Hỗ trợ để vượt khó

Hơn 3 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Mai Ly - giáo viên Trường THCS Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu) thuộc diện khó khăn, vợ chồng phải sống chật vật bằng nguồn tiền lương ít ỏi từ nghề giáo viên.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị Ly, Câu lạc bộ nữ công nhân, viên chức, lao động người công giáo huyện Quỳnh Lưu (từ đây gọi tắt là CLB) đã đứng ra kêu gọi, nhận sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.  Sau nhiều ngày vận động, câu lạc bộ đã hỗ trợ gia đình chị Ly gần 5 triệu đồng. Số tiền đó được chị Ly sử dụng mua gà, lợn giống về nuôi. Đến hiện tại, đàn gà của gia đình chị thường xuyên có hàng chục con, những lứa bán mang lại nguồn thu thật ý nghĩa để trang trải cuộc sống.

day_la_clb_co_100_la_nguoi_cong_giao_lon_nhat_tren_dia_ban_tinh1954582_3042019.jpgCâu lạc bộ nữ công nhân, viên chức, lao động người công giáo huyện Quỳnh Lưu có 100% là thành viên là người công giáo, lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Tuyết Nhung

Trường hợp của chị Ly là một trong rất nhiều thành viên được CLB nhận giúp đỡ trong hơn 11 năm hoạt động. Chị Hồ Thị Tuyết Nhung - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Quỳnh Thanh, Chủ nhiệm CLB cho biết: Thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, CLB đã vận động các thành viên tham gia thực hành tiết kiệm phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”, “ống tiền tiết kiệm”.

“Chúng tôi vận động chị em, mỗi lần nấu cơm thì tiết kiệm 1 lon gạo, mỗi lần đi chợ thì tiết kiệm 10 nghìn đồng. Số gạo, tiền tiết kiệm này dùng hỗ trợ những thành viên trong CLB có hoàn cảnh khó khăn, là nguồn động viên để chị em vươn lên trong cuộc sống”, chị Nhung nói.

CLB nữ công nhân, viên chức, lao động người công giáo huyện Quỳnh Lưu có lẽ là CLB có số lượng thành viên là người công giáo lớn nhất trong những câu lạc bộ xã hội của tỉnh. Thành lập từ tháng 10/2008 với 73 thành viên, đến nay CLB đã có hơn 150 thành viên với 100% là nữ người công giáo. Các thành viên đến từ nhiều nghề khác nhau như giáo viên, bác sỹ, y tá, viên chức… nhưng tựu trung ở các chị là tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, khó khăn.

Ngoài quy định đóng quỹ theo quy chế của CLB (10.000 đồng/người/năm), các thành viên CLB còn tự nguyện tiết kiệm đóng góp thêm vào quỹ để có nguồn sinh hoạt, thăm hỏi hội viên khi ốm đau, hiếu, hỷ mỗi năm từ 5.000.000 đồng - 6.000.000 đồng, tặng quà cho các em học sinh giỏi cấp tỉnh, thi đậu đại học là con các chị trong CLB từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/em.

Nói về ý nghĩa của CLB, chị Nguyễn Thị Sinh - giáo viên Trường Mầm non Quỳnh Thanh cho rằng, dù mỗi người có sự khác biệt về hoàn cảnh gia đình, trình độ nhận thức, nghề nghiệp, nhưng khi đến với CLB đã không còn ranh giới mà chỉ là sự sẻ chia, đùm bọc, giúp nhau tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống đời thường. CLB thực sự là ngôi nhà thứ hai của mỗi chị em…

Để các thành viên tham gia tích cực các hoạt động, Ban chủ nhiệm luôn tìm tòi, sáng tạo những nội dung, hình thức sinh hoạt sao cho phù hợp, sinh động. Nhiều nội dung sinh hoạt đã được CLB tổ chức dưới hình thức văn nghệ, sân khấu hóa để chuyển tải những đề tài, nội dung cho mỗi lần sinh hoạt.

“Mỗi lần sinh hoạt, chị em tham gia rất hồ hởi, nhiệt tình, hội trường khi nào cũng chật kín người. Mục tiêu của CLB là tạo một môi trường cởi mở, giàu sự sẻ chia và bổ ích để mỗi chị em luôn cảm thấy rằng, tham gia vào CLB sẽ được lợi rất nhiều”, chị Nhung nói.

Mỗi năm, CLB sinh hoạt tập trung 2 lần, thông qua đó tuyên truyền pháp luật cho các thành viên. Ảnh: Tuyết Nhung

Nâng nhận thức về cuộc sống

Không chỉ giúp nhau vươn lên nâng cao đời sống cho gia đình, CLB còn là nơi giúp chị em nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật và những vấn đề xảy ra trong cuộc sống.

Mỗi năm, CLB tổ chức sinh hoạt tập trung vào các dịp 8/3, 20/10, mỗi lần sinh hoạt đều theo các chủ đề cụ thể như công tác dân số - KHHGĐ; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mê tín dị đoan; các chính sách pháp luật của Nhà nước... Để chị em dễ tiếp thu, các nội dung sinh hoạt đều được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa, thi hỏi đáp…

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu xảy ra một số vấn đề phức tạp, tác động đến tâm lý của người dân nói chung và chị em phụ nữ nói riêng. Trước tình hình đó, thông qua các đợt sinh hoạt định kỳ, Ban chủ nhiệm CLB đều lồng ghép các vấn đề này, qua đó giúp chị em hiểu rõ sự việc, không có những suy nghĩ lệch lạc dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

“Nhờ những kỳ sinh hoạt như thế, không có chị nào của CLB sinh con thứ 3 trở lên, không có con em và người thân vi phạm tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật. Đặc biệt, có 2 chị được kết nạp vào Đảng, có 4 chị được đề bạt các chức vụ quản lý Nhà nước trong ngành Giáo dục”, chị Hồ Thị Tuyết Nhung - Chủ nhiệm CLB cho biết thêm.

Các nội dung sinh hoạt được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa để các thành viên dễ tiếp thu. Ảnh: Tuyết Nhung

Với đặc thù 100% thành viên là người công giáo, ngoài các vấn đề xã hội, Ban chủ nhiệm xây dựng mục tiêu chung của CLB “Sống tốt đời đẹp đạo”. Nhiều chị em thành viên đã tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam phát động và các phong trào thi đua của địa phương.

Thông qua phong trào, chị em đã trưởng thành về mọi mặt ở các lĩnh vực công tác, phát huy trí tuệ và năng lực để thực hiện tốt chức năng người lao động, người mẹ, người vợ, người quản lý gia đình. Đã có 7 chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà’’,  Chiến sỹ Thi đua cấp cơ sở.

Tìm hiểu thấy rằng, đa số các thành viên CLB được sinh ra và lớn lên trong các gia đình thuần nông, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tuy nhiên, họ đã cố gắng vươn lên trong học tập cũng như công tác để có sự đột phá trở thành công nhân, viên chức Nhà nước.

Chị Hồ Thị Tuyết Nhung - Chủ nhiệm CLB khẳng định, trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phong trào giỏi việc nước, đảm việc nhà gắn với phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện tốt nội dung “Sống tốt đời, đẹp đạo”.

Sau 11 năm hoạt động, các thành viên CLB đã đóng góp được hơn 20 triệu đồng, từ đó cho chị em có hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi; góp phường, hội giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; mua sắm vật dụng sinh hoạt cho gia đình…