Có điều lạ, đang giữa tháng năm nắng se sắt vàng, các bạn cho biết đã gần nửa năm rồi Cao Bằng không mưa, thế mà rừng núi vẫn ngăn ngắt xanh, những nương ngô trải dài hai bên đường vào cửa khẩu Tà Lùng vẫn ngăn ngắt xanh và hàng trăm héc ta lúa nước cao và sâu vời vợi, tít trong khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cũng vẫn ngăn ngắt xanh... Đó không phải của trời cho, mà là sự nỗ lực cố gắng vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng trong việc đắp đập ngăn khe, làm thuỷ lợi và dựng các cọn nước khắp nơi để bắt những dòng nước ít ỏi rẽ ngoặt lên nương rẫy.

Một điều cũng lạ nữa, những dòng nước ít ỏi do cọn nước múc lên từ khe suối không đổ vào các ống tre ống nứa như nhiều nơi khác, mà ven các chân đồi cho đến ngoài đồng mương máng hầu hết đã được xây bằng bê tông. Lần đầu tiên tôi thấy các con mương bằng bê tông trên vùng núi cao, như những con trăn khổng lồ luồn lách ngoằn ngoèo dọc các sườn đồi rồi bò xuống các thửa ruộng bậc thang! Nhìn các cánh đồng lúa nước tốt bời bời khá rộng và những sườn đồi trải dài một màu ngô xanh ngắt, tưởng nhân dân Cao Bằng đã no đủ. Không ngờ anh Hà Văn Tiến, Phó Ban Tuyên Giáo Tỉnh uỷ cho biết mặc dầu mấy năm nay đã đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân 11% năm, nhưng đến nay Cao Bằng vẫn còn 40% hộ dân thuộc diện nghèo đói, thu nhập bình quân tính theo đầu người mới được xấp xỉ 300 USD/ năm, vào tốp những tỉnh nghèo nhất trong cả nước! Tại xã Trung Hà thuộc huyện Hà Quảng, nơi có hang Cốc Pó, in dấu chân đầu tiên của Bác Hồ trở về Tổ quốc sau hơn ba chục năm bôn ba tìm đường cứu nước, mặc dầu đường sá, điện nước, trường học tốt hơn trước nhiều nhưng vẫn còn tới 211 trên tổng số 370 hộ dân trong xã thuộc diện nghèo đói, chiếm tỷ lệ 71%.

Tôi hỏi anh Nông Thái Học, Chủ tịch xã, ngân sách thu mỗi năm được bao nhiêu? Anh cười và giơ lên ba ngón tay. Ba trăm triệu hả? Tôi hỏi. Anh lắc đầu: Ba triệu. Sao ít ỏi thế? Chợ không, tài nguyên không, dịch vụ cũng không thì thu cái chi cho ra tiền? Thế ngoài nông nghiệp ra, dân không có nghề phụ nào khác hả? Có chứ, ở đây có hai nghề truyền thống là làm hương và sản xuất giấy bản từ các loại vỏ cây trong rừng. Đã có hơn năm chục hộ thường xuyên làm nghề này và tiêu thụ khá tốt nhưng vẫn theo lối rất thô sơ như cha ông ngày trước nên thu nhập còn rất ít ỏi, bình quân mới được 11 triệu đồng mỗi hộ một năm. Chính quyền đang khuyến khích dân làm nên không thu gì của họ cả. Thế xã lấy tiền đâu mà hoạt động? Trên trợ cấp thường xuyên cho xã ta hàng năm hơn 400 triệu đồng. Nghĩa là tiền trợ cấp ngân sách của cấp trên gấp hơn 130 lần nguồn thu của xã? Cũng phải thôi. Cao Bằng mỗi năm chi hết 1500 tỷ đồng mà nguồn thu tại chỗ của tỉnh mới được 220 tỷ...

Điều dễ nhận thấy trong những ngày này ở Cao Bằng là cả tỉnh như một công trường khổng lồ, đang ngổn ngang và nhộn nhịp khẩn trương triển khai 9 chương trình kinh tế xã hội lớn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vừa đề ra. Trung tâm của sự nhộn nhịp vẫn là ở Thị xã Cao Bằng. Về mặt hình thế địa lý, có thể nói không đâu trong cả nước đẹp như thị xã Cao Bằng. Không một thành phố, thị xã nào trong cả nước có được diễm phúc ba dòng sông hợp lưu giữa lòng thị xã như Cao Bằng. Vào thị xã dù đi theo hướng nào cũng phải qua sông qua cầu. Đẹp nhưng chật chội quá, không đủ chỗ cho dân ở và mở rộng sản xuất kinh doanh, vì thế đất giữa thị xã Cao Bằng đắt không kém gì Hà Nội. Bạn tôi, một nghệ sĩ nhiếp ảnh khoe nhà anh ở mặt phố sát hai đầu có hai chợ lớn nên chỉ hơn bảy chục mét vuông đất mà có người đã gạ mua hơn ba tỷ đồng (nghĩa là mỗi mét vuông bảy mươi triệu) nhưng anh không bán.

