(Baonghean.vn) - Sáng 23/9, đoàn công tác của Bộ Giao thông và Vận tải do Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Đi cùng đoàn còn có các đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải; Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông quốc gia.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Thanh Điền - Phó chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Phó chủ tịch UBND tỉnh và một số lãnh đạo sở, ban, ngành.
Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm cũng như đánh giá kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, những năm gần đây, Nghệ An đã gặt hái nhiều kết quả khả quan, trong đó, có nhiều đột phá chiến lược về lĩnh vực giao thông.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Đường, thời gian qua, Nghệ An đã tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm. Các tuyến giao thông trong quy hoạch được triển khai thực hiện nghiêm túc. Giao thông nông thôn đặc biệt là miền núi được tăng cường đầu tư, phong trào xây dựng giao thông nông thôn cũng thu được nhiều kết quả tốt.
Nhiều tuyến đường được đầu tư như 25 tuyến đường vào các xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; nâng cấp nhà ga và hạ tầng sân bay Vinh, mở thêm tuyến bay Vinh - Đà Lạt và tuyến bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn (Lào), Vinh - Băng Cốc. Xúc tiến quy hoạch, nâng cấp cảng Cửa Lò, đảm bảo tàu 3 vạn tấn ra vào thuận lợi; đầu tư xây dựng cụm cảng Đông Hồi, cảng nước sâu Cửa Lò...
Nhiều công trình giao thông đường bộ quan trọng cũng được đầu tư xây dựng với tiến độ nhanh như tuyến giao thông tây Nghệ An; đường nối Quốc lộ 1A - huyện Nghĩa Đàn - thị xã Thái Hòa; đường nối N5 - Hòa Sơn (Đô Lương) phục vụ vận chuyển nguyên liệu cho nhà máy xi măng Sông Lam; cầu vượt sông Lam (cầu Dùng, Thanh Chương; cầu Yên Xuân); 5 cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 46, Quốc lộ 1A. Nghệ An cũng đã tiếp tục xây dựng Đại lộ Vinh - Cửa Lò và nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường vào trung tâm các xã chưa có đường ôtô.
Để tạo điều kiện cho tỉnh Nghệ An phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các công trình vào khai thác sử dụng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đề nghị Bộ Giao thông và Vận tải quan tâm và thống nhất một số nội dung như bố trí kinh phí từ nguồn vốn dư của dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A để đầu tư xây dựng 2 cầu vượt tại nút giao Quốc lộ 46, Quốc lộ 46B với đường tránh thành phố Vinh có tổng mức đầu tư dự kiến 400 tỷ đồng.
Đồng thời cải tạo, mở rộng quốc lộ 1A đoạn từ Quán Bánh đến cầu Bến Thủy với tổng mức đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng và nâng cấp, mở rộng đường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), với tổng mức đầu tư khoảng 391 tỷ đồng.
Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Bộ Giao thông và Vận tải cần quan tâm, xem xét sớm đầu tư các công trình như cầu Hiếu (thị xã Thái Hòa), cầu Dinh, cầu Hiếu trên quốc lộ 48E..
Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cầu Cửa Hội bắc qua Sông Lam là công trình nằm trên tuyến đường ven biển đã được quy hoạch, kết nối tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh. Đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc liên kết vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và tạo điểm nhấn kiến trúc, phù hợp với sự phát triển cảng biển và du lịch của khu vực Đông Nam Nghệ An và Đông Bắc Hà Tĩnh.
Vì vậy, Nghệ An kiến nghị Bộ Giao thông và Vận tải cho đầu tư theo quy mô cầu dây văng, 2 mặt phẳng, vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép với tổng mức đầu tư theo báo cáo của đơn vị tư vấn thiết kế dự kiến 1.685 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng: 1.282 tỷ đồng.
Về phương án đầu tư, để đảm bảo tính khả thi do hiện nay nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, kiến nghị đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư - PPP, trong đó nhà đầu tư bỏ một phần vốn. Ngân sách địa phương chịu trách nhiệm thực hiện một phần công tác giải phóng mặt bằng. Phần còn lại đề nghị Ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Bộ Giao thông và Vận tải có ý kiến với Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đưa vào kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 các dự án trọng điểm của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã phân tích những khó khăn cũng như thuận lợi và sự cần thiết khi đề nghị đầu tư các hạ tầng giao thông. Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An bày tỏ mong muốn Bộ Giao thông và Vận tải quan tâm, hỗ trợ Nghệ An để hoàn thành những công trình cấp thiết này.
