(Baonghean.vn)- Tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo; những căn cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về giải quyết tranh chấp chủ quyền biển... là những nội dung được truyền đạt tại Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về biển, đảo dành cho cán bộ quản lý các trường đại học, học viện khu vực phía Bắc diễn ra trong 2 ngày 28-29/9.
Hội nghị do Bộ GD&ĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức tại TP Vinh.
Đồng chí Phạm Văn Linh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện các trường đại học, học viện khu vực phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra. Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và một số ban, ngành liên quan.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên từ Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đại học Quốc gia Hà Nội và một số chuyên gia về biển, đảo báo cáo các chuyên đề và trao đổi, thảo luận về các nội dung như: tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Việt Nam; luật pháp về biển, những căn cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo, nhất là tranh chấp chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trên cơ sở nội dung được tập huấn, các đại biểu dự Hội nghị có trách nhiệm xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo tại các đơn vị trong năm 2016.
Những thông tin, kiến thức trình bày tại Hội nghị sẽ góp phần bổ sung kiến thức, nâng cao nhận thức, góp phần tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ trí thức, lực lượng thanh niên, sinh viên công tác, học tập trong các trường đại học, học viện. Qua đó nâng cao tình cảm, trách nhiệm với biển, đảo của Tổ quốc; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về biển, đảo trong thời gian tới.
Về chiến lược bảo vệ môi trường biển, Việt Nam và các nước trên thế giới chú trọng phương châm “lấy đại dương nuôi đại dương”: chuyển từ tư duy khai thác sang tư duy phát triển hiệu quả, bền vững; chuyển từ khai thác tài nguyên tươi sống, dạng thô sang chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng và tiết kiệm tài nguyên; chuyển từ chú trọng khai thác tài nguyên vật chất sang khai thác các giá trị chức năng, giá trị không gian của cả hệ thống tài nguyên biển và đại dương, trong đó có hệ sinh thái.
Dựa vào tiến bộ khoa học công nghệ để khai thác phục vụ lợi ích quốc gia và trở thành các cường quốc đại dương trên cơ sở phát triển nền khoa học công nghệ biển và đại dương tiên tiến, hiện đại. Hội nghị cũng xác định “Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương”, trở thành luận điểm chung để bảo vệ môi trường biển và thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Các chuyên đề được trình bày tại hội nghị sáng 28/9 khẳng định, trong bối cảnh loài người đang phải đối mặt với nỗ lực và ứng phó với những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu, thì biển và đại dương lần nữa khẳng định vai trò toàn cầu của nó.
Biển Đông - 1 trong 6 biển lớn của thế giới, không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là khu vực có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa quan trọng của các quốc gia liên quan và được nhiều nước trên thế giới quan tâm; là vùng biển có vai trò quan trọng về sinh thái và sinh học, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa.
Biển Đông là cầu nối hai đại dương, nối châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á qua tuyến hàng hải quốc tế với hơn 60% lượng hàng hải quốc tế đi qua. Biển Đông có nguồn tài nguyên phong phú về cả sinh vật biển và đặc biệt là khoáng sản, trong đó có các mỏ dầu.
Vì vậy, trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ ven biển thì có 9 nước đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Trung Quốc với tham vọng độc chiếm Biển Đông khi đưa ra yêu sách "Đường 9 đoạn" bao trọn hơn 80% diện tích Biển Đông. Những tình hình đó ảnh hưởng lâu dài đến lợi ích quốc gia và chủ quyền của Việt Nam.
Với vai trò quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta xác định phát triển kinh tế biển với 3 chủ trương, giải pháp lớn. Trong đó, phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển về kinh tế biển và đảm bảo quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế. Ngoài ra, cũng xác định, phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo gắn với phát triển vùng nội địa và bảo vệ môi trường.
Định hướng phát triển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam là giữ vững lập trường nhất quán Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương phù hợp với hiến chương Liên Hợp quốc, với UNCLOS.
Hội nghị đã đưa ra nhiều nhận xét về tình hình và lịch sử tranh chấp; nêu lên một số hạn chế thường gặp và các giải pháp trong tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Các đại biểu cũng được nghe hướng dẫn nhận dạng các tranh chấp trên biển hiện nay và nguyên tắc pháp lý để giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và phân định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn.
Chiều 28/9, các đại biểu sẽ được nghe 2 chuyên đề: “Tình hình Biển Đông thời gian qua và một số vấn đề đặt ra trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiện nay”, do Đại tá Nguyễn Văn Đông - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân trình bày; “Một số trao đổi về kinh nghiệm công tác tuyên truyền biển, đảo trước tình hình mới” do TS. Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ truyền đạt.
Ngày 29/9, các đại biểu dành thời gian thảo luận và xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo tại đơn vị mình.
Hoài Thu