Ngay từ tối đầu tiên vừa đặt chân đến Thị xã Cao Bằng chúng tôi có cảm giác như mình đang đi trên tàu lượn trên không chứ không phải ngồi trên ôtô, vì cách dưới chân chúng tôi hàng chục mét mới là phố xã tấp nập. Thì ra, chúng tôi cứ theo lối cũ nên nhầm đường. Loay hoay hỏi đường rồi vất vả luồn lách trồi trụt qua những đống đất đá mấp mô một lúc khá lâu, xe chúng tôi mới hạ dần được độ cao, đặt bánh xuống một con đường bằng phẳng thênh thang mới mở, còn nồng nàn mùi hắc ín. Hoá ra người ta đang san bạt hàng loạt ngọn đồi quanh thị xã để xây dựng những khu phố mới. Đây là một trong những chương trình hành động được ưu tiên của Đảng bộ tỉnh để phát triển thị xã Cao Bằng đạt tiêu chuẩn Đô thị loại III của cả nước.

Có một nét làm tôi thoáng buồn là trước đây lên Cao Bằng, tôi rất mê những hàng Dạ Hương và Nghiến..là những cây đặc sản quý hiếm, được trồng từ thời thuộc Pháp, đã có trên trăm tuổi, và đã trở thành cổ thụ đến vài người dang tay ôm chưa khít gốc, đứng uy nghi trầm mặc như những vệ binh trên các đường phố, làm tôn thêm vẻ đẹp huyền bí của một thị xã vùng sơn cước. Thế mà bây giờ không hiểu sao đã bị chặt đốn gần hết.

Tôi chợt nhớ tới Vinh, một thành phố gần nửa thế kỷ qua đã hai lần bị chiến tranh của đế quốc xâm lược tàn phá đến mức huỷ diệt, không còn bất cứ một ngôi nhà cổ nào trước năm 1945 còn tồn tại. Thế mà may thay trên mảnh đất ngổn ngang đổ nát ấy còn sống sót được hơn năm mươi cổ thụ được trồng từ thời thuộc Pháp, đã có tới trên một trăm năm tuổi. Nhân dịp kỷ niệm 210 năm Phượng Hoàng Trung Đô - Vinh (1789- 1999) các nhà lãnh đạo thành phố lúc đó đã có một sáng kiến hay: Coi những cổ thụ này là một tài sản quý hiếm của thành phố và giao cho Công ty Cây xanh - Công viên lập hồ sơ bảo quản, thường xuyên kiểm tra chăm sóc sức khoẻ cho từng cây rồi đánh số thứ tự, ghi dấu trên bản đồ và đeo biển dẫn tích cho từng cây để tất cả mọi người dân phải có ý thức bảo vệ, tôn tạo, coi đó là những chứng nhân lịch sử của thành phố...

Cao Bằng không chỉ có hang Cốc Bó với núi Các Mác, suối Lênin vừa là đất thiêng vừa là thắng cảnh tuyệt vời, khu rừng nguyên sinh Dền Sinh thuộc dãy Khau Áng hùng vĩ, đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với cái tên do đồng chí Võ Nguyên Giáp đặt là khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22 tháng 12 năm 1944, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay, không chỉ là Di tích Lịch sử và Cách mạng, mà còn là khu rừng nguyên sinh đầy thơ mộng hoàn toàn đủ tiêu chuẩn một khu nghỉ mát và du lịch sinh thái lý tưởng. Chỉ với ba món đặc sản quý hiếm của Cao Bằng: cải xoong nhổ dưới khe, rau Dạ Yến hái trong rừng và rượu nếp rẫy ngâm bọng o­ng rừng còn nguyên o­ng non và mật béo ngậy thì cả nước này không đâu sánh được Những thứ ấy không phải bày trong khách sạn với buồng máy lạnh, mà sau khi leo hơn ba trăm bậc đá luồn lách giữa rừng sâu lên lưng chừng núi, quây quần dưới tán cổ thụ trong rừng Dền Sinh mà ăn mà uống rồi ngả lưng trên thảm lá khô dày, lim dim mắt mơ màng trong thoang thoảng mùi hoa dẻ và tiếng trầm trầm đa điệu của ve rừng như tiếng đàn tinh tẩu thì mới cảm nhận được hết vẻ quyến rũ của Cao Bằng.

Đây không chỉ là vùng đất thiêng, mà là một vùng đất có những nét riêng kỳ lạ. Riêng từ tiếng ve kêu không giống bất kỳ ở nơi nào trong cả nước. Bắt đầu là hai âm rất trầm và dài, sau đó mới ngân lên dần rất mỏng và nhẹ như âm thanh đàn tính, không hề chói chang gay gắt như tiếng ve trưa nắng giữa Thành Vinh. Nắng Cao Bằng cũng rất riêng: Buổi sáng mỏng, nhẹ và hanh hanh như nắng Đà Lạt. Trưa nồng và gay gắt như nắng miền Trung. Ngả sang chiều lại vàng sánh và dịu như mật o­ng của miệt trung du... Gió Cao Bằng cũng rất lạ, luôn thoang thoảng mùi dịu ngọt của những thứ hoa rừng nào đó rất giống mùi hoa Ngọc Lan nhưng đằm thắm và ngây ngất hơn... Các nhà nhiếp ảnh từ Thành phố Hồ Chí Minh ra còn phát hiện thêm một nét riêng nữa là màu nước ở suối Lênin cạnh hang Cốc Bó cũng rất lạ. Hình như dưới các lòng khe suối vùng này có một thứ tảo đặc biệt nào đó tiết ra một chất lạ làm cho nước suối ở đây bốn mùa đều có một màu xanh lam ngọc bích. Bất cứ du khách từ đâu đến Pắc Bó vào dịp nắng hè đều có chung một khao khát cháy bỏng là được đắm mình một lần trong màu nước ngọc bích kỳ lạ ấy.

