(Baonghean) - Đã từng là lãnh đạo xã Mỹ Lý và xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, già làng Vi Văn Toán, 64 tuổi, ở bản Buộc, xã Bắc Lý nhận rõ tầm quan trọng của sức mạnh khối đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở vùng biên. Nên khi đã nghỉ công tác, ông vẫn sẵn sàng làm những điều có ích nhất cho dân bản.

Già làng Vi Văn Toán.
Già làng Vi Văn Toán.
Gặp già làng Vi Văn Toán trong đám cưới Kha Mai Thoan, ở bản Buộc, xã Bắc Lý, già làng Toán khoe: Ở trong bản Buộc này, con gái muốn lấy chồng phải đủ 18 tuổi, con trai thì phải đủ 20 tuổi trở lên, Ban quản lý bản mới cho tổ chức đám cưới. Và mọi thủ tục thách cưới bằng bạc nén đã được xóa bỏ. Mỗi gia đình tùy điều kiện kinh tế để tổ chức, tặng quà cho con trong ngày cưới nhưng không quá 3 triệu đồng đối với một cặp vợ chồng. 10 năm nay, nhân dân bản Buộc đã thực hiện quy ước, trở thành nét văn hóa của bản người Thái vùng cao này. Tất cả những nội dung đã được đưa vào quy ước của bản Buộc và mọi người trong bản đều tự giác thực hiện. 

Bản Buộc nằm cách trung tâm xã Bắc Lý 7 km đường rừng, với 102 hộ đồng bào người Thái sinh sống, chủ yếu bằng nghề làm rẫy, trồng lúa, sắn, bắp… Trong vai trò của một già làng, ông Vi Văn Toán đã gần gũi, động viên giáo dục thanh thiếu niên, con cháu trong bản phải chăm chỉ làm ăn,  hăng say học tập, không nên bỏ học giữa chừng để cái đầu sáng, cái tay làm ra nhiều lúa, nhiều bắp, không trộm cắp, nghiện ma túy, đánh nhau gây mất đoàn kết trong bản. Trong mấy năm lại nay, bản không có người nghiện ma túy mới, học sinh hăng hái đến trường đi học.

Để có được quy ước của bản trong cưới hỏi, với vai trò của một già làng, ông Toán đã tích cực tham gia vận động đồng bào các dân tộc trong bản định canh, định cư, mạnh dạn xóa bỏ các tập tục lạc hậu không phù hợp với bản làng. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đều được già làng và ban quản lý bản đưa ra bàn bạc thống nhất và tổ chức họp dân bản để lấy ý kiến đóng góp từ nhân dân, tạo sự đồng thuận và thống nhất thực hiện. Bên cạnh đó già làng còn làm tốt công tác phối hợp với các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn bảo đảm an ninh trật tự, vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong bản. Những tập tục lạc hậu… đều đã bãi bỏ, những phong tục tập, tập quán truyền thống tốt đẹp của bản làng, của dân tộc tiếp tục được phát huy, giữ vững.

Ông Vi Văn Toán tâm sự, mình đã có thời gian 2 năm làm Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Năm 1990, ông chuyển về xã Bắc Lý sinh sống và làm Chủ tịch UBND xã Bắc Lý 24 năm cho đến khi được nghỉ về sinh sống tại bản Buộc. Tuy đã về nghỉ, ông lúc nào cũng tâm niệm phải “Vì dân phục vụ”. Giúp được gì cho đồng bào mình là sẵn sàng, không suy nghĩ gì hết.  

Trưởng bản Buộc, anh Kha Bun Mi, cho biết già làng Toán là người có uy tín, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước, người am hiểu đời sống văn hóa tâm linh, phong tục tập quán của đồng bào. Những việc làm thầm lặng của ông đã tăng cường mối đoàn kết dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội trong bản.

Như cây cổ thụ giữa rừng già, già làng Vi Văn Toán đang tiếp tục là tấm gương mẫu mực của bản. Từng ngày, từng giờ, ông là cầu nối để chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước đến với người dân!

Bài, ảnh: Hải Thượng

(Biên phòng Nghệ An)