(Baonghean) - Nghề thuyết minh được xem là một nghề đặc biệt. Mỗi thuyết minh viên trở thành trung gian chuyển tải những câu chuyện giữa quá khứ và hiện tại, là cầu nối tiếp xúc giữa khách tham quan với hiện vật và góp phần quan trọng làm sống lại những hình ảnh, những ký ức lịch sử.

Hiện chưa có một trường lớp nào đào tạo nghề thuyết minh một cách chính quy, bài bản. Bởi thế, mỗi người tìm đến công việc này với một hoàn cảnh, ngành nghề khác nhau và họ trưởng thành thông qua học hỏi và truyền kinh nghiệm. Chị Dương Thị Bích Thủy - Phó phòng tuyên truyền, Khu di tích Kim Liên chia sẻ: Ai cũng nghĩ nghề thuyết minh là nghề đơn giản, công việc nhẹ nhàng. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu công việc, thuyết minh viên phải học hỏi rất nhiều, thậm chí phải qua một quá trình tôi luyện hết sức khắt khe về thanh, sắc, giọng nói, cử chỉ và nhiều kỹ năng quan trọng khác.
 
images1169506_k__chuy_n_b_c_h__cho_do_n_h_c_sinh_tru_ng_dtnt___thcs_mai_ch_u___h_a_b_nh.jpeg.jpgThuyết minh viên Khu di tích Kim Liên kể chuyện Bác Hồ cho học sinh Trường DTNT - THCS Mai Châu (tỉnh Hòa Bình).
Bản thân chị Dương Thị Bích Thủy cũng phải mất một thời gian dài mới có thể làm quen với công việc dẫu rằng chị sinh ra ở làng Sen và từ ngày nhỏ đã quen, đã thuộc rất nhiều câu chuyện do các thuyết minh viên đi trước truyền lại. Nhưng khó khăn nhất, đó là điệu bộ, cử chỉ, giọng nói để làm sao vừa truyền tải được nội dung, vừa có thể toát lên thần thái, hình ảnh của người con xứ Nghệ. Chị đã phải tập trước gương hàng trăm lần, phải hình dung về những đoàn khách mình sẽ được tiếp, lựa chọn những câu chuyện phù hợp để giới thiệu. 
 
Còn với Hoàng Thị Hoài Thu, người thuyết minh đã làm cho bao khán giả cả nước xúc động trong đêm cầu truyền hình trực tiếp “Hoài bão Hồ Chí Minh” lại bắt đầu nghề thuyết minh viên ở Khu di tích Kim Liên với một bài tập khó, đó là “không được rơi nước mắt” trong khi đang làm việc. Nhớ lại những ngày đó, Thu chia sẻ: Nhiệm vụ của người thuyết minh là kể lại các câu chuyện cho du khách nghe để họ hiểu hơn về tấm lòng, nhân cách, trí tuệ của Bác. Tuy nhiên, mỗi một lần kể về Bác em lại thả hết cảm xúc của mình vào câu chuyện. Đến khi thấy một du khách nào chực khóc thì em cũng nghẹn ngào, không nói được thành lời”… Quá trình tiếp xúc với các đoàn khách, cũng buộc Thu phải tự trưởng thành và học hỏi thêm rất nhiều…
 
Ở Bảo tàng Quân khu 4, thuyết minh viên lại phải đáp ứng một yêu cầu khắt khe khác. Thuyết minh viên Nguyễn Hữu Hoành cho biết: “Với những địa danh như Đồng Lộc, Truông Bồn, Thành cổ Quảng Trị, chỉ cần đặt chân đến nơi thì người xem đã có thể thổn thức vì mỗi một nắm đất ở đây cũng đã viết nên những câu chuyện sinh động. Còn ở bảo tàng, công việc khó khăn hơn rất nhiều thuyết minh viên phải làm sao thổi hồn vào hiện vật, để mỗi hiện vật là một câu chuyện lịch sử sinh động”.
 
