(Baonghean.vn) - Gần Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm trong kinh doanh nên nhu cầu thuê nhân viên thời vụ của các doanh nghiệp, cửa hàng ở Tp.Vinh tăng cao. Điều này tạo thuận lợi cho không ít sinh viên làm thêm, vừa có thu nhập, lại tích lũy được kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, sinh viên cần phải cảnh giác với những lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”.

Sinh viên đến tìm việc chủ yếu quê ở xa, gia đình khó khăn muốn có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình trong những ngày gần Tết. Nắm bắt được tâm lý muốn mau chóng xin được việc của sinh viên, một số doanh nghiệp, cửa hàng đã đăng thông báo tuyển dụng trên các trang mạng xã hội.

Thông tin tuyển dụng giới thiệu về những công việc thoải mái không áp lực, thời gian ngắn, mức lương hấp dẫn, không cần có kinh nghiệm nên không ít sinh viên đọc xong, tìm ngay đến địa chỉ thông báo. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được công việc như mình mong muốn. Vì quá nóng vội, chưa tìm hiểu thông tin về nơi tuyển dụng và công việc kỹ càng nên nhiều sinh viên rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”.

Phục vụ tại các nhà hàng, quán ăn là công việc làm thêm được nhiều bạn sinh viên lựa chọn.
Phục vụ tại các nhà hàng, quán ăn là công việc làm thêm được nhiều bạn sinh viên lựa chọn.

Bạn Nguyễn Thị Dung (sinh viên trường Đại học Kinh tế Nghệ An) chia sẻ: Cách đây vài ngày, mình thấy một quán ăn đăng tuyển nhân viên trên Facebook. Lịch học đợt này của mình khá nhàn rỗi nên mình tới địa chỉ đăng tuyển để xin việc và được nhận ngay chứ không đòi thêm yêu cầu nào nữa.

Nhưng khi làm việc được hai ngày thì mình phải xin nghỉ do công việc không giống như trên tin đăng tuyển. Quán đông khách nhưng chỉ có một người làm, nếu lỡ bưng nhầm đồ ăn hoặc chưa kịp gọi món cho khách thì bị bà chủ la lối, chửi mắng thậm tệ trước mặt khách. Trong khi nội dung đăng tuyển là công việc nhẹ nhàng, thoải mái, chủ dễ tính.

Nếu Dung may mắn không bị thiệt hại quá nhiều thì Đoàn Quang Trung, sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh lại rơi vào cảnh ngộ khó có thể lường trước. 

Tết năm ngoái, Trung ở lại Vinh xin làm phục vụ cho một quán cà phê. Mặc dù làm thời vụ nhưng cửa hàng này vẫn có hợp đồng rõ ràng khiến Trung an tâm. Sau 15 ngày làm thêm, Trung bị chủ quán bắt chẹt, phải đền bù vì nghỉ ngang, dù trước đó có thỏa thuận về thời gian làm việc. Cậu không ngờ được rằng, bản hợp đồng có vẻ rất minh bạch kia là “có thời hạn”, song lại không ghi rõ trong bao lâu. Không những vậy, chủ quán còn bắt đền về việc làm vỡ ly, chén và tính tiền nhầm cho khách. Tính ra Trung làm nửa tháng “không công”, vì tiền lương đã bị trừ hết.

Công việc phục vụ cà phê khá đơn giản, thoải mái lại có nhu cầu tuyển dụng lớn nên thu hút được nhiều bạn sinh viên.

Mắc vào trường hợp xảy ra hy hữu, Nguyễn Thị Lệ Quyên (sinh viên trường Đại học Vinh) tỏ ra bức xúc: “Gần đây, mình có nhận làm giúp việc theo giờ cho một gia đình phường Trường Thi. Do gần Tết, khó kiếm người làm nên chủ nhà hứa trả lương cao gấp 2 so với ngày bình thường. Đến gần hết tháng, lúc mình chuẩn bị nhận lương thì chủ nhà bị mất đồ và đổ lỗi là do mình lấy.

Theo thỏa thuận ban đầu thì tiền lương của mình là 1.200.000/12 buổi, nhưng sau sự việc trên, mình không được trả lương và còn bị đổ oan là ăn trộm đồ.”

Dịp Tết, nhiều sinh viên chọn giúp việc theo giờ để làm thêm bởi dễ sắp xếp thời gian và thu nhập khá cao.

Còn vô vàn cái “bẫy” mà sinh viên làm thêm tết sẽ phải đối mặt như: bẫy tiền lương, bẫy thời gian làm việc,… khiến các bạn trẻ có thể phải gánh chịu những thiệt hại vật chất, và đáng buồn hơn là những tổn thất về tinh thần.

Nguyễn Thị H (sinh viên trường Đại học Công nghiệp Vinh) lại rơi một tình huống oái ăm hơn khi làm thêm tại một quán cà phê. Khi mới bắt đầu làm, anh chủ quán thường xuyên hỏi thăm và khen mình làm việc tốt, hứa sẽ thưởng thêm vào cuối tháng.

Thỉnh thoảng anh có rủ mình đi uống cà phê ở các quán khác với lý do “đưa một số nhân viên đi học hỏi kinh nghiệm phục vụ từ những quán khác”. Thấy chủ nhiệt tình và có lý do chính đáng nên mình đã đồng ý. Nhưng lúc đi chỉ có mình với anh chủ đi xe ô tô riêng. Khi ở trên xe, anh có những lời nói và hành động khiếm nhã, sau đó, mình xin nghỉ việc ngay, Hà tâm sự.

Đó mới chỉ là một trong số rất nhiều những cảnh ngộ của sinh viên khi đi làm thêm tết. Những chuyện “dở khóc dở cười” đang dần trở nên phổ biến. Mong muốn kiếm tiền trong dịp tết là hành động thiết thực với một số bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, nên cẩn thận và đề phòng trước những lời mời chào “ngon ngọt” để tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc./.

Đậu Linh - Hoàng Hiền

TIN LIÊN QUAN