"Dạo này trời rất nóng nên tôi muốn dùng một số thảo dược giải nhiệt. Nghe nói rau má, bông mã đề, cỏ mần trầu có tác dụng này. Xin bác sĩ cho biết rõ hơn".
Cây rau má còn được gọi là tích tuyết thảo, liên tiền thảo, xuyên tưởng thảo. Theo sách Nam dược thần hiệu, rau má vị đắng, tính lạnh, chữa mụn nhọt, lở loét, mẩn ngứa, nóng rát, thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, ít sữa... Dân gian dùng toàn cây rau má để chữa bệnh.
Rau má làm nước giải khát: lấy 30-40 g, để cả cây, rửa sạch, vò, giã, xay thật nát, vắt lấy nước, khi uống có thể thêm đường, muối và đá.
Trị chứng rôm sảy, mẩn ngứa ở trẻ nhỏ: Rau má tươi, rửa sạch, giã hoặc xay nhỏ, hòa với nước đun sôi để nguội, lọc lấy nước, pha với muối hay đường, cho trẻ uống hằng ngày nhưng vào buổi sáng là tốt nhất.
Trị chứng tiêu chảy, khát nước: Rau má tươi và gạo rang vàng, sắc và cô đặc còn một bát nước, thêm muối hay nước mắm, uống trong vài ngày. Ở nhiều địa phương, rau má được sử dụng trong bữa ăn như một thứ rau sống.
Cây mã đề được dân gian dùng lá, thân, hạt làm thuốc chữa bệnh. Mã đề vị ngọt, tính lạnh, lợi tiểu, hạ nhiệt, có tác dụng mát máu, ngưng chảy máu cam, giúp sáng mắt, thông mồ hôi, chữa đau mắt đỏ...
Chữa chứng bí tiểu tiện: 12 g hạt mã đề (có thể dùng lá mã đề), kết hợp với lá dâu, sắc đặc uống từ từ sẽ khỏi.
Trị chứng chốc lở, mụn nhọt ở trẻ em: Dùng một nắm mã đề tươi, rửa sạch, thái nhỏ nấu với 100-150 g giò mới giã, cho trẻ ăn liền trong vài ngày.
Cây cỏ mần trầu còn gọi là san tử thảo, cỏ chí tía, cỏ dáng... Toàn thân cỏ đều có thể dùng làm thuốc. Kinh nghiệm dân gian coi cỏ mần trầu là một vị thuốc mát, có tác dụng chữa sốt, làm cho ra mồ hôi và chữa sốt rét. Cỏ mần trầu thường được phơi khô, sắc nước uống kết hợp nước sắc nhân trần, thêm một ít đường là nước giải khát tốt cho mùa hè.