(Baonghean) - Đã qua tuổi "cổ lai hy", già làng Lô Hữu Chiến ở bản Bãi Xa, xã Tam Quang, huyện Tương Dương như cây Chò cao lớn vững chãi tỏa bóng mát, là chỗ dựa tinh thần cho bà con các dân tộc vững bước đi trên con đường đầy chông gai và thử thách của mình.
Từng là Phó Bí thư Huyện ủy Tương Dương, cùng đảng bộ huyện đề ra chủ trương xây dựng và phát triển kinh tế của huyện, khi về hưu, ông nung nấu ý nghĩ: “Bác Hồ đã dạy "Người cán bộ của Đảng đã nói thì phải làm", mình đã chỉ đạo dân làm, nay về hưu mình cũng phải làm cho được, nếu không dân sẽ không còn tin mình”. Nghĩ vậy, hai vợ chồng đổ bao mồ hôi phát cả đồi tranh săng, mở rẫy trồng lạc, trồng sắn, trồng mét, rồi được lâm trường Pù Mát ủng hộ cho cây giống bạch đàn, trồng được hơn năm trăm gốc.
Ban đầu cây phát triển tốt, chẳng bao lâu trâu bò thả rông và cả lòng người không đồng thuận, rừng cây tan nát dần. Lặng nhìn cảnh hơn 500 cây bạch đàn bị gãy, bị chết, lòng ông xót xa: "Là người cán bộ của Đảng - ta đã không làm được điều Đảng chỉ, mà ta ra sức kêu gọi dân làm, thật là xấu hổ". Từ đó, ông vẫn lo việc của bản nhưng lòng nặng trĩu nỗi buồn.
Đến năm 2002, tỉnh xây dựng nhà máy giấy, phát động và giao kế hoạch các huyện trồng cây keo, gia đình ông được giao 10ha rừng. Thế là lại dao quắm, bi đông, hai vợ chồng phát rừng suốt ba tháng ròng. Ông lên Lâm trường Tương Dương hỏi cách trồng keo, về đào hố đúng quy cách, bỏ tiền mua 500 cây giống. Ăn xong cái Tết Ất Dậu (2005) vợ chồng, cha con đi trồng 500 cây, mua dây thép gai về rào. Khí hậu miền núi cao vào mùa khô hanh heo đất kiệt nước, cây non sẽ chết, ông bà lại oằn lưng đắp đập nhỏ nơi khe Phó lấy nước, ba ngày một lần gánh hàng trăm gánh nước tưới. "Cán bộ ơi! Có cái đồng tiền lương nhiều rồi về uống rượu đi, trồng cây làm chi cho cực". Nghe dân bản nói vậy, ông vui vẻ nói với họ về lợi ích của trồng rừng, thuyết phục bà con cùng làm, cùng bảo vệ. Cây xanh tốt, ông mừng lắm và vận động con trai cùng làm, phát rộng hai bên khe hơn 1ha và đến tháng 11 năm ấy trồng thêm được 3.000 cây. Vào mùa khô, cây thiếu nước. Cả nhà đi gánh nước tưới suốt ba tháng trời. "Những ngày đó mệt kinh khủng, nhưng lo cây chết, mình không làm được điều mình nói mà cố lên. Nhìn cây xanh tươi tốt dần mà quên hết mệt. Thế là bà con dân bản làm rừng keo theo, rồi rừng mét ngày càng mở rộng”- Ông cười vui nói với tôi với vẻ tự hào.
Niềm vui của vợ chồng ông Chiến. Ảnh: Đ.M
Chủ tịch Lương Thanh Hải đưa các trưởng bản, các già làng đến tham quan học tập. Ông bằng lòng vì mình đã làm được lời dạy của Bác Hồ: "Đảng viên phải cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng noi theo". Tháng 11/2009, tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Nghệ An lần thứ nhất, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Thế nhưng, keo bán rớt giá, ông bị lộ hàng trăm triệu đồng. Nhưng không cam chịu thất bại, được cán bộ xã gợi ý, ông cùng bà con chọn các cây thích hợp, có thu nhập cao để trồng. Rừng Bãi Xa giờ lại bạt ngàn cây mét, cây xoan, màu xanh của sự sống đã ngời ngời sinh sôi nảy nở, lòng già Chiến rất vui, bởi ông nói được và đã làm được, rồi kéo theo mọi người cùng làm. 
