Vận động viên nhiều “vai”

Ở xã Diễn Bích, hầu như ai cũng biết đến anh chàng “vác tù và” Trần Văn Linh, từ lãnh đạo chính quyền đến người dân, từ doanh nghiệp đến hội nông dân. Linh là “gương mặt thân quen” trong các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao địa phương, là người trọng tài có tâm trong nhiều giải bóng đá, là đoàn viên thanh niên xông xáo trong các hoạt động vì cộng đồng… Trước đó, Linh còn là người mang về rất nhiều thành tích cao cho xã và huyện ở bộ môn điền kinh và bóng đá trong các giải thể thao cấp tỉnh.

Trần Văn Linh làm trọng tài trong một giải đấu. Ảnh: NVCC

Khi còn là một cậu bé lớp 5, sau thành tích đầy ấn tượng với bộ môn điền kinh ở Hội khỏe Phù Đổng, Trần Văn Linh lọt vào mắt xanh của những huấn luyện viên Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh và được mời về trung tâm để đào tạo. Cuộc sống xa nhà, nỗi nhớ cha, nhớ mẹ và những bài tập vận động nặng là lý do khiến Linh từ bỏ con đường trở thành một vận động viên chuyên nghiệp.

Không chỉ với điền kinh, Linh còn rất đam mê bóng đá. Năm lớp 10, nhận thấy năng khiếu của Linh với bộ môn này, các chú, các anh trong Trung tâm Thể dục thể thao huyện Diễn Châu đã thu nạp chàng cầu thủ có vẻ ngoài dong dỏng, xương xương này vào đội tuyển bóng đá huyện.

Nhớ lại những năm tháng đó, Linh kể: “Gia đình tôi có truyền thống thể thao. Anh trai tôi cũng là một vận động viên điền kinh và cầu thủ bóng đá có tiếng của huyện. Tuy cả 2 anh em đều không có duyên với con đường chuyên nghiệp nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được cống hiến, đem thành tích về cho địa phương trong các giải phong trào. Dù công việc mưu sinh chính là lái xe vật liệu, không hề liên quan đến thể thao, nhưng tôi luôn dành cho thể thao niềm đam mê lớn nhất và ấp ủ những dự định liên quan đến lĩnh vực này”.

Trần Văn Linh tổ chức giao lưu bóng đá với các cầu thủ Sông Lam Nghệ An để gây quỹ từ thiện, tặng xe cho học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: NVCC

Ấp ủ đó chính là động lực để năm 2018, Linh quyết định thành lập một trung tâm đào tạo bóng đá cho trẻ em tại quê nhà, tìm kiếm những tài năng bóng đá triển vọng. Từ uy tín của Linh, học sinh đăng ký vào trung tâm rất đông. Trong số những học trò của Linh, 5 em trúng tuyển vào Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội T&T, 1 em trúng tuyển vào Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 một năm sau đó như một gáo nước lạnh phũ phàng xối vào những dự định của Linh. “Lớp học không thể mở cửa trong khi chi phí duy trì mặt bằng thì cao, khó khăn này chưa qua thì khó khăn khác đã đến. Đầu năm 2020, trong một trận đấu thuộc giải bóng đá cấp huyện, tôi bị đứt dây chằng và bác sĩ yêu cầu không được tiếp tục đá bóng cho đến khi mổ và bình phục. Với tôi, đó là một bước ngoặt nghiệt ngã. Nếu mổ ngay, tôi sẽ phải dừng mọi hoạt động và công việc đang làm trong khoảng 1 năm trời” - Linh thổ lộ.

Linh được biết đến là một thầy giáo dạy bóng đá đầy tâm huyết với trẻ. Ảnh: NVCC

Vì không muốn dang dở những dự định, cho đến thời điểm hiện tại, chân của Linh vẫn chưa được mổ, việc đi lại vẫn rất khó khăn, thỉnh thoảng vết thương lại đau nhói. Linh chỉ dừng thi đấu ở các giải thể thao và vẫn tiếp tục công việc còn lại để chờ một thời điểm ít ảnh hưởng đến công việc chung hơn. Vừa là Bí thư Đoàn xóm, thôn đội trưởng, thầy dạy bóng đá, trọng tài…, ở bất cứ vai nào, Linh cũng được yêu quý và tín nhiệm.