Hoàng Thị Hoài Thu - thuyết minh viên trẻ tuổi nhất với đoàn khách đến từ huyện Văn Chấn - Yên Bái.jpeg
Sinh năm 1983, nếu nói về tuổi nghề thì Đại úy Nguyễn Hữu Hoành là một người rất trẻ, nếu nói về kinh nghiệm tham gia quân ngũ anh cũng chỉ là lính mới, chưa có thời gian huấn luyện ở các đơn vị và nếu nói về  thuyết minh viên “đây hoàn toàn không phải là nghề có nhiều lợi thế với nam giới”. Thế nhưng, vượt lên tất cả những hạn chế đó, Nguyễn Hữu Hoành đã chứng minh mình là một người có duyên với nghề, gắn bó với nghề bằng một tình yêu thực sự. Kể về công việc của mình, anh tâm sự: Hai năm đầu khi mới trúng tuyển, nhiệm vụ chính của anh là đọc thuộc và nghiền ngẫm gần 200 trang tài liệu về nội dung các chủ đề được trưng bày và cùng với đó mỗi một ngày làm sao đi được hết 13.000m2 trong bảo tàng để ghi nhớ được từng hiện vật…”.
 
Khách đến với Bảo tàng Quân khu 4 có rất nhiều thành phần, có người là cựu chiến binh tìm đến đây để muốn nhìn lại quá khứ hào hùng mà chính họ đã đóng góp một phần máu thịt; học sinh, thiếu nhi thường đến với bảo tàng với một sự tò mò, lạ lẫm và nhiệm vụ của thuyết minh viên là phải đưa những bài giảng từ sách giáo khoa gắn với thực tế. Lại có những người tìm đến bảo tàng với hy vọng mong manh đó là tìm được người thân qua các di vật mà các đội quy tập liệt sỹ tìm được và trưng bày ở bảo tàng… Tiếp xúc với rất nhiều đoàn khách khác nhau, để đáp ứng với từng yêu cầu nhiệm vụ, nhiều khi công việc của anh vượt ra ngoài bảo tàng.
 
Đó là những đêm Hoành lặn lội với các đội quy tập mộ liệt sỹ ở những chiến trường xưa, xem và nghe họ kể  về việc cất bốc các hài cốt và nguồn gốc của những di vật để vừa tìm kiếm tư liệu, vừa hy vọng qua đó sẽ thu thập được nhiều thông tin lỡ sau này có người khách nào cần… Anh cũng đã nhiều lần vào Quảng Trị, Quảng Bình, đi đến nhiều vùng miền ở Nghệ An để tham gia sưu tầm hiện vật hoặc mời các nhân chứng về nói chuyện ở bảo tàng. Trong nhà anh ở phường Hưng Bình (TP. Vinh) có một tủ sách giáo khoa, lịch sử từ lớp 1 đến lớp 12 anh đọc kỹ và lựa chọn những câu chuyện thích hợp để lồng vào khi thuyết minh cho các đoàn học sinh, sinh viên…
 
Kỷ niệm sâu sắc hơn nữa là những lần về cơ sở, đến các đơn vị bộ đội để nói chuyện, thuyết minh trong những ngày như ngày Giải phóng miền Nam, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam… Đáp lại những vất vả ấy là niềm hạnh phúc bình dị mà Đại úy Nguyễn Hữu Hoành nhận được: Đó là những cái nắm tay thật chặt của các cựu chiến binh, sự lưu luyến của các em học sinh, sinh viên, có được cái gật đầu khâm phục từ những cựu chiến binh từ bên kia chiến tuyến và nghe họ nói rằng “ước gì được đến với bảo tàng sớm hơn, ước gì có thêm nhiều thời gian hơn nữa để được nghe nhiều hơn về lịch sử, về quá khứ”. Phòng Tuyên truyền của Bảo tàng Quân khu 4 chỉ có 4 người nhưng riêng trong năm 2014 đã thuyết minh trực tiếp và thuyết minh lưu động được gần 80.000 lượt khách tham quan và cùng với đó là sưu tầm được hàng chục hiện vật có giá trị lịch sử quan trọng…
 
Cũng cần phải khẳng định rằng, dù rằng công việc của các anh, các chị rất thầm lặng, không đo đếm, không thể tính bằng trọng lượng nhưng giá trị tinh thần mà các thuyết minh viên đem lại hết sức to lớn. Họ như chiếc cầu nối để truyền tải các giá trị lịch sử, các giá trị nhân văn cao cả đến với tất cả mọi người.
 
Mỹ Hà