(Baonghean) - Internet là “con dao hai lưỡi”, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận tri thức, nhưng đồng thời kéo theo nhiều tác động tiêu cực đối với lứa tuổi thanh, thiếu nhi. Bảo vệ trẻ trước không gian mạng đang là vấn đề cấp thiết đặt ra không chỉ với các nhà quản lý.

Nguy cơ từ internet

Những ngày hè, gia đình chị Nguyễn Thanh Phương (phường Lê Mao, TP Vinh) đau đầu với việc 2 đứa con suốt ngày “gắn” với chiếc máy tính, lên mạng internet chơi game, đọc truyện, xem phim… Bố mẹ đi làm cả ngày, không có nhiều thời gian để giám sát con chơi trò gì; đọc truyện, xem phim gì, trong khi hiện nay trên mạng internet đầy rẫy những đường link bạo lực, đồi trụy khiến gia đình chị rất lo lắng. 

images1649897_bna_57a74a19e54db.jpgDạy công nghệ thông tin cho học sinh cần gắn với dạy kỹ năng phòng, tránh 'bẫy' trên internet (ảnh hội thi tin học trẻ huyện Diễn Châu).

Chị Phương cho biết: “Mấy tháng trước vợ chồng tôi đã thuê công ty máy tính đến cài phần mềm quản lý giờ giấc và lịch sử truy cập. Thời gian đầu kiểm tra không có điều gì bất thường, nhưng sau đó chồng tôi phát hiện ra các con nhờ bạn tìm kiếm, tải về phần mềm vượt tường lửa và cài đặt vào máy tính của gia đình. Phần mềm ẩn, khi truy cập không xuất hiện lên thanh công cụ lịch sử, nên kiểm tra thông thường không thấy được”. Con trẻ thành thạo công nghệ hơn bố mẹ khiến vợ chồng chị Phương khổ sở vì không cho các con tiếp cận internet thì không được, nhưng cho sử dụng thì chẳng thể quản lý.

Học sinh dự Hội thi tin học trẻ huyện Nghĩa Đàn năm 2016.

Trường hợp như gia đình chị Phương được xem là vấn nạn hiện nay của nhiều gia đình có con nhỏ, nhất là vào dịp hè, các em không phải đến trường. Internet là nguồn dữ liệu khổng lồ về thông tin, giúp trẻ em mở mang kiến thức, nhưng nếu không có sự kiểm soát, giáo dục hiệu quả từ gia đình, internet cũng là “con dao hai lưỡi” gây nên hậu quả khó lường. Khoa Rối loạn hành vi trẻ em và lão niên - Bệnh viện Tâm thần Nghệ An thời gian gần đây tiếp nhận rất nhiều ca trẻ em, thanh thiếu niên bị rối loạn hành vi, nguyên nhân phần đa là do nghiện game online, nghiện internet. Không ít trường hợp trẻ em mới 7 - 8 tuổi nhưng đã phải nhập viện vì ảo giác từ các trò chơi bạo lực, bắn giết, có xu hướng lầm lì, ít nói, dễ nổi khùng và giải quyết mọi việc bằng nắm đấm, ngay cả với người thân trong gia đình. Lại có nhiều trường hợp thiếu niên nghiện đọc truyện, xem phim “người lớn” trên mạng làm tâm sinh lý rối loạn, dẫn đến những hành vi lệch chuẩn… 

Tại Nghệ An, dịch vụ internet phát triển với tốc độ rất nhanh, khoảng 12 – 16%/năm. Toàn tỉnh hiện có hơn 700 cơ sở kinh doanh dịch vụ internet công cộng. Thực hiện Nghị định 72/CP; Thông tư 23/2013/TT-BTTTT quy định quản lý điểm truy cập internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; Quyết định số 44/2014/QĐ-UBND ngày 28/7/2014 của UBND tỉnh Nghệ An, Sở TT&TT đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ internet. Tuy nhiên, hiệu quả giải quyết chưa cao.

Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật vì thiếu tiền chơi game hoặc bị kích thích từ các hành động bắn giết, bạo lực trong game; không chỉ trộm cắp, thậm chí còn liều lĩnh sử dụng hung khí, khống chế người đi đường cướp của, như trường hợp 4 đối tượng tuổi “teen” ở TP. Vinh đã bị công an bắt giữ vào tháng 11/2015. Thời điểm đó, Cao Văn Điệp (SN 2000), Phạm Hậu Giang (SN 1998), Cao Trọng Quân (SN 1998) và Nguyễn Đình Anh (SN 1998) mang theo hung khí đến khu vực phường Nghi Hương (TX. Cửa Lò), khống chế chị Võ Thị Thu Thảo lấy đi 1 xe đạp điện, 3 điện thoại di động tổng trị giá khoảng 14 triệu đồng. Sau khi bị bắt giữ, các đối tượng khai nhận vì thiếu tiền chơi game và tiêu xài nên nảy sinh hành vi cướp của. “Kịch bản” vụ cướp cũng được “hiện thực hóa” từ một tình huống trong trò chơi trên mạng.