Thể thao kết nối những tấm lòng

Khi không thể tham gia các giải bóng đá, Linh tập trung vào việc tổ chức giải. Đây là lúc khả năng kết nối cùng tình yêu thể thao của Linh làm được nhiều việc ý nghĩa cho cộng đồng nhất.

Đầu năm 2020, Linh kết hợp với Huyện đoàn Diễn Châu tổ chức giải bóng đá gây quỹ từ thiện, trao tặng 10 xe đạp cho 10 học sinh nghèo vượt khó. Tháng 4/2020, Linh kêu gọi doanh nghiệp tài trợ để tổ chức Giải bóng đá Diễn Châu mở rộng, gây quỹ trao tặng 15 suất quà, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tháng 7/2021, Linh tiếp tục kết hợp với Huyện đoàn để tổ chức giải bóng đá phủi, quyên góp 40 triệu đồng để trao tặng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn…

Mới đây, tháng 11/2022, Linh đã kết nối và tổ chức trận đá giao hữu giữa các cầu thủ Sông Lam Nghệ An với Huyện đoàn để gây quỹ, trao tặng 30 xe đạp cho 30 học sinh nghèo học giỏi. Ngoài các giải thể thao, Linh còn phát động, tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện khác như rửa xe miễn phí, nấu bánh chưng gây quỹ, tặng cơm cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Trần Văn Linh (ngoài cùng bên trái) trao tiền hỗ trợ quyên góp từ giải bóng đá cho gia đình chính sách.

Chia sẻ về chàng Bí thư Đoàn xóm năng động, anh Ngô Thành Công - Bí thư Huyện đoàn Diễn Châu nói: “Trần Văn Linh là một đoàn viên trách nhiệm, tiên phong, đóng vai trò cốt cán trong các phong trào của huyện nói chung, các phong trào thể dục, thể thao và thiện nguyện trên địa bàn huyện nói riêng. Linh luôn là người mạnh dạn, chủ động nhận nhiệm vụ với tinh thần cầu thị và nỗ lực hết mình để hoàn thành, không ngại khó khăn, vất vả. Tinh thần đó xứng đáng để các đoàn viên khác noi theo”.

Quả thật, thông qua các giải thể thao mà mình đứng ra kêu gọi tổ chức, Trần Văn Linh đã thể hiện xuất sắc khả năng kết nối của bản thân. Một mình một xe máy, Linh kiên trì gõ cửa từng doanh nghiệp, thuyết phục từng lãnh đạo để làm nên những giải thể thao mang ý nghĩa thiện nguyện.

Khi được hỏi bí quyết để có được sự đồng ý của mọi người, Linh khiêm tốn: “Có lẽ vì tôi đã may mắn có được sự tín nhiệm của lãnh đạo địa phương, đoàn thể từ trước đó. Ở những giải đầu tiên, khi doanh nghiệp, đơn vị, các nhà hảo tâm thấy sự kiện có những nhân vật uy tín tham gia thì họ cũng tin tưởng hơn. Còn ở các giải sau này, họ tham gia chính vì uy tín, sự chuyên nghiệp, tầm ảnh hưởng của những giải trước đó”.

Linh (áo trắng ở giữa) trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo trong một giải bóng đá từ thiện do mình đứng ra kêu gọi.

Để hành trình kết nối đầy nhân ái của Linh diễn ra suôn sẻ. Trước khi có những cái gật đầu, những giải đấu thành công, Linh cũng đã phải viết đi, viết lại những bản kế hoạch, những thư mời, nhận nhiều lời từ chối, xử lý những đòi hỏi oái oăm, thực hiện những công việc đầy áp lực… “Có tận mắt chứng kiến những gia đình khó khăn, những mảnh đời bất hạnh mới cảm thấy những gì mình làm nhỏ bé đến nhường nào. Đó cũng là động lực để tôi chia sẻ nhiều hơn nữa trong khả năng của mình” – Linh trải lòng.