Tại buổi làm việc, phần lớn kiến nghị của tỉnh Nghệ An đã được đoàn công tác đồng ý. Các lãnh đạo của Bộ Giao thông và Vận tải cũng đã phân tích, đưa ra những góp ý quý báu trong việc đầu tư, cũng như quản lý giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua. Đặc biệt, “tư lệnh” ngành giao thông bày tỏ sự quan tâm và thống nhất trong việc đầu tư 3 dự án mang tính quốc tế của Nghệ An là cải tạo Sân bay Vinh, quy hoạch cụm cảng Cửa Lò và tuyến đường cao tốc nối từ Pacxan (Lào).
“Sân bay Vinh phải cải tạo làm sao để mang tính mỹ thuật, cho ra hình hài nhà ga quốc tế. Dự án này muộn nhất cuối năm sẽ triển khai. Tỉnh cũng không nên vội, tránh tình trạng làm chưa xong đã chán nên phải nghiên cứu kỹ thiết kế”, Bộ trưởng Nghĩa nói.
Theo Bộ trưởng Giao thông, đề án đường cao tốc Pacxan - Thanh Thủy - Hà Nội sau khi hoàn thành sẽ là một thuận lợi lớn của Nghệ An. “Tôi thấy lựa chọn tuyến đường qua cửa khẩu Thanh Thủy là rất phù hợp. Ở Việt Nam, lâu nay chúng ta chưa chú trọng kết nối ngang để phát huy lợi thế trong khu vực. Tuyến đường này sẽ mang tính chiến lược sau khi hoàn thành”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Về đề xuất làm cầu Cửa Hội bằng phương án dây văng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng đoàn công tác đã thống nhất với kiến nghị này của Nghệ An. Cầu Cửa Hội trước đây được dự kiến được đầu tư với thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực, tổng chiều dài khoảng 6,2km, trong đó phần cầu dài 1,63km, phần đường dẫn dài 4,57km. Trong đó, bề rộng cầu 12m với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Tỉnh Nghệ An đề xuất sẽ thiết kế cầu với bề rộng 19 mét, tuy nhiên đoàn công tác của Bộ Giao thông và Vận tải không đồng tình và thống nhất với phương án 16 mét. “16 mét là đã đủ đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như tính mỹ thuật và an toàn”, Bộ trưởng Nghĩa nói.
Theo Bộ trưởng Nghĩa, phương án dây văng đồng nghĩa với việc tổng mức đầu tư sẽ tăng lên 1.700 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn vốn của Trung ương sẽ hỗ trợ 450 tỷ đồng, ngoài ra các nhà đầu tư sẽ bỏ khoảng 700 tỷ. Phần còn lại, Bộ trưởng Nghĩa đề nghị tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cam kết bổ sung từ ngân sách địa phương. “Nếu như với quy mô đề xuất ban đầu không phải cầu dây văng cũng như bề rộng 12 mét, cơ bản vốn không phải lo. Nhưng bây giờ thay đổi thì rất khó vì ngân sách Trung ương cũng đang khó khăn. Về chủ trương làm cầu Cửa Hội, chúng tôi rất đồng tình vì Nghệ Tĩnh, mặc dù là 2 tỉnh nhưng vốn truyền thống văn hóa không thể tách rời. Dự án này sẽ trở thành biểu tượng, rất quan trọng nên cần phải quan tâm”, người đứng đầu Bộ Giao thông và Vận tải nói.
Bộ trưởng Nghĩa cũng đề nghị tỉnh Nghệ An cũng các cơ quan liên quan cần phải nghiên cứu giải pháp làm sao tiết kiệm nhất để giảm kinh phí thi công cầu. Thống nhất quy mô, chủ trương đầu tư để Bộ Giao thông có văn bản trình Thủ tướng.
Kết thúc buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ sự cảm ơn trước những hỗ trợ, chia sẻ của đoàn công tác đồng thời tặng quà lưu niệm Bộ trưởng Giao thông và Vận tải.
Trước đó, cũng trong sáng 23/9, đoàn công tác cũng đã tới kiểm tra nhà ga Sân bay Vinh.
Tiến Hùng