Giờ tuổi ngoài 70 không đủ sức trồng rừng phát rẫy, ông chuyển giao toàn bộ đất đai và rừng cho người con trai lớn, còn mình với tư cách là già làng lại trở về vai trò người tổ chức động viên mọi hoạt động của dân bản. Đảng đề ra chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều tiêu chí, chương trình về với bản và ông là một trong 9 người ở Ban vận động đó. Điều cần trước hết ở bản Bãi Xa là phải làm cho được những con đường bằng bê tông đến tận từng nhà với yêu cầu trục chính rộng 5m, trục khác rộng 4m. Cùng với trưởng bản Vi Văn Thuyết, ông đi đến vận động từng nhà, trước hết là những gia đình phải nhường đất để thông tuyến. Các ông Lương Văn Hóa, Lô Văn Tới, Lô Xuân Việt, Vi Đình Hùng, Vi Văn Dũng và nhiều bà con khác vui vẻ nhường đất, chặt cây cho đường mở rộng.
Hội thi cấy ở bản Bãi Xa - Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương
Theo tính toán: xi măng đã có huyện cho, bản cần có 50 triệu đồng mua nguyên vật liệu, tính ra mỗi nhà phải góp 300.000 đồng, đó là số tiền không nhỏ với nhiều gia đình, ông lại cùng đại diện Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh… đến từng nhà, vận động từng người đóng góp. Được dân bản đồng tình nên chỉ 3 ngày là giải tỏa đường thông, 7 ngày sau dân làm, cán bộ giám sát, trục đường chính của bản dài 1km đã hoàn thành.
Quý IV này, chi bộ ra quyết nghị hoàn thành các nhánh đường còn lại, mỗi hộ vẫn phải góp 300.000 đồng. Mọi gia đình đã sẵn sàng, thế nhưng gặp phải lúc có quyết định cấm khai thác cát sỏi, lấy đâu ra 110 xe cát sỏi để làm đây? Mọi người nghĩ chưa ra. Lo việc nhà không lúc nào mất ngủ mà lo cho bản lại nhiều đêm không ngon giấc, ông cố tìm cách để có nguyên liệu. Ông ra bãi cát sỏi ven sông thấy chất lượng tốt, ông về nói với trưởng bản lên mời Bí thư Đảng ủy Lô Văn Lý, Chủ tịch xã Hồ Viết Sơn xuống xem và cho ý kiến. "Bây giờ thì cát sỏi đã về đầy đường, tiền cũng đã có. Thu hoạch mùa xong, cuối tháng 11 này chúng tôi sẽ làm. Tiêu chí quan trọng xây dựng nông thôn mới sẽ đạt, bản Bãi Xa của tôi ngày càng đoàn kết, no ấm và đẹp hơn. Cái bụng vui lắm nhà báo ạ!". Nhìn nét mặt rạng rỡ của ông tôi thấy mình cũng vui mà lòng đầy cảm phục trước một già làng kết tinh những phẩm chất cao đẹp của dân tộc Thái: hoàn cảnh nào cũng sống được, trẻ hay già cũng luôn biết làm việc tốt có ích cho dân bản, cho chính mình, mang lại niềm hạnh phúc cho mình, cho cộng đồng. 
Được biết, gia đình ông Lô Hữu Chiến là một trong 3 gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện Tương Dương được tuyên dương trong Đại hội 5 năm xây dựng Gia đình Văn hóa tiêu biểu của tỉnh, tôi càng mừng cho ông, cho bà con các dân tộc huyện Tương Dương. Khi được hỏi “Trong cuộc đời mình, ông vui nhất điều gì?”, ông không ngần ngại cho biết: “Đời ta có nhiều niềm vui, nhưng vui nhất là ta luôn là người của Đảng, làm tốt những việc Đảng giao, dân cần. Làm được điều đó bởi ta luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ: Cán bộ đảng viên nói phải đi đôi làm. Ta đã nói được và cố gắng làm được điều ta nói với bà con để mọi người làm tốt hơn. Thế là ưng cái bụng rồi”.
Một ý nghĩ giản dị mà lớn lao biết chừng nào.
Đức Minh