(Baonghean) - Xác định xe chở quá khổ, quá tải là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, làm hư hỏng hạ tầng đường bộ nên Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Nghệ An đã tăng cường kiểm tra, cân tải trọng xe và cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Bằng các giải pháp triển khai đồng bộ, phòng đã góp phần hạn chế phương tiện quá tải hoạt động trên địa bàn.
Với nhiều giải pháp tích cực, phối hợp các lực lượng, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Nghệ An (phòng CSGT) đã từng bước ngăn chặn, kiên quyết xử lý các phương tiện quá khổ, quá tải trên tất cả các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh. Đặc biệt như tuyến QL 1A, lưu lượng xe vận tải hàng ngày chạy qua khá nhiều, trong đó có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh chuyên chở xi măng, vật liệu xây dựng.
Thực hiện công văn chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh và Công an tỉnh Nghệ An về việc xử lý xe quá khổ quá tải, Trạm CSGT Diễn Châu (thuộc Phòng CSGT) đã tăng cường lực lượng kiểm tra lưu động, cắm chốt trên các tuyến đường, kiên quyết xử lý, buộc hạ tải trọng đối với các loại xe chuyên chở xi măng, vật liệu xây dựng.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, Trạm CSGT Diễn Châu trên tuyến QL1A đã xử lý gần 1.000 xe quá khổ, quá tải, trong đó quá khổ 600 xe, gần 400 xe quá tải; tước 714 giấy phép lái xe, tạm giữ 26 phương tiện liên quan quá khổ, quá tải, truy thu nộp ngân sách Nhà nước trên 8,7 tỷ đồng.
Đại úy Phạm Văn Lực - Trạm phó Trạm CSGT Diễn Châu cho biết: Nghị định 46/CP/2016 của Chính phủ quy định xử phạt đối với người điều khiển xe vi phạm, quá khổ, quá tải có mức thấp nhất 3,9 triệu đồng, cao nhất gần 100 triệu đồng, phần nào răn đe được tình trạng chở quá tải. Tuy nhiên, nhiều lái xe vẫn bất chấp, lợi dụng các quãng đường ngắn giao cắt để chở quá tải. Khó khăn đặt ra hiện nay là tuyến QL 1 dài gần 100 km, có 25 km đường tránh TP. Vinh nhưng lực lượng Trạm CSGT 1-5 mỏng, khi phát hiện xe vi phạm phải đưa xe đến các trạm cân tư nhân cách xa hàng chục km để cân tải trọng; chưa kể là Đội chưa có các bến bãi hạ tải, chưa có kho trông giữ hàng hoá… nên ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm.
Đối với tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua Nghệ An với chiều dài gần 150 km từ xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn), đến xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Lợi dụng có nhiều đường ngang giao cắt với QL 7, QL 48, Q 15… nên các tài xế xe quá khổ, quá tải thường trốn tránh. Hoạt động của các xe tải trọng lớn khiến một số đoạn đường và các tuyến giao cắt bị xuống cấp, hư hỏng.
Trước tình hình đó, Đội CSGT số 3 (quản lý ATGT đường Hồ Chí Minh) đã lên kế hoạch xử lý các trường hợp xe vi phạm quá khổ, quá tải. Đại diện Đội CSGT số 3 cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát, Đội CSGT số 3 phối hợp với lực lượng chức năng các huyện, kiểm tra phát hiện và lập biên bản 270 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải (chủ yếu chở vật liệu xây dựng, ngô, mía…) nộp Kho bạc Nhà nước 1,5 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hơn 50 trường hợp.
Điểm nóng khác phải kể đến tuyến QL 48, điểm đầu là ngã ba Yên Lý (xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu), điểm cuối cửa khẩu Thông Thụ, huyện Quế Phong. Để xử lý hiệu quả xe quá khổ, quá tải, Trạm CSGT -148 đã cắt cử các lực lượng chốt chặn tại ngã ba Săng Lẻ (xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp), đây là tuyến đường các xe vận tải chở đá trắng thường qua lại.
Để đối phó với cảnh sát giao thông, các loại xe này thường đi vào các thời điểm 1-2 giờ sáng để trốn tránh, lợi dụng khi lực lượng “thay ca đổi kíp” để vận chuyển. Khi phát hiện các xe vi phạm về trọng tải, đội kiên quyết lập biên bản xử phạt, đồng thời yêu cầu đưa xe về bãi để hạ tải. Đối với xe tự ý thay đổi kích thước thì sau khi hạ tải, buộc phải cắt bỏ tại chỗ phần cơi nới sai quy định mới được tiếp tục lưu thông.
Thời gian qua, Phòng CSGT tỉnh thường xuyên bố trí, duy trì lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm chở quá tải trọng trên các tuyến giao thông.
Đặc biệt, việc đưa các trạm cân cố định điện tử vào hoạt động trên các tuyến đường đã giúp lực lượng công an thuận lợi triển khai kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm tải trọng. Phòng CSGT cũng đã tổ chức ký cam kết không vận chuyển hàng hóa quá tải trọng cho phép đến 100% doanh nghiệp kinh doanh vận tải và doanh nghiệp chế biến khoáng sản trên địa bàn. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nên một số tuyến đường trước đây từng được xem là "điểm nóng" của quá tải trọng đến nay đã giảm thiểu.
Theo đánh giá của phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Nghệ An, hiện nay số lượng phương tiện chạy đường dài bị xử lý vi phạm tải trọng rất ít. Các xe vi phạm chủ yếu là chở vật liệu xây dựng chạy đường ngắn hoặc nội tỉnh. Trong khi ý thức tự giác của chủ hàng, chủ xe và lái xe chưa cao, giải pháp hiện nay vẫn là tăng cường xử lý liên tục và mạnh tay nhằm kiểm soát tình trạng chở quá tải.
Đại tá Cao Minh Phượng - Trưởng phòng CSGT tỉnh chia sẻ: Việc xử lý các phương tiện vi phạm vẫn còn gặp những khó khăn như lái xe và chủ phương tiện tìm mọi cách để trốn tránh, thậm chí cử người theo dõi hoạt động của lực lượng CSGT và các lực lượng chức năng, lợi dụng thời điểm các lực lượng thực thi công vụ vắng mặt để thực hiện hành vi vi phạm. Việc áp dụng chế tài hạ tải dọc đường gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra: như dễ gây ách tắc giao thông, thiếu phương tiện, công cụ và lực lượng xếp dỡ hàng hóa, thiếu bến bãi, kho hàng, thậm chí trong một số trường hợp xe chở container hàng hóa xuất nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện đã kẹp “seal” chì của hải quan thì không thể hạ tải dọc đường được... Vì thế, cần phải quy định cơ chế phối hợp cho các lực lượng chức năng được quyền vào các kho hàng, bến bãi, cảng, khu công nghiệp, khu chế xuất… để kiểm tra tải trọng ngay các điểm xuất phát hàng.
Từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT tỉnh đã lập biên bản, xử lý 7.067 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải, trong đó có 350 trường hợp cải tạo thành, thùng xe; tước giấy phép lái xe 3.981 trường hợp, tạm giữ 178 xe ô tô quá tải, xử phạt nạp Kho bạc Nhà nước hơn 56 tỷ đồng.
Văn Trường