Rất riêng nữa là vẻ đẹp kỳ diệu của thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao. Thác Bản Giốc ba bậc nổi tiếng cả nước từ lâu thì ai cũng đã biết. Còn động Ngườm Ngao với những vẻ đẹp huyền bí như thiếu nữ sơn cước thì gần đây mới được chính quyền tỉnh và ngành Du lịch đầu tư hệ thống hạ tầng cho khách tham quan vào chiêm ngưỡng. Ngoài những nhũ đá với đủ màu sắc hình thù kỳ lạ, lạ như trong động Phong Nha thì ở Ngườm Ngao còn có một nét rất đặc biệt là càng vào sâu hang càng bằng phẳng, khô ráo, mát mẻ và đặc biệt càng to rộng, có thể chứa được cả ngàn người. Tiếng Tày Ngườm là hang, Ngao là hổ. Ngườm Ngao là hang của hổ. Ngày xửa ngày xưa hổ dữ đã trú ngụ và sinh con đẻ cái trong hang này...

Tôi đang quây quần với anh em văn nghệ sĩ Cao Bằng và kể về những nét riêng rất đặc sắc của vùng đất này theo cảm nhận của mình thì có một giọng con gái chen vào:

- Còn một nét riêng rất đẹp rất quý nữa mà chưa thấy anh nhắc đến...

Lạ chưa, một giọng con gái đất Nghệ. Tôi thảng thốt quay lại nhưng không thể nhận ra ai trong số mấy cô gái xinh đẹp đang ngồi bá vai nhau thành một tốp. Nhà văn Đoàn Lưu, Chủ tịch Hội Văn Nghệ Cao Bằng bước lại cạnh một cô gái còn khá trẻ, dáng người dong dỏng với khuôn mặt khá xinh:

- Các anh là người Nghệ nhưng có lẽ chưa biết vị đồng hương này đâu. Đây là người nắm quyền uy về luật pháp to nhất tỉnh Cao Bằng và là một trong những Tỉnh uỷ viên trẻ nhất của Đảng bộ chúng tôi nhiệm kỳ này đó. Uy quyền ghê thế nhưng cái tên lại rất thơ: Tố Nga, người đẹp trong trăng đó.

Tưởng Lư nói đùa cho vui nhưng tôi hỏi anh bạn văn xuôi Hữu Tiến ngồi cạnh thì anh cũng gật đầu và bổ sung thêm:

- Chị Tố Nga, Giám đốc Sở Tư pháp, là một trong những giám đốc sở trẻ nhất của tỉnh này đó. Mà cũng lạ thật, người Nghệ các anh trông hiền vậy mà ra đây phần lớn lại làm việc trong ngành nội chính. Ngoài chị Nga, còn có anh Dũng, Phó chỉ huy Bộ đội Biên phòng, anh Tùng, phó phòng cảnh sát Giao thông cũng là người Nghệ...

Tôi cười và đặt một tay lên vai Hữu Tiến:

- Người Nghệ chúng tôi từ thuở xa xưa đã là những nông dân giỏi cầm gươm cầm súng bảo vệ Tổ quốc hơn là cầm cày mà?

Quốc lộ 2 từ phía Thái Nguyên Bắc Cạn lên Cao Bằng đã được mở rộng và nâng cấp xong. Quốc lộ 4 từ phía Lạng Sơn sang cũng đang được nâng cao và mở rộng. Các đèo Bông Lau, Thất Khê, Đông Khê cũng đang được hạ độ cao và nắn bớt dốc ngoằn ngoèo.

Các nẻo đường đến Cao Bằng đang tốt dần lên, các loại tài nguyên quý hiếm như thiếc, măng gan, nhôm, sắt.. đang được đầu tư khai thác. Cửa khẩu Tà Lùng đang đề nghị được nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế và đặc biệt với rất nhiều di tích lịch sử và tiềm năng danh thắng du lịch rất hấp dẫn bởi những nét rất riêng rất hiếm của nơi này cọng với bản tính hiền hoà, trung thực, vừa đẹp vừa đa cảm và mến khách của con người Cao Bằng, dù đó là Tày, Nùng, Mông, Dao hay Lô Lô, Sán Chỉ... thì Cao Bằng trở nên rất thân thương và gần gũi. Cao Bằng không cách xa, trái lại luôn có sức hút kỳ lạ và níu giữ bạn bè...


Bá Dũng - BNA