Thấp thỏm mùa bão lũ

Cơn lũ đi qua để lại triền sông hoang tàn, xơ xác. Vết tích cơn lũ vẫn còn lưu lại bằng những vệt bùn đất trên thân cây và các loại rác thải nằm ngổn ngang, bám đầy trên các bờ bụi. Những con thuyền nhỏ mắc cạn, mấy lồng dùng để nuôi cá rách toạc, đồ đạc của các hộ dân chưa kịp xếp đặt lại, những cọc neo nằm xiêu vẹo khiến khung cảnh càng thêm bộn bề, nhếch nhác.

bna_17466180_20112020.jpgKhung cảnh tiêu điều sau cơn lũ ở xóm chài Canh Tân, xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn). Ảnh: Công Kiên

Dưới thuyền, anh Ngô Văn Dũng (SN 1988) buồn bã, hết ngồi nhìn lên triền sông hoang vắng rồi nhìn dòng nước đang cuộn xiết giữa lòng sông. “Tối qua đi làm nghề suốt đêm nhưng chỉ được một ít cá nhỏ, sáng nay đi tiếp nhưng cũng chẳng ăn thua. Cá tôm ngày một hiếm, nhà cửa chưa có để ở, không biết tương lai của các con rồi sẽ thế nào?”, anh Dũng chia sẻ.

Người đàn ông làng chài ấy kể về những ngày mưa lũ, giọng nói và ánh mắt đều toát lên vẻ mệt mỏi và buồn bã. Năm nay bão lũ liên miên, có khi suốt cả tháng liền đêm không dám ngủ vì sợ các thủy điện ở thượng nguồn xả lũ, nước dâng cao bất ngờ, sóng đánh mạnh sẽ làm đứt dây neo gây chìm thuyền. Cứ mỗi khi có tin bão về hay mưa lớn dài ngày, cả gia đình ngày đêm sống trong lo âu, thấp thỏm.

  
Những con thuyền "mắc cạn" được dùng để cất đồ đạc, đề phòng nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Công Kiên
Chiếc lồng nuôi cá nằm chỏng chơ trên triền sông, bám đầy rác. Ảnh: Công Kiên

Những ngày cuối tháng 10, hoàn lưu cơn bão số 9gây mưa lớn trong mấy ngày liền, nước sông Lam dâng lên rất nhanh, trong một buổi đã ngập cả con đường lớn phía trên. Cùng vợ bế 3 con nhỏ vào xóm sơ tán, anh Dũng tất tả chạy ra thuyền đưa một số vật dụng của gia đình lên bờ, lúc ấy tưởng chừng như kiệt sức.

Nước cuồn cuộn chảy, chiếc thuyền đã neo vào gốc tre nhưng mấy lần dây neo chực đứt, lấy hết sức bình sinh, anh cố gắng găm chặt mỏ neo, quyết tâm giữ bằng được chiếc thuyền. Bởi, nó là nơi trú ngụ, che mưa, tránh nắng, nếu bị trôi đi, gia đình trong lúc khó khăn, không thể kiếm đâu hàng chục triệu đồng để thay thế.

Gia đình anh Ngô Văn Dũng sinh sống trong con thuyền nhỏ chật chội. Ảnh: Công Kiên

Cuối cùng nước cũng đã rút, anh Ngô Văn Dũng đã giữ được con thuyền của gia đình. Nhưng một mình lo giữ thuyền, không có thời gian neo chặt nên bị sóng đánh vỡ, khung dạt vào bờ, toàn bộ cá xuôi theo dòng nước lũ. Vậy là, trong thoáng chốc, khối tài sản trị giá hơn 20 triệu đồng bị cuốn trôi, những chắt chiu, dành dụm và hy vọng bao lâu coi như tan biến.

Chị Nguyễn Thị Thơ (SN 1997), vợ anh Dũng vừa từ chợ trở về, nét mặt cũng phảng nỗi buồn, lo. “Cá  mấy hôm nay ít, bán được có hơn 100 nghìn đồng, may chăng đủ tiền dầu, không đủ trang trải cho cả nhà”, chị Thơ nói.

Ba đứa trẻ (5 tuổi, 3 tuổi và 2 tuổi) thấy mẹ về liền leo qua tấm lưới chắn trước khoang, ùa ra mũi thuyền khiến con thuyền tròng trành, lắc lư như muốn lật nghiêng. Anh Dũng chợt nói: “Anh thấy đó, sống trên sông nước hiểm nguy luôn rình rập, hễ ra khỏi thuyền là canh cánh lo về mấy đứa nhỏ”.

