Vụ sập hầm khai thác vàng ngày 2-4-2011 tại xóm Dến, bản Huồi Pai, xã Yên Tĩnh (Tương Dương) làm cháu La Thị Thu Trang (SN 1999) tử vong (Báo Nghệ An Điện tử đã đưa tin), một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với hoạt động khai thác vàng sa khoáng bừa bãi trên địa bàn huyện Tương Dương nói chung và xã Yên Tĩnh nói riêng.
Có mặt tại xóm Dến, bản Huồi Pai sau 5 ngày xẩy ra vụ tai nạn, không khí tang tóc bao trùm lên căn nhà nhỏ vốn đã xiêu vẹo vì cái nghèo của gia đình anh La Văn Năm và chị Vi Thị Pá (bố mẹ cháu Trang).
Trong nước mắt, chị Vi Thị Pá kể lại: Hôm đó là ngày thứ 7, Trang được nghỉ học nên đã cùng mẹ lên hố vàng của ông ngoại là Vi Văn Toán ngay cạnh nhà để đào vàng. Khi đã múc được 2 bế (gùi) thì Trang bảo mẹ đưa xuống suối để đãi trước, còn mình thì ở lại múc tiếp rồi xuống sau.
Sau 15 phút, vào khoảng 15h30, khi chưa đãi xong bế thứ nhất thì chị Vi Thị Pá nghe tiếng kêu của con, sau đó là tiếng đất đá đổ xuống. Khi chạy lên thì thấy con đã bị vùi lấp một nửa người phía dưới, còn chiếc xà beng dùng để đào vàng thì đè lên ngực. Ngay lập tức chị gọi chồng sang cứu con, nhưng khi đưa được cháu lên thì đã quá muộn.
Nguyên nhân cái chết của cháu Trang được xác định rõ là hố vàng nằm trên nền đất yếu bên bờ suối, độ kết dính thấp, thêm vào đó, mấy ngày trước những trận mưa đã làm mức độ liên kết giữa đất đá ở khu vực này bị yếu đi. Hố lại bị khoét sâu theo kiểu hàm ếch đã dẫn đến sụt lở.
Theo ông Vi Công Tình, Trưởng Công an xã Yên Tĩnh thì sập hầm khi khai thác vàng sa khoáng gây chết người không phải là chuyện hiếm trên địa bàn xã những năm gần đây. Năm ngoái, tại bản Hạt cũng đã xẩy ra 2 vụ sập hầm dẫn đến chết người, trong đó có một vụ sập làm 2 người chết là Lương Văn Phùng và Lương Văn Sen cùng trú tại bản Cành Toong (xã Yên Tĩnh).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nạn khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn xã Yên Tĩnh đã diễn ra từ lâu. Ngoài 3 đơn vị được cấp phép khai thác, thì ở bản nào cũng có trên chục hộ đi đào vàng. Dọc các con khe nơi nào cũng bị đào bới nham nhở, không những làm gia tăng nguy cơ sạt lở, mà còn khiến cho môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tình trạng nhức nhối này đã diễn ra từ rất lâu nhưng cho đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc để ngăn chặn. Mỗi tháng đội cơ động và công an xã chỉ đi kiểm tra nhắc nhở một vài lần, chưa có giải pháp xử lý triệt để, dẹp hầm này lại mọc lên hầm khác. Tại hầm khai thác xảy ra tai nạn, chính quyền địa phương cũng đã từng lập biên bản xử lý, nhưng chưa có biện pháp mạnh để đình chỉ hoạt động.