(Baonghean.vn) - Từ đầu tháng 1/2015 đến nay, tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 50 cháu bị thủy đậu, thậm chí có cháu bị biến chứng của bệnh này.
 
Sáng ngày 3/2, có mặt tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi, theo chân các y, bác sỹ đi đến các phòng thấy nhiều cháu nổi thuỷ đậu kín mặt, tay, chân và người. Loay hoay với đứa con đang khóc vì ngứa và xót do bệnh, chị Lê Thị Thu Hồng, mẹ bé Lê Bá Hoàng An (5 tháng rưỡi) ở phường Đông Vĩnh – Thành phố Vinh cho biết: “Cháu bị lây từ anh trai và mẹ. Sau khi bị nhiễm bệnh cháu bị ban nổi hàng loạt trên người, sốt cao, mọc cả trong miệng khiến cháu khó ăn, khó nuốt nên gia đình đưa cháu nhập viện và điều trị tại đây. Cháu bị viêm phổi do biến chứng của bệnh. Vì cháu còn nhỏ tháng nên chưa được tiêm phòng, anh trai cháu đã được tiêm vắc xin nên lúc bị nhẹ hơn nên cũng nhanh khỏi”. 
 
images1126641_b_c_s__nguy_n_v_n_s_n_ki_m_tra_s_c_kho__cho_b_nh_nhi_b__thu____u.jpgBác sỹ Nguyễn văn Sơn kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhi bị thuỷ đậu
 
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Sơn – Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: Bệnh thuỷ đậu hay xảy ra vào mùa xuân, dễ gây thành dịch, đặc biệt ở trẻ đi mẫu giáo vì lây qua đường hô hấp. Do đó khi trẻ ho, vi rút bắn ra môi trường xung quanh là các bé khác dễ bị lây. Thủy đậu là bệnh lành tính, đa số trẻ đến khám được cho về điều trị tại nhà. Ban đầu trẻ thường sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi người... Một số cháu không có triệu chứng đầy đủ như trên, đôi khi chỉ sốt nhẹ. Sau 1 - 2 ngày bắt đầu có các biểu hiện điển hình của thủy đậu là phát ban, phỏng nước trên da. Trên cùng một vùng cùng có các ban mới mọc, đã vỡ, tạo bỏng nước xen lẫn nhau. Thời gian từ khi xuất hiện đến khi vỡ là khoảng 2 - 3 ngày. Mới đầu ban chắc, nhỏ, sau đó tạo phỏng nước, kích thước to hơn, nước trong. Trong trường hợp nước nhìn thấy đục là đã có nhiễm khuẩn. Khi ban vỡ để lại vét loét trợt trên da, khiến trẻ ngứa, gãi, dễ gây nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng, tổn thương sẽ sâu hơn thì dễ để lại sẹo trên da.
 
Ngoài xuất hiện trên da, ban có thể mọc trong họng, miệng, đường tiêu hóa, khiến trẻ khó ăn, khó nuốt, đau, có biểu hiện tiêu chảy. Thậm chí một số trẻ ho, khó thở nếu ban mọc trong đường hô hấp. Bệnh diễn biến lành tính nếu chăm sóc tốt và không có biến chứng. Tuy nhiên, qua từng đợt điều trị tại khoa Truyền nhiễm cho thấy vẫn có cháu bị một số biến chứng của bệnh như là viêm phổi, viêm não... đã được theo dõi, điều trị tích cực.
 
Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn khuyến cáo, khi trẻ bị bệnh cha mẹ cần đưa đi khám để được tư vấn cách chăm sóc, tăng cường vệ sinh răng miệng da, tránh các biến chứng. Chú ý cho trẻ ăn uống đầy đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Tốt nhất là cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây lan. Cha mẹ khi chăm sóc trẻ cũng cần chú ý để tránh không bị lây bệnh. Những đồ dùng như quần áo, khăn mặt của người bệnh cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng, hay là ủi. Với các nốt thủy đậu khi vỡ thì nên chấm các thuốc sát trùng như xanh methylen, làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng khô nhanh. Nốt nào chưa vỡ thì không nên bôi vì không có tác dụng gì. Bên cạnh đó, nên tắm cho con bằng nước ấm, chú ý không tắm lâu như khi trẻ khỏe mạnh. Tránh gãi, vì gãi làm nốt phỏng bị vỡ, có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn.
 
Để phòng bệnh cho trẻ tăng cường vấn đề vệ sinh, ăn uống, da và đường mũi họng. Quan trọng là các bậc phụ huynh cần đưa con em mình đi tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đúng thời gian quy định.
 
 
Thúy Hiền
Trung tâm TT – GDSK Nghệ An