tội phạm xâm nhập đường biên. Anh con trai thứ hiện là giáo viên cấp hai dạy tại xã nhà. Tuy đã nghỉ hưu và sinh hoạt tại chi bộ địa phương nhưng ông Và Phái Tểnh vẫn thường xuyên giúp đỡ công việc cho Đảng ủy, UBND xã Mường Lống trong vai trò "cố vấn"; đồng thời là một tuyên truyền viên tích cực của bản, của xã để vận động con em chấp hành pháp luật, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương. Ông Tếnh rất có uy tín trong cộng đồng người Mông ở Mường Lống – khi được hỏi bà con đều bảo “ông Và Phái Tểnh nói là luôn đúng”. Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII vào năm 2005 và Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VIII, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất, ông Và Phái Tểnh vinh dự là đại biểu tham gia. Ông tâm tình: “Là người cán bộ của Đảng và Nhà nước thì trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải nghĩ về lợi ích của nhân dân, lợi ích chung, để từ đó mà lao động và cống hiến”.

Trung tá Nguyễn Trọng Hà, Đội trưởng Đội xây dựng Cơ sở 7 tại xã Mường Lống cho rằng: “Ông Và Phà Tếnh chính là cây đại thụ, người có nhiều kinh nghiệm trong công tác nơi vùng cổng trời cao hơn 2000m so với mực nước biển này. Anh em đội về công tác xây dựng cơ sở giúp xã ở đây, có khó khăn nào cứ tìm đến là được ông Tếnh nhiệt tình giúp đỡ, qua đó lại có những cách làm hay, sát đúng với tình hình địa phương…”.

Thành Chung