Năm 2016, chỉ tính riêng vitamin và thuốc hỗ trợ, bảo hiểm y tế đã phải chi trả hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là lý do Bộ Y tế đang dự định “cắt” 215 loại thuốc hiệu quả điều trị không rõ ràng, giá thành cao ra khỏi danh mục thuốc do bảo hiểm y tế chi trả.

Ngày 26/12, tại buổi chia sẻ thông tin với báo chí, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, BHXH và Bộ Y tế đang cùng nhau rà soát danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, xây dựng danh mục thuốc mới.

image_763788.jpgBHYT đang phải chi trả số tiền lớn cho vitamin và thuốc hỗ trợ (Ảnh minh họa IT).

Cụ thể, trong Dự thảo Thông tư ban hành danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc tân dược thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT thay thế cho Thông tư số 40 ban hành năm 2014 do Bộ Y tế đang xây dựng, dự kiến sẽ cắt giảm 215 thuốc với nhiều loại thuốc chỉ có tác hỗ trợ điều trị, chi phí lớn, hiệu quả điều trị không rõ ràng, thuốc có hàm lượng “lạ”…

Bà Nguyễn Thị Yến - Phó trưởng Ban Dược và vật tư y tế (BHXH Việt Nam) cho biết, số tiền chi cho thuốc tăng dần đều qua các năm. Nếu như các năm trước số tiền BHYT chi cho thuốc chỉ xấp xỉ 10.000 tỷ, thì đến năm 2015 đã là 25.000 tỷ, năm 2016 là 31.000 tỷ. Tuy nhiên, tỷ trọng thuốc trong tổng chi phí khám chữa bệnh thì giảm từ 60% (giai đoạn 2009-2013) xuống còn 48% năm 2015 và 41% năm 2016, do giá dịch vụ gia tăng.

Trước đó, tại buổi lấy ý kiến các bệnh viện về dự thảo danh mục thuốc được BHYT chi trả, Bộ Y tế đã có báo cáo cho biết, chi phí thuốc BHYT phần lớn tập trung vào 20 nhóm thuốc chính, chiếm 86% tổng chi phí thuốc BHYT chi trả năm 2016. Trong đó, chiếm chi phí cao nhất lần lượt là các nhóm thuốc: kháng sinh, ung thư, điều trị tăng huyết áp, vitamin và khoáng chất.

Chỉ tính riêng nhóm vitamin và khoáng chất, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng Ban dược - vật tư y tế (BHXH Việt Nam) cho biết, nhóm thuốc này đứng thứ 13 trong danh sách mặt hàng chi trả nhiều nhất năm 2016 với hơn 615 tỷ, cao hơn cả chi phí cho máu và các chế phẩm máu cũng như nhóm thuốc kháng viêm, hạ sốt.

Trong số này, quỹ đã chi gần 140 tỷ tiền cho vitamin dạng phối hợp B1, B6, B12, gần 40 tỷ vitamin C, gần 45 tỷ dạng phối hợp vitamin B6 và magnesi, gần 20 tỷ dạng phối hợp vitamin A và D…

Ngoài ra, với các thuốc hỗ trợ điều trị, năm 2016 là gần 440 tỷ đồng trong đó, quỹ đã chi trên 53 tỷ cho thuốc glucosamin (hỗ trợ điều trị xương khớp), gần 25 tỷ cho glutathion (tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa), trên 37 ỷ cho ginkgo biloba để tăng cường chức năng não, gần 90 tỷ đồng cho thuốc tuần hoàn não, bổ thần kinh Peptid (Cerebrolysin concentrate).

Ông Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, việc rà soát danh mục thuốc BHYT chi trả dựa trên nguyên tắc: sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, phù hợp với điều kiện chi trả của Quỹ BHYT và túi tiền của người dân.

Bộ Y tế và BHXH đã thành lập nhiều hội đồng chuyên môn để xem xét hiệu quả điều trị của từng thuốc, cân nhắc xem thuốc nào phù hợp, thuốc nào hiệu quả chưa rõ ràng, thuốc nào lạc hậu thì đưa ra khỏi danh sách. Đồng thời, bổ sung những thuốc hiện đại hơn, hiệu quả điều trị cao hơn và giá thành phù hợp vào danh sách.

“Mô hình bệnh tật hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi với nhiều các bệnh mãn tính. Do đó, danh mục thuốc mới dự tính sẽ đưa vào nhiều loại thuốc điều trị bệnh mãn tính, đáp ứng nhu cầu thực tế, an toàn, hiệu quả cho người bệnh” - ông Khảm nói.

Bà Yến nói thêm, với một số thuốc chi trả cao cho các nhóm bệnh ung thư, Ban xây dựng dự thảo cũng đưa ra hai phương án siết chặt chỉ định dùng thuốc hoặc chi trả theo tỷ lệ thanh toán 40-50%, còn người bệnh chi trả phần còn lại… Năm 2016, chi phí 15 hoạt chất trong nhóm thuốc điều trị ung thư được các bác sĩ kê đơn đã “ngốn” gần 2.700 tỷ tiền thuốc của quỹ BHYT.

Hiện danh mục thuốc do BHYT chi trả có hơn 1.200 loại. Còn theo danh mục thuốc sửa đổi mới, dự kiến có 1.184 thuốc, trong đó có 1.045 thuốc thuộc danh mục thuốc hiện hành. Danh mục mới cũng đề xuất bổ sung thêm 66 thuốc mới và loại bỏ 215 thuốc khỏi phạm vi thành toán của quỹ BHYT. Dự thảo hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi và dự định ban hành trong quý I/2018.

Theo Dantri

TIN LIÊN QUAN