Cách đây khoảng 1 năm, vào tháng 3/2015, dư luận phẫn nộ trước hành vi hiếp dâm trẻ em của đối tượng Bùi Đăng Thanh (xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ). Đối tượng thường lên mạng xem phim sex, bị ám ảnh bởi những hình ảnh trong các bộ phim “đen” nên khi sang nhà cháu L (12 tuổi) để chơi, thấy cháu L ở nhà một mình, đối tượng đã mở phim sex cho cháu L xem và dùng vũ lực thực hiện hành vi cưỡng hiếp. Ngoài ra, nhiều trẻ em gái vị thành niên bị rơi vào đường dây mua bán người do dại dột tin lời rủ rê qua mạng internet… 

Cần có sự cảnh báo, xử lý hiệu quả

Ông Bùi Quang Phương - Trưởng phòng VHTT TP. Vinh cho biết, thành  phố có 225 cơ sở kinh doanh internet, 2/3 trong số đó đã được cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động với các tiêu chí “cứng” như diện tích, ánh sáng, khoảng cách xa trường học… Tuy nhiên, các quy định có tính chất kiểm soát chặt lại rất khó đảm bảo như việc cấm kinh doanh sau 22h đêm, nhiều cơ sở đóng cửa bên ngoài nhưng bên trong vẫn lén lút cho khách chơi; hoặc quy định người chơi phải khai báo tên, tuổi để chọn trò chơi phù hợp nhưng ai đảm bảo thông tin ấy là thật; rồi cấm chơi game có yếu tố bạo lực, nhưng bây giờ game trực tuyến máy chủ nước ngoài đầy rẫy trên mạng, rất dễ dàng truy cập…

Cũng tương tự như vậy là các trang “web đen” đăng tải phim, truyện, thậm chí là truyện tranh, phim hoạt hình có nội dung và hình thức đồi trụy. Gần đây, nổi lên ứng dụng Bigo L., dễ dàng tạo tài khoản, nhiều đối tượng lợi dụng để quay video trực tiếp các cảnh ăn chơi thác loạn, hình ảnh khoe thân, chat sex… Điều đáng nói là rất nhiều chủ tài khoản trên ứng dụng này đang ở độ tuổi vị thành niên. 

Các cửa hàng kinh doanh game online đông nghịt khách hàng trong dịp hè.

Theo Bác sỹ CKI Nguyễn Đức Toàn - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, qua quá trình tư vấn, điều trị cho nhiều bệnh nhân vị thành niên bị rối loạn hành vi do nghiện internet, nhận thấy một điểm chung là đều có hoàn cảnh gia đình thiếu ổn định. Bố mẹ ly hôn, bỏ bê con cái; hoặc gia đình giàu có nhưng bố mẹ mải mê kiếm tiền, không quan tâm con nghĩ gì, làm gì; hoặc điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ thường xuyên cãi vã, dẫn đến việc nảy sinh tâm lý ức chế, chán nản, tiêu cực trong con cái… Lứa tuổi vị thành niên thường có tâm sinh lý bất ổn, khi gặp tình cảnh ấy thường tìm đến các trò giải trí để khuây khỏa và chìm đắm vào đó lúc nào không hay. Vì vậy, để ngăn chặn hiểm họa từ internet, giải pháp cốt lõi nhất là sự quan tâm của các ông bố, bà mẹ với chính con em mình. 

Bộ LĐ-TB&XH vừa phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) xây dựng Đề án bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Mục tiêu của đề án là để mọi trẻ em được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng; được hưởng lợi ích từ việc sử dụng tiện ích của Internet mà không có nguy cơ; trẻ em là nạn nhân của các hình thức xâm hại trên môi trường mạng được phát hiện và hỗ trợ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và quốc gia. Thời gian thực hiện đề án từ năm 2016 - 2020, trên phạm vi cả nước, chú trọng các thành phố, khu vực đô thị - nơi có tỷ lệ lớn trẻ em tham gia sử dụng các ứng dụng tiện ích trong không gian mạng.

Cùng với đó là vai trò quan trọng của công tác giáo dục trẻ tại nhà trường. Theo ông Lê Thái Hòa - Phó Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh, hiện nay ngành Giáo dục chủ yếu mới dạy học sinh về công nghệ thông tin, về cách tìm kiếm thông tin trên internet chứ chưa chú trọng dạy về kỹ năng phòng, tránh những “bẫy” bạo lực, đồi trụy, cảnh báo về hiểm họa của thế giới ảo. Kiểm soát dịch vụ internet, thường xuyên tổ chức các đợt tấn công, truy quét tội phạm trên “thế giới ảo” là trách nhiệm của các nhà quản lý, nhưng nếu như không có sự đồng hành quyết liệt, bền vững của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, thì hiểm họa từ internet với giới trẻ khó có thể được ngăn chặn triệt để.

Bài, ảnh: Phương Chi

TIN LIÊN QUAN