(Baonghean) Một cán bộ hưu trí vốn là người “ham” thông tin, nên thường sang nhà ông hàng xóm là bí thư chi bộ để đọc “ké” báo đảng.
Báo có nhiều thông tin hàng ngày thiết thực, hấp dẫn, nhưng không hiểu sao thông tin thường bị ngắt quãng... “cách nhật”, bí nhất là khi theo dõi các bài báo điều tra đăng nhiều kỳ hay những vấn đề thời sự có tính tiếp nối thông tin thì không tìm thấy số báo nối tiếp tiếp theo để đọc. Vậy là ông cán bộ hưu trí nọ phải cập nhật thông tin theo kiểu phập phù ngày có, ngày không. Hỏi ông bí thư chi bộ, thì được trả lời là báo do bưu tá đưa 2 ngày 1 lần, mỗi lần chỉ 1 tờ dù đó là nhật báo (?!).
Thì ra, xã này đã “sáng kiến’, “tiết kiệm” bằng cách, Đảng bộ xã có 12 chi bộ thì 6 chi bộ đặt mua báo vào ngày chẵn, 6 chi bộ kia đặt mua báo vào ngày lẻ. Cứ thế luân phiên “cách nhật”... đặt mua nhật báo; còn chuyện thiếu hụt, phập phù thông tin không quan trọng!
Vậy, lãnh đạo xã nọ quan trọng điều gì? Đó là bưu tá cũng “khỏe” vì đỡ công đưa báo, kinh phí mua báo được “tiết kiệm”, thành tích cũng “ổn” vì có báo đảng ở tất cả các chi bộ! Chỉ không ổn ở nhận thức của lãnh đạo xã khi xem nhẹ việc cập nhật thông tin và đặt mua báo một cách đối phó, chưa thực hiện nghiêm chỉ thị về việc mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng. Nhật báo là mang tính thời sự, bàn luận cao về các vấn đề phát sinh hàng ngày. Việc không đọc báo dẫn đến thiếu thông tin, nhưng việc cập nhật thông tin không đầy đủ lại dẫn đến sự hiểu biết sai lệch vấn đề và như thế thì ngoài nhận thức của cán bộ, đảng viên bị hạn chế, còn ảnh hưởng lớn đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng cơ sở.
Hiện tượng này, cần được sửa chữa, chấn chỉnh kịp thời.
Cập nhật thông tin... “cách nhật”!
Tuấn Minh