Sinh sống trên thuyền luôn đối mặt với hiểm nguy, bất trắc, nhất là với trẻ em. Ảnh: Công Kiên

Neo gần thuyền anh Dũng là thuyền của gia đình anh Ngô Công Thắng (SN 1987), cũng đơn sơ và chật hẹp như những con thuyền khác bên triền sông này. Vợ chồng anh Thắng cũng có 3 con, đứa lớn nhất 11 tuổi, đứa bé nhất mới 4 tuổi, tất cả lênh đênh từ thuở còn trong bụng mẹ. Nguồn thu nhập, cái ăn và trang trải hàng ngày chỉ biết nhìn vào mảnh chài, tấm lưới.

Đêm, chồng đánh chiếc thuyền nhỏ gắn máy ngược xuôi buông chài, quăng lưới, vợ ở nhà trông con. Sáng, vợ mang cá đến chợ, ngày may mắn thì có vài trăm nghìn, có ngày không được một trăm, cuộc sống bấp bênh như con thuyền giữa sóng nước mùa lũ. Và cũng như anh Dũng, trong trận lũ vừa qua, vợ và các con của anh Thắng vào làng sơ tán, một mình anh bám trụ triền sông để giữ lấy con thuyền.

Khát khao ngôi nhà tạm

Cùng với anh Dũng và anh Thắng, ở xóm chài Canh Tân còn có một số hộ gia đình khác như anh Ngô Công Thành, Ngô Công Hùng và chị Ngô Thị Loan cũng đang phải sinh sống trên những con thuyền nhỏ. Nguồn thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề, từ hạt gạo, cọng rau đến can nước sạch, nguồn điện ắc quy cũng phải lên bờ.

Cuộc sống tạm bợ trên con thuyền nhỏ của gia đình anh Ngô Công Thắng. Ảnh: Công Kiên

Cuộc sống luôn đối mặt với hiểm nguy, hiểm nguy từ việc mưu sinh giữa dòng sông đêm vắng, hiểm nguy từ con nước lên xuống thất thường. Mỗi khi có tin bão gần, những cư dân này luôn “sống trong sợ hãi”, đêm ngày thấp thỏm lo lắng con thuyền đứt dây neo, bị lũ cuốn phăng.

Nếu bão đổ bộcòn đáng sợ hơn, vì sức người không thể giữ nổi, gió bão sẽ đánh tốc mái thuyền, rất khó tránh nguy cơ bị đắm, người có thể kịp sơ tán nhưng gia sản ít ỏi sẽ bị cuốn trôi.

Anh Ngô Công Thắng khao khát có một mảnh vườn nhỏ để dựng mái nhà tạm. Ảnh: Công Kiên

Vì thế, mong ước cháy bỏng của những cư dân này là có một mảnh vườn nho nhỏ để dựng ngôi nhà tạm làm chốn vào ra. Ngôi nhà dù tạm bợ nhưng chắc chắn sẽ an toàn hơn trên con thuyền nơi mé sông, để không còn mối lo và sự hiểm nguy trong những ngày mưa bão.

Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Tân Lộc, chúng tôi được biết xóm vạn chài Canh Tân thời bao cấp là HTX Ngư nghiệp Hồng Lam. Khi HTX giải thể, bà con tiếp tục bám sông nước để mưu sinh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả.

Sống trên thuyền thiếu thốn nhiều thứ, nước sạch bà con xóm chài Canh Tân cũng phải vào làng xin về dùng. Ảnh: Công Kiên

Năm 2007, thực hiện chủ trương tái định cưcho các làng chài trên sông Lam, 22 hộ của xóm Canh Tân được cấp đất làm nhà và đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Có chỗ ở ổn định, bà con làng chài vẫn tiếp tục gắn bó, mưu sinh trên sông nước, con thuyền nhỏ gắn máy là phương tiện làm ăn, cuộc sống đang dần khởi sắc.

Nhưng mấy năm sau, một số gia đình có con cái trưởng thành, dựng vợ gả chồng rồi tách hộ, trong khi diện tích đất ở không nhiều nên phải dắt díu nhau ra sông nước. Những hộ gia đình kể trên đều thuộc diện này, hiện tại đang rất khó tìm hướng giải quyết, vì đề án sắp xếp, xây dựng khu dân đặc biệt khó khăn đã hoàn thành.

Mưu sinh trên sông nước, nguồn thu nhập của những hộ dân làng chài Canh Tân luôn trong cảnh bấp bênh. Ảnh: Công Kiên

“Chúng tôi đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân làng chài Canh Tân và báo cáo cấp trên và đề xuất có văn bản hướng dẫn, thực hiện quy hoạch cấp đất theo định giá đặc cách. Hy vọng vấn đề này sẽ sớm được nghiên cứu, giải quyết vừa đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính công bằng và thể hiện tính nhân văn”.

Ông Nguyễn Cảnh Lộc - Chủ tịch UBND xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn)